Hành trình dạy con song ngữ thú vị của ông bố Nguyễn Hải Đăng và cô bé Annie có lẽ sẽ truyền cảm hứng cho nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ.
Đối với cộng đồng yêu thích học tiếng Anh, Annie Nấm không phải là gương mặt xa lạ. Dù chưa đến tuổi đi học, cô bé đã có khả năng giao tiếp tiếng Anh trôi chảy khiến nhiều người lớn phải thán phục. Annie chính là cô bé song ngữ tài năng được nhiều người yêu mến, sở hữu loạt video thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Con tiếp xúc với ngoại ngữ từ sơ sinh, 2 tuổi đã giao tiếp tiếng Anh thành thạo. Hiện tại, cô nhóc đã 5 tuổi, sở hữu phát âm chuẩn cùng cách giao tiếp tự nhiên như người bản xứ.
Đằng sau sự toả sáng vượt trội của Annie trong khả năng ngôn ngữ là ông bố hết mực nhẫn nại - anh Nguyễn Hải Đăng, người đã dạy con học tiếng Anh ngay từ khi mới 5 - 6 tháng tuổi. Bản thân anh Hải Đăng cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy và học tiếng Anh. Lắng nghe chia sẻ của bố Annie, các bậc phụ huynh sẽ có thêm nhiều góc nhìn mới mẻ về việc dạy song ngữ Anh - Việt cho con từ nhỏ.
Anh Nguyễn Hải Đăng và con gái Annie.
Anh có thể chia đôi chút về hành trình dạy con song ngữ?
Là một hành trình dài nhưng thú vị. Khó nhất là vượt qua được điều tiếng của người nhà và xã hội khi mới bắt đầu. Mình chỉ dùng tiếng Anh với con, còn mẹ bạn ý sẽ nói tiếng Việt. Cách này rất phổ biến ở các quốc gia đa ngôn ngữ.
Mất tới hơn 2 năm thì bạn nhỏ nhà mình mới giao tiếp ổn về cả 2 ngôn ngữ. Nếu không nói chuyện với bố thì người lạ đứng gần sẽ không thể biết cháu biết nói song ngữ vì tiếng Việt của Annie sử dụng tự nhiên, thậm chí có phần nổi trội hơn các bạn cùng tuổi.
Vì sao anh lại có ý tưởng dạy con song ngữ ngay từ thuở lọt lòng?
Mình sử dụng tiếng Anh từ khi còn học đại học. Được tiếp xúc và làm việc với nhiều người ở các quốc gia khác nhau, trải nghiệm được nhiều nền văn hóa nhờ việc sử dụng được ngôn ngữ. Mình đã luôn có mong muốn dạy con tiếng Anh từ khi con trẻ, để con lớn lên được hòa nhập với môi trường quốc tế ngay tại Việt Nam.
Annie được bố dạy tiếng Anh từ nhỏ với mong muốn con hoà nhập được với môi trường quốc tế.
Anh có nghiên cứu kỹ phương pháp hay dựa trên kinh nghiệm của bản thân?
Đa số mình dạy bạn nhỏ nhà mình theo cách mà ông bà cha mẹ chúng ta dạy con trẻ tiếng Việt thôi. Tập từ đơn, nhắc lại, cổ vũ mỗi khi cháu nói được những từ đơn. Trở thành người đồng hành cùng con cái.
Thêm nữa kinh nghiệm đứng lớp 5 năm đã giúp mình rất nhiều trong việc lắng nghe và trao quyền tự do thể hiện ý kiến, quan điểm của cháu. Điều này giúp rất nhiều trong việc dạy ngôn ngữ vì trẻ có trí tưởng tượng cực kỳ lớn, và nhớ rất lâu nếu chúng ta biết lắng nghe và đắm chìm vào những câu chuyện của chúng.
Hiện tại tiếng Việt của Annie như thế nào, có tốt như tiếng Anh? Bé thường sử dụng ngôn ngữ nào hơn?
Hiện tại Annie được cô giáo đánh giá là bạn “nhanh miệng” nhất lớp. Gặp ai cũng chủ động nói chuyện làm quen. Ai cũng nói là bạn ý khéo ăn nói. Do đó về tiếng Việt, Annie thực sự rất nổi trội.
Còn tiếng Anh thì vợ mình trao cho mình đặc quyền chỉ mở các chương trình tivi ở nhà bằng tiếng Anh. Do môi trường bạn ý ở là Việt Nam và hầu hết thời gian tương tác với mọi người là bằng tiếng Việt. Mình phải dành thời gian mỗi tối đọc chuyện để tương tác với bạn ý. Hy vọng lớn lên chỉ cần giao tiếp tốt với bố là có thể tự tin làm nhiều việc rồi. Để giao tiếp như người bản xứ thì cần nhiều hơn thế.
