Nhiều chị em tiếc nuối cho rằng vì phải đi làm sớm, bà chăm cháu, cho cháu ăn, ru cháu ngủ nên cháu gọi "Bà" sớm. Sự thật là gì?
Những nhọc nhằn của việc nuôi con sẽ tan biến ngay khi các thành viên trong gia đình nghe thấy tiếng gọi đầu tiên của con. Bắt đầu từ khi được vài tháng tuổi, trẻ sơ sinh sẽ phát ra những âm thanh "mẹ", "bà" hay "ba"...
"Vì phải đi làm, con ở nhà bà tắm, bà cho ăn, nửa đêm thức giấc bà cũng bế ru nên từ con gọi đầu tiên là từ bà bà"
"Mình chăm con 24/24, nên từ con nói đầu tiên đương nhiên là mẹ"
...là những giải thích quen thuộc của nhiều chị em khi trẻ phát ra những âm thanh đầu tiên. Tuy nhiên, như vậy chưa thực sự chính xác.
Con gọi "bà bà", "mẹ mẹ"? Sự thật là gì?
Nhiều người nghĩ rằng trẻ sơ sinh cất tiếng "bà bà", "mẹ mẹ" nghĩa là đã biết gọi bà trước, hay gọi mẹ trước. Nhưng thực sự, một đứa trẻ được coi là có ngôn ngữ khi con cất âm thanh phải tích hợp đủ ngữ nghĩa, cú pháp và ngữ dụng và các yếu tố khác. Nếu không, mọi âm thanh phát ra đều chưa phải là ngôn ngữ hoàn chỉnh.
Nhà tâm lý học phát triển Mỹ David R. Shaffer và Katherine Kipp, thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển Trẻ em Mỹ, đã chỉ ra rằng thông thường khi một đứa trẻ 2 tháng tuổi, con sẽ nói được âm "a" và "o". Khi 4-6 tháng tuổi, một âm thanh na ná "bà bà", "mẹ mẹ" sẽ được hình thành. Nhưng không thể khẳng định, con đang gọi đích xác "bà" và "mẹ".
Thực chất, trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi trên khắp thế giới đều có thể phát ra những âm thanh tương tự như vậy bất kể chủng tộc, ngôn ngữ và văn hoá. Có những điểm tương đồng nổi bật trong cách phát âm các từ này trên khắp các quốc gia là đều liên quan đến mẹ và bố . Ví dụ: "papa" "mama", "ba ba", "bà bà", "mạ mạ"....
Đứa trẻ tại thời điểm này chưa có ý thức gọi bà hay mẹ nhưng các thành viên trong gia đình vẫn nên vui mừng vì những âm thanh này chỉ ra sự phát triển bình thường của kỹ năng ngôn ngữ của trẻ.
Khi nào thì đứa trẻ sẽ thật sự gọi "bà", "mẹ", "cha"?
Khi đứa trẻ có ý thức gọi mẹ và cha, hay bà, thì cần phải hiểu được ý nghĩa của từ. Nhìn chung, trẻ sơ sinh nói những từ có ý nghĩa đầu tiên khi gần 12 tháng tuổi. Điều đầu tiên con nói đến là tất cả những thứ liên quan đến cuộc sống hàng ngày của con: mẹ, bà, cha, ba, đồ chơi, quần áo, v.v.
Làm thế nào để nuôi dưỡng khả năng ngôn ngữ của trẻ?
Trong cuộc sống thực, một số trẻ nói chuyện không ngừng nghỉ cả ngày. Một số trẻ lại chẳng muốn trò chuyện. Có trẻ nói sớm, có trẻ lại chậm nói. Cha mẹ cần nhớ, khả năng ngôn ngũ của trẻ được thực hiện bằng cách bắt chước. Do đó, hãy thường xuyên trò chuyện cùng con, nhìn thẳng vào mắt con khi nói chuyện, đặt câu hỏi và kiên nhẫn chờ con trả lời, đừng bao giờ vô tình "cướp" đi cơ hội nói của con khi liên tục trả lời thay con...Áp dụng lâu dài và kiên trì, mẹ sẽ thấy sự khác biệt lớn.