Mẹ bỉm được cưng chiều, chồng vừa lo tài chính vừa giỏi chăm con.
May mắn lớn nhất của một người phụ nữ, người làm mẹ là gả cho đúng người đàn ông biết thương vợ, yêu gia đình và đặc biệt là giỏi làm bố. Như vậy thì trên hành trình làm mẹ, người phụ nữ sẽ thực sự cảm thấy hạnh phúc, và khi mẹ hạnh phúc thì con cũng sẽ lớn lên trong hạnh phúc trọn vẹn.
Chị Vy Koldtoft (33 tuổi, quê Hồ Chí Minh) chính là người có được sự may mắn khiến nhiều người phải ganh tỵ. Cô gái Việt lấy được anh chồng Đan Mạch (Kim Koldtoft, 44 tuổi) hơn cô 10 tuổi qua ứng dụng hẹn hò. Chồng ngoại quốc cực kỳ cưng chiều cô nàng, không những thế còn giỏi kiếm tiền và khéo chăm con.
Hiện tại, chị Vy Koldtoft đang sinh sống ở Frederiksberg, gần thủ đô Copenhagen, Đan Mạch với tổ ấm nhỏ 3 thành viên. Công việc hiện tại của chị là làm mẹ bỉm sữa toàn thời gian của một em bé 9 tháng tuổi vô cùng đáng yêu.
Gia đình chị Vy Koldtoft ở Đan Mạch
Quen ông xã ngoại quốc qua ứng dụng hẹn hò, cô gái Việt sau khi sinh con quyết định nghỉ việc ở nhà làm mẹ toàn thời gian
Chào chị Vy, chị chia sẻ một chút về cơ duyên gặp ông xã ngoại quốc nhé?
Mình và anh quen nhau qua ứng dụng hẹn hò mùa hè năm 2021. Mình đi làm và sinh sống ở Đan Mạch nhưng cũng không có bạn bè, người thân gì, mặc dù trước đó mình cũng có một mối quan hệ với một chàng trai Đan Mạch nhưng không đi được đến đâu.
Tuy nhiên mình cũng muốn cho bản thân thêm một cơ hội, muốn có một mối quan hệ lâu dài vì vậy mình đã thử sử dụng ứng dụng hẹn hò để thử xem có may mắn tìm được định mệnh của đời mình không.
Trước khi quen anh, có nhiều chàng trai nhắn tin với mình, nhưng mình muốn có một mối quan hệ nghiêm túc cho nên mình rất cẩn trọng. Và rồi khi trò chuyện với anh, thấy anh khá thú vị nên sau đó tụi mình đã có buổi hẹn hò đầu tiên.
Điều thú vị là ngày đầu tiên 2 đứa hẹn hò chỉ trước ngày sinh nhật anh 1 ngày. Sau này anh mới bảo mình là anh đã tính trước rồi, để dễ nhớ và có gì kỉ niệm cùng nhau luôn.
Vì sao chị quyết định tiến đến hôn nhân với anh, cả 2 có gặp sự phản đối nào từ gia đình?
Chúng mình đã sống chung với nhau khoảng 1 năm rưỡi, rồi cả 2 cùng nhau nói chuyện về tương lai như kết hôn và sinh con. Cuối cùng mình và anh quyết định chọn ngày kỉ niệm 2 năm quen nhau đi đăng ký kết hôn ở Đan Mạch, có cả sự góp mặt của gia đình anh.
Anh ấy là một người luôn bên cạnh hỗ trợ mình, động viên mình và chưa bao giờ nói "không" với mình. Lúc nào mình cần anh cũng đều có mặt và sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì mình.
Ví dụ, có lần vào mùa đông mình đi làm về khuya cũng gần 12 giờ đêm rồi nhưng lúc đi làm ra thì phát hiện xe đạp bị trộm, thế là mình gọi anh và anh liền chạy lên đón về, rồi từ đó anh dù bận việc nhưng vẫn tranh thủ chở và đón mình đi làm. Rồi tới dịp Giáng Sinh, anh bất ngờ tặng quà Giáng Sinh cho mình là một chiếc xe đạp mới.
Anh ấy yêu và chấp nhận con người thật của mình vì đôi lúc mình cũng hơi bướng, ngang như cua nhưng anh lúc nào cũng nhỏ nhẹ với mình. Anh bảo dù cho có vấn đề gì xảy ra thì hãy cùng nhau nói chuyện, giải quyết vấn đề chứ không được để buồn bực rồi đi ngủ.
