Ai cũng thót tim trước tình huống xảy ra với 2 bà cháu.
Tình cảm dành cho gia đình là bài học vỡ lòng mà bố mẹ nào cũng muốn dạy con, và mong đứa trẻ sau này dù làm gì và trở thành ai thì cũng sẽ khắc cốt ghi tâm hai chữ “gia đình” trong tim. Ngoài bố mẹ ra, người ngay từ nhỏ gần gũi và quan tâm trẻ nhiều nhất có lẽ không ai khác chính là ông bà, thế nên đối với trẻ ông bà luôn giữ một vị trí quan trọng. Có những hành động, cử chỉ mà con cháu làm cho ông bà khiến ai nhìn vào cũng không kìm được nỗi xúc động, đơn cử như câu chuyện dưới đây đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người.
Theo Sohu đưa tin, vào lúc 20:08 ngày 18 tháng 9, một trận động đất mạnh 4,7 độ richter đã xảy ra ở một vùng quê nhỏ tỉnh An Huy, Trung Quốc. Tại thời điểm phát hiện mặt đất có dấu hiệu rung lắc, một cậu bé 14 tuổi đang học bài trong phòng liền chạy vội ra phòng khách.
Camera trong nhà ghi lại cảnh tượng nhóc tỳ hét lên, sau đó cậu bé không bỏ chạy ra khỏi nhà ngay mà vào phòng bà ngoại 85 tuổi đang chống gậy đi khập khiễng, rồi cố gắng bước từng bước nặng nề đỡ bà ra khỏi khu vực nguy hiểm khiến ai chứng kiến cũng xúc động. Được biết lúc này trong nhà chỉ có 2 bà cháu, bố mẹ nhóc tỳ đi làm chưa về. May mắn là mọi chuyện vẫn ổn, và hai bà cháu đã kịp thời di chuyển đến nơi an toàn, không gặp vấn đề gì về sức khỏe.
Sau khi đoạn video về 2 bà cháu được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng bày tỏ sự xúc động, và dành lời khen cho bé trai. "Tôi đã rơi nước mắt khi nhìn thấy cảnh tượng này, đứa trẻ thật tuyệt vời. Phản ứng đầu tiên của cháu đủ để chứng minh tình yêu lớn lao mà bé dành cho bà" - một phụ huynh trải lòng.
Một số bố mẹ khác còn tỏ ra ghen tị với người mẹ vì có một đứa con ngoan. Thời điểm biết chuyện xảy ra ở nhà, người mẹ cũng không giấu được niềm hạnh phúc và tự hào, nhắc về cậu con trai 14 tuổi, người mẹ cho biết: “Tôi rất mừng vì con trai đã thật sự trưởng thành, trong tình huống đáng sợ này con đã mạnh mẽ đối diện và bình tĩnh xử lý. Ở nhà con cũng rất hiếu thảo với bà. Trong suốt thời gian bố mẹ đi làm, con là người nhận nhiệm vụ chăm sóc bà, từ nấu ăn cho đến việc hỗ trợ bà đi vệ sinh,...”
Qua câu chuyện trên, có thể thấy bài học về tính hiếu thuận với ông bà, bố mẹ là bài học quan trọng trẻ nên được dạy ngay khi con còn nhỏ. Để có thể giúp con rèn luyện, trau dồi đức tính tốt đẹp này thì bố mẹ cần làm những điều sau:
- Tăng cường giáo dục: Bố mẹ có thể truyền đạt giá trị và ý nghĩa của tính hiếu thuận thông qua việc giảng dạy, gợi mở câu chuyện và ví dụ trong cuộc sống hàng ngày của gia đình. Đồng thời, bố mẹ cũng nên khuyến khích con tham gia vào các hoạt động xã hội như tình nguyện để trẻ có cơ hội được cảm nhận, thấu hiểu và tích cực trau dồi tính hiếu thuận trong cộng đồng.
- Bố mẹ làm gương: Không có một bài học nào hiệu quả bằng việc bố mẹ làm gương để con quan sát, học hỏi và bắt chước theo. Bố mẹ có thể tạo ra một môi trường gia đình yêu thương và hỗ trợ, nơi mà tính hiếu thuận được đặt lên hàng đầu và thực hành hàng ngày. Bằng cách làm gương cho con, bố mẹ tạo ra một hình mẫu tích cực để con học hỏi và noi theo.
- Dạy con cách thể hiện lòng biết ơn: Bố mẹ hãy dạy cho con cách thể hiện lòng biết ơn khi nhận được sự giúp đỡ hoặc những điều tốt đẹp từ người khác. Việc dạy con nói "cảm ơn" và biết thể hiện lòng biết ơn thông qua các hành động như viết thư, vẽ tranh hoặc tặng quà,... sẽ giúp con nhận thức, cũng như biết trân trọng những đóng góp của người khác.
- Khuyến khích con giúp đỡ và chăm sóc ông bà: Bố mẹ hãy tạo cơ hội cho con tham gia vào các hoạt động giúp đỡ và chăm sóc ông bà như làm việc nhà, hoặc thực hiện các nhiệm vụ nhỏ mà ông bà giao cho. Khi con tham gia vào những hoạt động này, con sẽ nhận ra giá trị của việc biết giúp đỡ và chăm sóc người thân trong gia đình, từ đó rèn luyện tính hiếu thuận.
Một số biểu hiện cho thấy trẻ không hiếu thuận với ông bà, bố mẹ nên điều chỉnh sớm.
- Thiếu sự quan tâm: Đứa trẻ không thể hiện sự quan tâm đến ông bà, ít hỏi thăm sức khỏe hoặc không chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày của mình cho ông bà nghe. Ngược lại, trẻ cũng sẽ không dành thời gian để lắng nghe ông bà kể chuyện, tâm sự, không ở bên cạnh ông bà nhiều.
- Không giúp đỡ hoặc không tự nguyện giúp đỡ: Đứa trẻ không có tính hiếu thuận sẽ không tự nguyện giúp đỡ ông bà trong các hoạt động hàng ngày như làm việc nhà, hoặc làm những công việc nhỏ khác. Trẻ thường lơ đi, tìm cách trốn tránh sự nhờ vả của ông bà, hoặc phải đợi ông bà nhắc nhở, bắt ép thì mới chịu phụ giúp, nhưng thường với thái độ dùng giằng, khó chịu.
- Thiếu lòng biết ơn và tôn trọng: Đứa trẻ không có tính hiếu thuận sẽ không thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng ông bà. Trẻ sẽ không biết nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ ông bà hoặc thậm chí dành những lời lẽ, hành động thiếu sự tôn trọng dành cho ông bà như tỏ thái độ vô lễ, giao tiếp bất lịch sự, không biết "kính trên nhường dưới".