Người mẹ tưởng đứa trẻ bị thương.
Nghịch ngợm là bản năng của nhiều đứa trẻ đang trong độ tuổi mà mức độ tò mò về thế giới xung quanh được kích thích mạnh mẽ. Trong quá trình trẻ tìm hiểu và khám phá mọi thứ, sẽ có những hành động, trò nghịch khiến bố mẹ dở khóc dở cười, thậm chí là thót tim, đơn cử như tình huống của một cậu bé 6 tuổi (Trung Quốc) dưới đây được người mẹ chia sẻ trên trang cá nhân thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng.
Cụ thể vào ngày cuối tuần, Tiểu Phi ở nhà với bố còn mẹ thì phải tăng ca ở công ty. Tiểu Phi bình thường rất thích chạy nhảy, cậu bé khá nghịch nên khi để con trai ở nhà với chồng thì chị Nhu cũng có chút không an tâm. Đúng như linh cảm của người mẹ, giờ nghỉ trưa chị Nhu vô tình cầm điện thoại để kiểm tra camera ở nhà thì hoảng hốt khi trông thấy cảnh tượng ở phòng khách.
Trong khi chồng ngủ say trên ghế sofa thì con trai chạy khắp nhà, điều đáng chú ý là toàn thân con chị Nhu lúc này bỗng nhuộm một màu đỏ chót giống như đang gặp vấn đề gì đó bất ổn. Chị Nhu chết khiếp, hãi hùng gọi điện ngay cho chồng nhưng không thấy anh bắt máy, thế là vội vã chạy về nhà kiểm tra.
Vừa vào đến cửa, chị Nhu trợn tròn mắt khi thấy trên sàn nhà dính đầy những vệt màu đỏ, đồ mỹ phẩm của mình thì nằm lăn lóc khắp nơi còn cậu con trai thì đang loay hoay nghịch ngợm, bôi vẽ son môi của mẹ lên khắp người. Lúc này, chị Nhu mới thực sự nhận ra tình hình và cảm thấy vô cùng bất lực trước sự nghịch ngợm của cậu con trai.
Sau khi bài chia sẻ của chị Nhu được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, rất nhiều người cũng thót tim với trò nghịch của Tiểu Phi. Tuy nhiên, có không ít bình luận để lại bày tỏ việc bố mẹ cần phải sát sao và có những giới hạn nhất định đối với con cái trong vấn đề này. Bởi không phải trò nghịch ngợm nào cũng nên được khuyến khích thực hiện. Có những hành động mang tính chất nguy hiểm, nếu bố mẹ không kịp thời kiểm soát thì sẽ rất dễ khiến con trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm.
Trẻ con luôn thích nghịch ngợm, tâm lý đằng sau tính cách này là gì?
- Tính tò mò
Trẻ nghịch son, nghịch tất cả đồ vật trong nhà… vốn bị coi là những hành vi “có hại” trong mắt người lớn nhưng thực ra lại là những hoạt động tìm tòi, khám phá, được xem như thú vị trong mắt trẻ nhỏ.
Ở độ tuổi nhận thức chưa hoàn thiện, trẻ sẽ không phân biệt được đâu là trò vui chơi được phép thực hiện và đâu là không, chúng chỉ muốn thoả mãn nhu cầu tò mò của bản thân mà không biết mình đang sắp gặp rắc rối.
Đó là lý do mà một khi ra khỏi tầm mắt của người lớn, nhiều đứa trẻ sẽ bắt đầu hành trình khám phá của mình, và kết quả đôi khi sẽ khiến không ít bậc bố mẹ phải đau đầu nhức óc vì loay hoay dọn dẹp mớ hỗn độn do con tạo ra.
- Tâm lý bắt chước
Bố mẹ sẽ quan sát thấy rằng những đứa trẻ của mình đặc biệt thích bắt chước người lớn. Tuy nhiên nhiều trường hợp tính bắt chước của trẻ được phát huy mà không nhận được sự chú ý, hay hướng dẫn phù hợp từ người lớn, dẫn đến tình huống chúng trở thành "sự tàn hoại" bất cứ lúc nào.
- Tâm lý “hữu ích”
Nhận thức của trẻ nhỏ còn chưa hoàn thiện nên hậu quả của nhiều hành vi cũng không thể lường trước được, đôi khi một số hành vi của con trẻ khiến bố mẹ phải thót tim thực chất không phải tự nhiên diễn ra, mà xuất phát từ mục đích tốt của trẻ.
Chẳng hạn, khi nhìn thấy điện thoại di động của bố có dính một ít bụi bẩn, đứa trẻ thấy bố không có ở đó nên nhanh chóng lấy điện thoại di động bỏ vào máy giặt để “tắm” cho nó sạch sẽ. Suy cho cùng, việc "giúp đỡ" này của đứa trẻ cũng là vì có ý tốt, chỉ là con chưa biết cách thể hiện như thế nào cho đúng đắn mà thôi!
Tính tò mò của trẻ cần được bố mẹ giúp con phát huy như thế nào cho phù hợp và hiệu quả?
- Cung cấp hướng dẫn để thỏa mãn trí tò mò của trẻ
Trẻ nhỏ có tính tò mò là điều rất bình thường. Nếu sự tò mò của trẻ không được thỏa mãn trong thời gian dài, trẻ sẽ chỉ có thể tự mình khám phá và đôi khi gây ra những tình huống “nghịch phá” là chuyện dễ hiểu.
Để tránh trường hợp gây ra nguy hiểm cho con, các bậc bố mẹ có thể giáo dục, hướng dẫn hoặc thậm chí là thảo luận về những nguyên tắc để trẻ có thể vui chơi một cách lành mạnh. Chẳng hạn như bố mẹ có thể thường xuyên cho con tham gia làm việc nhà, hoặc các công việc khác trong khả năng của bé để thỏa mãn mong muốn thực hành của con.
- Cho trẻ không gian để khám phá
Nếu được tạo môi trường, điều kiện để thoả mãn tính tò mò, thích khám phá của trẻ một cách phù hợp, điều này sẽ rất có lợi cho sự phát triển trí não của con trẻ.
Đó là lý do mà bố mẹ có thể chuẩn bị các khối lego, đồ chơi tháo rời và lắp ráp, trò chơi ghép hình với nhiều độ khó khác nhau để thỏa mãn ham muốn khám phá của trẻ.
- Giao tiếp và tương tác nhiều hơn với trẻ
Đôi khi hành vi “nghịch phá” của trẻ thực chất là để thu hút sự chú ý của bố mẹ, muốn được bố mẹ quan tâm nhiều hơn. Đứa trẻ nào cũng khao khát được nhận sự chăm sóc lâu dài và liên tục từ bố mẹ, thế nên các bậc phụ huynh cần phải phản ứng tích cực với con cái của mình, bằng cách nói chuyện với con nhiều hơn, chơi cùng con và dành cho con đủ sự quan tâm, yêu thương.
Ngoài ra, bố mẹ cũng phải hiểu rõ việc “thưởng phạt rõ ràng”, nếu trẻ quậy phá quá mức thì phải có những biện pháp xử lý thích đáng để sau này con sẽ không tái phạm nữa. Ngược lại nếu con ngoan thì đừng kiệm lời khen khích lệ bé, như vậy con sẽ có động lực tiếp tục thực hiện những hành vi chuẩn mực trong tương lai.