Anh luôn tin tưởng và chia sẻ mọi việc với mình, đối xử tốt với cả gia đình mình. Anh ấy thường làm những điều lãng mạn dành cho mình. Chẳng hạn như sinh nhật năm 30 tuổi, anh âm thầm tặng mình 1 chuyến du lịch nghỉ dưỡng ở Tây Ban Nha. Kỉ niệm 1 năm quen nhau, anh cũng âm thầm tặng mình 1 chuyến du lịch nghỉ dưỡng ở Hy Lạp.
Nhưng kỉ niệm nhớ nhất có lẽ là lúc anh cầu hôn mình ở đám cưới 2 vợ chồng bạn thân nhất của ảnh. Lúc tới khoảnh khắc cô dâu quăng bông thì mình là người đã nhận được bông hoa cưới ấy, sau đó anh ấy đã bất ngờ quỳ xuống cầu hôn mình. Lúc sau anh mới thành thật với mình là anh đã bàn trước với bạn để dàn dựng ra màn cầu hôn này.
Vì khác biệt văn hoá nên chị có gặp khó khăn gì không trong quá trình thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài?
Thời gian đầu thì mình cũng khá khó khăn vì phải bắt đầu từ con số 0, đặc biệt là phải học ngôn ngữ mới. Tiếng Đan Mạch cực kì khó học. Công việc cũng áp lực mới có được mức lương mong muốn. Rồi nhiều khi mình cũng nhớ nhà, nhớ món ăn Việt Nam, đặc biệt là vào dịp Tết.
Con trai đã đến với gia đình chị như thế nào, có nằm trong kế hoạch?
Em bé đến cũng trong kế hoạch của tụi mình, vì mình muốn càng sớm càng tốt. Chỉ hơn 1 tháng sau khi kết hôn thì mình phát hiện có một thiên thần nhỏ xuất hiện, bé giống như là một món quà dành cho 2 tụi mình vậy đó, hạnh phúc khó tả lắm. Hai vợ chồng còn ôm nhau khóc, anh bảo mình anh là người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới.
Có bao giờ chị cảm thấy hối hận vì quyết định nghỉ việc và chỉ ở nhà chăm con?
Thời gian đầu mình cũng có chút áp lực và cũng nhớ công việc, đồng nghiệp nhưng đồng hành cùng con là một trải nghiệm vô cùng quý giá và nhiều kỉ niệm. Mình luôn dành mọi thời gian bên con.
Cuộc sống ở Đan Mạch khá văn minh, điều kiện giáo dục, y tế, phúc lợi, giao thông công cộng, dịch vụ công đều rất tốt, có rất nhiều hoạt động thú vị cùng với trẻ em. Ví dụ như tại thành phố mình đang sống, có một hội mẹ bỉm sữa gồm 6 thành viên, các bé sinh chỉ cách nhau vài ngày thôi, cho nên cứ tuần nào tụi mình cũng gặp gỡ nhau để trò chuyện trao đổi kinh nghiệm, cho các bé chơi với nhau.
Mình có lập ra thời khóa biểu 1 tuần, để 2 mẹ con cùng nhau tham gia, như vậy mỗi ngày bên con đều cảm thấy vui vẻ. Cụ thể như một ngày cho con tham gia lớp vận động để phát triển các giác quan, một ngày thì mẹ con gặp gỡ hội mẹ bỉm sữa, một ngày thì mẹ con tham gia lớp học bơi, ngày thì lớp yoga cùng với bé, ngày thì nhảy cùng với bé.
Vì vậy hầu như mẹ con mình ra ngoài đường suốt thôi, vì bên đây bố mẹ cho con ra ngoài đường ngủ là chuyện bình thường, thậm chí các bé còn ngủ ngon giấc hơn nữa vì không khí trong lành. Và điều thú vị nữa là ở đất nước mình đang sống, trẻ sơ sinh ngủ trưa ngoài trời một mình trong xe nôi.
Như đôi khi mình đi tập yoga hay đi quán cafe, nhưng bé vẫn ngủ trong xe thì mình sẽ để bé ngủ ngon ngoài trời, còn mẹ vào tập yoga, tuy nhiên sẽ có “baby alarm” (đồng hồ cho bé), khi nào bé thức thì baby alarm sẽ báo cho mẹ và mẹ sẽ bế bé vào nhà cùng tập yoga chung hay ngồi quán cafe.
Cô gái Việt may mắn khi có chồng tâm lý, khéo làm bố, vừa lo tài chính vừa chăm con
Ông xã đã hỗ trợ chị trong việc chăm con ra sao?
Chồng mình do công việc bận rộn nên anh chỉ nghỉ đúng 2 tuần sau khi mình sinh em bé. 2 tuần đó mình chỉ việc cho con bú, còn lại từ việc thay tã, dỗ con ngủ, tắm cho con, chơi với con là anh làm hoàn toàn hết, thậm chí còn làm rất chuyên nghiệp.