Có một câu chuyện hay kỷ niệm hài hước nào khi các bé nói được cả tiếng Anh và tiếng Việt? Con có bao giờ làm bố mẹ bất ngờ về khả năng của mình?
Kỷ niệm thì rất nhiều và mình nhớ mỗi mẩu chuyện mồn một, vì mình quay video lưu lại quá trình lớn lên của con hàng ngày cũng như việc bố mẹ trưởng thành hơn mỗi ngày. Kỷ niệm đầu tiên là Annie gặp bạn Khánh Vy - cô gái nói 7 thứ tiếng. Bạn Vy rất thân thiện và giao tiếp với Annie, ban đầu mình có nói trước là bắt chuyện với Annie bằng tiếng gì trước thì bạn ý sẽ nói tiếng đó. Và sẽ chỉ nói chuyện nếu người đó thân thiện.
Bất ngờ là sau 1 lúc làm quen thì khi chào tạm biệt, cô Vy có lì xì cho Annie (vừa Tết xong), và nói bằng tiếng Việt: “Cô mừng tuổi cho Annie hay ăn chóng lớn”. Như 1 thói quen, mình nói “What do you say, honey?”. Bạn ý ngay lập tức “Con cảm ơn cô”, một cách không ngần ngại.
Cô bé Annie song ngữ hội ngộ Khánh Vy - "Cô gái nói 7 thứ tiếng".
Anh có nghĩ con mình nói tốt hai ngôn ngữ là vì bé thông minh hay mọi đứa trẻ đều có khả năng này?
Mọi đứa trẻ đều có khả năng này. Mình đã gặp rất nhiều đứa trẻ ở độ tuổi Annie, thậm chí có nhiều bạn (do bố mẹ bận) chỉ ngồi nhà xem Youtube tiếng Anh mà vẫn nghe rất tốt. Mỗi khi mình nói chuyện với Annie bằng tiếng Anh, bạn ý lại gần tỏ ý muốn nói cùng. Và mình hỏi các câu đơn giản, bạn ý đều hiểu và trả lời ngắn gọn.
Thậm chí hiện tại mình còn đang dạy cho 1 bạn 6 tuổi (anh họ của Annie), nghĩa là tiếng Việt của bạn ý đã rất tốt, đã qua độ tuổi vàng để học ngôn ngữ (trước 6 tuổi). Gần 7 tháng trôi qua, theo như cách mình đã tương tác với Annie thì hiện tại bạn nhỏ 6 tuổi đã nghe hiểu những gì mình nói và biết thể hiện ý kiến, câu lệnh đơn giản bằng tiếng Anh. Mẹ bạn có nói, khi học mẫu giáo như Annie, bạn hay bị ở lại cuối buổi để chép bài vì… chậm. Về việc nói hai ngôn ngữ, theo mình, không có cái gọi là khả năng. Chỉ là phương pháp và thời gian.
Nhiều người sợ dạy con song ngữ quá sớm, bé sẽ bị rối loạn ngôn ngữ. Anh nghĩ sao?
Thực tế, ở các quốc gia đa sắc tộc như Mỹ, có rất nhiều trẻ lớn lên với dạng Passive bilingual – Song ngữ thụ động. Nghĩa là có 1 ngôn ngữ sử dụng chính, còn ngôn ngữ kia chỉ nghe hiểu nhưng không nói được hoặc nói không chuẩn do thiếu tương tác.
Rối loạn ngôn ngữ là không thể nói được câu gãy gọn bằng một loại ngôn ngữ. Phần nhỏ các bạn bị là một loại bệnh. Phần lớn là do bố mẹ để mặc con xem các chương trình bằng đủ loại tiếng trên tivi, đặc biệt là Youtube nhưng lại không dành thời gian tương tác và giao tiếp với con, không biết lắng nghe, mớm lời, cổ vũ.
Bản thân mình khi dạy Annie được hơn 1 tuổi, bắt đầu có nhiều người nói về việc này và lấy ví dụ về các trường hợp được đưa lên tivi về loạn ngôn ngữ. Mình đã tự đọc, tìm hiểu trên mạng và đến gặp chuyên gia giáo dục người Mỹ, bác Pedro, là một đồng nghiệp có 20-30 năm kinh nghiệm giảng dạy. Bác đã củng cố niềm tin. Sau đó mình không nghĩ gì nữa, mà chỉ tiếp tục làm.
Anh nghĩ những khó khăn và sai lầm của bố mẹ Việt trong việc dạy và cho con học tiếng Anh là gì?
