Bé Soup hiện đang học tại một trường mầm non tư thục ở Hà Nội.
Khi trẻ vào mẫu giáo cũng là lúc cả gia đình sẽ có thêm những tình huống phải xử lý để hướng dẫn con cách hòa nhập với môi trường mới, bạn bè và nề nếp ăn uống sinh hoạt ở trường mầm non. Nhiều phụ huynh lo con nhút nhát, đi học bị bạn bắt nạt. Có những cha mẹ thì lại “đau đầu” vì con quá hiếu động, tinh nghịch. Ca nương Kiều Anh có lẽ nằm ở nhóm phụ huynh thứ 2.
Sinh con trai đầu lòng năm 2017, đến nay khi cậu bé được 2 tuổi, gia đình ca nương Kiều Anh bắt đầu cho bé Soup đi học. Cũng từ đây mà cả nhà có thêm nhiều câu chuyện dở khóc dở cười mỗi khi Soup đi học về.
Mới đây, trên facebook cá nhân, mẹ chồng ca nương Kiều Anh – hiệu trưởng Văn Thùy Dương chia sẻ câu chuyện thú vị về cháu trai.
"Hôm nay cùng bố Soup đi đón Soup! Trên đường về thấy mẹ Soup điện thoại cho bố Soup và đọc nhận xét của cô giáo Soup cho bố Soup nghe. Trong đó có đoạn đại ý là con còn chưa kết hợp với các bạn, thi thoảng nói bạn không nghe lại làm bạn đau (ý là đánh bạn đấy). Bà bèn hỏi Soup:
- Tại sao Soup đánh bạn?
Im lặng!
- Soup có đánh bạn không? - Bà đổi câu hỏi! Giọng hơi có tý thép!
Im lặng!
- Soup có đánh bạn không? - Bà đổi chiến thuật nhẹ nhàng hỏi.
Cuối cùng Soup cũng trả lời.
- Soup "đánh rắm"!
Hết nói luôn!".
Câu chuyện về bé Soup của hiệu trưởng Văn Thùy Dương ngay lập tức thu hút sự chú ý và được dân tình hào hứng vào bình luận. Đa phần mọi người đều bật cười với sự lém lỉnh của cậu bé, đồng thời nói với mẹ chồng ca nương Kiều Anh rằng Soup có tính cách “bá đạo” như vậy nhất định là được thừa hưởng từ bà nội.
Thông qua đoạn hội thoại, cũng có thể thấy được cách dạy cháu của hiệu trưởng Văn Thùy Dương rất khoa học và hiểu tâm lý trẻ nhỏ. Khi bé mắc lỗi, nếu cha mẹ chất vấn con bằng những câu hỏi “tại sao” sẽ khiến bé rất lúng túng, sợ sệt và không trả lời được. Thay vào đó, cha mẹ có thể hỏi con bằng những câu hỏi “Có/Không” sẽ khiến con dễ đáp lời hơn.
Vậy trẻ nhỏ đánh bạn ở lớp, nguyên nhân do đâu:
1. Bé có một nhu cầu, mong muốn, bức xúc gì đó thẳm sâu bên trong chưa được giải tỏa, nên bé cần xả ra bằng một hình thức khác. Do còn non nớt, lựa chọn của bé không chính xác và có thể gây đau cho người khác. Thường bé cũng không ý thức được hậu quả việc làm của mình có thể gây ra.
2. Bé có ý muốn tiếp cận hoặc chơi với bạn kia. Hoặc muốn gây sự chú ý với bạn. Hoặc có sự tò mò, muốn tìm hiểu rõ hơn về bạn. Nhưng do chưa trưởng thành và chưa được hướng dẫn, bé không biết cách thể hiện các mong muốn, dẫn đến biểu hiện hành vi đánh người khác.
Cách xử lý của cha mẹ như thế nào:
Bước 1: Không phủ định cảm xúc của con, không nói các câu như: "Có thế mà cũng bực mình?", "Có thế mà cũng phải đánh à?", "Việc đấy thì có gì đâu?" Thay vì thế, ôm con vào lòng để con cảm thấy yên tâm, biết mình được yêu thương vô điều kiện, từ đó sẵn sàng mở lòng và bình tĩnh đối thoại. Thông cảm cho trạng thái cảm xúc của con, ví dụ nói: "Mẹ hiểu rồi."
Bước 2: Giải thích lẽ phải cho con. "Đánh bạn là không đúng. Việc đánh bạn làm cho bạn đau", hoặc "Con đẩy bạn nhanh vậy, làm cho bạn ngã xuống đất, với độ cao từ trên xuống dưới như vậy, có thể sẽ rất nguy hiểm".
Đặt câu hỏi (chứ không mặc định là người lớn luôn biết câu trả lời): "Vì sao con đánh bạn vậy?"
Với các bé 1-2 tuổi, nhiều khi chưa trả lời được câu hỏi "Tại sao", nhưng ít nhất các bé nhìn vào thái độ của mình, đủ hiểu là đó là hành động không được khuyến khích, mà bị dừng lại, bị ngăn cản.
Khi bé khoảng 2,5 tuổi trở lên, bé bắt đầu biết cách giải thích cho hành động của mình, ví dụ: "vì bạn lấy đồ chơi của con", "vì bạn nhìn con", "vì bạn không cho con chơi"...
Bước 3: Đưa cho con giải pháp thay thế, giúp con diễn đạt ra bằng lời các cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn của mình. Càng cụ thể, chi tiết càng tốt. Ví dụ mẹ nói với bé: "Mình bảo bạn là: Bạn ơi, tớ đang chơi đồ chơi đó, bạn cho tớ xin lại nhé. Tý nữa tớ chơi xong, tớ đưa cho bạn nhé", hoặc "Con bảo bạn là: Bạn đừng nhìn tớ như thế, tớ không thích đâu".