Tuy nhiên hết 2 tuần đó thì mình là người bên cạnh bé 24/7, mình phải tự xoay xở mọi thứ, nhưng chồng lúc nào cũng cố gắng làm xong công việc sớm để về nhà chăm con phụ mình. Anh cũng sợ mình bị trầm cảm hay stress khi chăm con cả ngày, cho nên cuối tuần đôi khi anh sẽ dành chăm con, mình chỉ việc hút sữa để vào bình, xong rồi thì cứ ra ngoài mua sắm hay đi chơi vui vẻ với bạn bè.
Và mặc dù có con rồi nhưng cả 2 vợ chồng vẫn giữ thói quen cuối tuần là ra ngoài ăn, hoặc đi dạo cùng nhau, rồi có dịp thì cả nhà cũng đi du lịch. Nhưng lúc nào anh cũng giữ con cả để cho mình thoải mái tận hưởng.
Mình cảm thấy rất may mắn khi có một người chồng, người bố của con hoàn hảo, giỏi giang, tâm lý, yêu chiều vợ và luôn muốn những điều tốt nhất cho gia đình. Từ khi có con anh cũng bỏ luôn việc chơi game với bạn đến khuya mà đi ngủ sớm, vì bé nhà mình thường dậy sớm, khoảng 5-6h sáng em đã dậy rồi, nên anh cũng dậy theo để chơi với bé, để mình được ngủ thêm vài tiếng rồi sau đó khi nào anh đi làm thì mình dậy giữ bé. Đôi khi anh làm việc ở nhà thì anh cũng sẽ cố gắng phụ vợ, vừa giữ con vừa họp.
Giữa chị và chồng hay bố mẹ chồng có từng gặp bất đồng quan điểm khi nuôi dạy bé?
Mình với chồng đôi khi cũng có tí bất đồng quan điểm. Chẳng hạn, mình muốn tập cho bé tự ngủ nên phải dỗ bé khi bé còn thức, và tập dỗ cho bé ngủ luôn trên giường. Còn chồng thì bồng bế, dỗ bé ngủ rồi sau đó mới đặt bé xuống giường vì chồng bảo chỉ như vậy anh mới có thể dỗ bé ngủ dễ dàng hơn.
Chồng lúc nào cũng dặn mình rằng phải kiên nhẫn, nhỏ nhẹ với con, dù cho có chuyện gì xảy ra cũng không được la mắng con, hay đánh con, vì vậy mình cũng dần học được tính kiên nhẫn.
Vợ chồng mình thống nhất là ở nhà mình sẽ nói tiếng Việt với bé, và anh sẽ nói tiếng Đan Mạch. Còn tiếng Anh thì bé có thể học ở trường sau này. Nhưng bé nhất định phải biết tiếng Việt để còn giao tiếp với ông bà ngoại ở Việt Nam, và ngày nào mình cũng gọi video với bố mẹ ở Việt Nam để ông bà được nhìn thấy cháu.
Chị không đi làm, vậy nên kinh tế sẽ do chồng đảm nhiệm chính. Cả 2 có gặp khó khăn gì không trong quá trình chi tiêu cho con?
Vợ chồng mình cũng không gặp khó khăn gì, vì chồng có một công việc tốt ở Đan Mạch nên có thể lo được cho cả nhà. Chồng luôn muốn mọi thứ tốt nhất cho vợ con, anh còn bảo mọi thứ cứ để anh lo, còn mẹ con mình chỉ việc vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc là được.
Sống ở nước ngoài, chị nuôi dạy con theo văn hoá nước mình đang sống, hay theo kiểu người Việt?
Mình nuôi dạy con theo phương pháp bên Đan Mạch, tuy nhiên ở đây thường là bé tầm 10 tháng là sẽ gửi đi nhà trẻ để người mẹ quay trở lại công việc. Nhưng chồng mình bảo rằng 3 năm đầu đời là cực kì quan trọng với trẻ, và chồng cũng không muốn con đi nhà trẻ sớm khi bé chưa biết nói biết đi. Vì vậy mình mới quyết định tạm dừng công việc và ở nhà với con trong 3 năm đầu.
Sắp tới, chị có ý định sẽ đưa con về Việt Nam ăn Tết?
Vợ chồng mình dự định tháng 3 này sẽ đưa con về Việt Nam chơi 1 tháng, sẵn tiện thăm ông bà ngoại và bố mẹ sẽ tổ chức tiệc thôi nôi cho bé luôn.
Đây cũng là lần đầu tiên cả chồng và con mình về Việt Nam chơi, nên tụi mình cũng sẽ đi du lịch nghỉ dưỡng vài nơi. Sau này, khi bé lớn hơn chút nữa thì chắc chắn mình sẽ cho bé về Việt Nam ăn Tết cùng với ông bà ngoại.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!