Sai lầm phổ biến nhất mình thấy là việc dịch từ Việt sang Anh hoặc ngược lại. Việc này làm cho não bộ xử lý rất lâu để sử dụng được 1 ngôn ngữ. Ở trình độ cơ bản, khi học tiếng Anh, ở nhiều quốc gia họ vẫn dạy bằng tiếng Anh luôn, chứ không dùng tiếng mẹ đẻ. Nhưng sai lầm này không quan trọng bằng việc để cho trẻ được nghe các tài liệu tiếng Anh hàng ngày và cha mẹ phải dành thời gian tương tác bằng tiếng Anh dựa trên các tài liệu đó.
Còn gia đình anh thì sao, anh có gặp khó khăn trong việc dạy con song ngữ?
Khó khăn lớn nhất là người nhà và hàng xóm cho rằng việc dạy con sớm gây ảnh hưởng tới việc bạn ý nói tiếng Việt. Cũng như những bình phẩm không hay trên mạng xã hội về việc tại sao sống ở Việt Nam lại nói tiếng Anh. Sau 4 năm cùng nhau, Annie nói tốt dần cả 2 thứ tiếng, những nhận xét và bình phẩm đó giảm đi theo thời gian, thay vào đó là khen ngợi.
Gia đình nhỏ của anh Nguyễn Hải Đăng.
Khi bị người thân và hàng xóm phản đối việc dạy con song ngữ, anh thuyết phục mọi người như thế nào?
Ông bà thì luôn ủng hộ các quyết định của mình, hơn nữa cả hai đều là giáo viên tiểu học nên việc dạy trẻ ngôn ngữ với ông bà là chuyện bình thường. Chỉ có họ hàng và hàng xóm hay thắc mắc và đôi khi trêu đùa. Thái độ thì không có gì nặng nề, chỉ có những bình phẩm trên mạng xã hội làm cho mình cảm thấy sợ hãi. Mình xin phép không nhắc lại.
Mình cũng không thuyết phục ai cả. Mình chỉ nói chuyện phần lớn với Annie khi ở nhà và có 2 cha con. Tận dụng buổi sáng thức dậy, đi học, buổi tối để nói chuyện. Nếu có ra ngoài thì mình chỉ nói nhỏ với bạn ý, hầu như người ngoài không hề biết mình đang nói tiếng Anh với Annie trong 2 năm đầu. Chỉ khi bạn ấy lớn hơn chút và nói nhiều. Họ mới để ý và hỏi, cháu nói cả tiếng Anh và tiếng Việt cơ à? Mình chỉ trả lời đơn giản là: “Dạ, chỉ như người Mông nói tiếng Kinh thôi ạ”.
Dạy con song ngữ từ nhỏ là một lựa chọn nên nếu bố mẹ muốn con bắt đầu học tiếng Anh khi bước vào độ tuổi đi học (5 - 6 tuổi) cũng không sao? Liệu các bé có bị thua thiệt sao với bạn bè?
Nếu có phương pháp và thời gian dành cho trẻ thì không bao giờ là muộn ạ. Thua thiệt thì phải so với môi trường nào, trường công, trường tư hay trường quốc tế. Việc dạy con song ngữ phải dựa vào việc cha mẹ có thời gian dành cho con cái và chịu tìm hiểu phương pháp, tài liệu.
Anh có ý định cho con học thêm ngôn ngữ khác, anh mong muốn con biết bao nhiêu thứ tiếng?
Hiện tại mình chỉ có mong muốn để Annie dùng tiếng Anh cho tới cấp 2. Nếu khi ấy bạn muốn học thêm thứ tiếng khác hoặc học một kỹ năng gì khác, mình sẵn sàng đầu tư thời gian công sức để giúp bạn ý.
Annie giỏi giang và nổi tiếng từ bé, anh có sợ con bị áp lực khi lớn lên?
Thuyền to thì gặp sóng lớn. Quan trọng người lái đò phải đồng hành, đó chính là cha mẹ. Không có áp lực thì cuộc sống không có ý nghĩa, không phát triển. Tụi mình sẵn sàng đồng hành và chia sẻ với bạn ý.
Anh Hải Đăng không sợ Annie bị áp lực, sẵn sàng đồng hành cùng con gái.
Để dạy con song ngữ từ nhỏ, gia đình cần có điều kiện kinh tế tốt hoặc bố mẹ phải có nền tảng tiếng Anh, anh nghĩ sao về quan điểm này? Anh có những lời khuyên nào cho bố mẹ bình thường dạy con học tiếng Anh từ bé?
Mình không thể cho con cái mà mình không có. Nếu không muốn dạy mà con nói song ngữ từ nhỏ thì kiếm thật nhiều tiền để cho con theo học song ngữ. Còn bố mẹ không có nền tảng tiếng Anh thì rất khó để dạy con. Hơn cả, tiếng Anh không phải thước đo về trí tuệ hay địa vị xã hội. Không học trước thì học sau. Có chí thì nên. Có lẽ, cái tư duy tự lực, tự học mới là cái cha mẹ cần dạy con cái.
Cảm ơn anh vì đã chia sẻ!