Trong khi tất cả những người có mặt tại đó bật cười vì đứa trẻ quá hóm hỉnh thì người bà lại ôm mặt xấu hổ.
Thế hệ trẻ hiện nay làm bố làm mẹ có nhiều áp lực trong cuộc sống nên họ thường chọn cách nhờ ông bà giúp đỡ trong việc chăm sóc con cái. Tuy nhiên do sự khác biệt giữa các thế hệ nên đôi khi quan điểm nuôi dạy của bố mẹ và ông bà có sự bất đồng. Những mâu thuẫn nội bộ nên được thảo luận trực tiếp với nhau để tìm ra phương hướng giải quyết hơn là bàn luận sau lưng.
Một câu chuyện được một cư dân mạng xứ Trung kể lại khiến nhiều người phải suy ngẫm. Đó là cuộc hội thoại của một cặp bà cháu trên chuyến tàu điện ngầm. Người bà nội nói chuyện với đứa cháu tầm 6-7 tuổi của mình nhân lúc rảnh rỗi trên tàu nhưng nội dung chính của cuộc trò chuyện lại là nói xấu mẹ đứa trẻ, chẳng hạn như tiêu tiền hoang phí, không quan tâm đến gia đình, không chăm chút cho con cái... bà thậm chí còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần với cháu trai của mình.
Tuy nhiên khi thấy bà nội liên tục nói mẹ mình như vậy, đứa trẻ đã có phản ứng khiến nhiều người cũng phải bất ngờ.
Ảnh minh họa
Cậu bé nói: Bà ơi bà, bà nên nói với mẹ cháu để mẹ cháu sửa.
Bà nội tiếp lời: Con không được nói chuyện này với mẹ đâu nhé, sau này cũng tuyệt đối không được học theo mẹ.
Cậu bé trả lời: Mẹ cháu dạy rằng con không bao giờ được nói xấu người khác sau lưng, nếu không con sẽ không phải là một người đàn ông nam tính.
Cậu bé vừa dứt lời, những hành khách có mặt trên chuyến tàu đều bật cười vì em bé quá hài hước còn bà nội tỏ ra xấu hổ và không dám nói thêm gì nữa.
Sau khi cuộc trò chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, mọi người dành hết lời khen ngợi cho cậu bé hóm hỉnh.
"Mẹ đẻ tôi cũng thường nói xấu tôi với cháu ngoại nhưng đứa trẻ chưa bao giờ biết bảo vệ mẹ như vậy cả"
"Nói những điều không hay của con dâu với cháu là không nên, đứa trẻ cũng sẽ học tính xấu đó từ bà hoặc là trở nên ghét bỏ người mẹ của mình".
"Tôi cũng trong tình cảnh tương tự. Một lần khi tan làm về nhà tôi vô tình nghe được mẹ chồng tôi nói với cháu rằng 'mẹ cháu là một người mẹ tồi'. Tôi đã không nói lại chuyện này với chồng mà sau đó gửi con đi học và tự mình chăm sóc con mà không cần phiền đến mẹ chồng nữa".
Ảnh minh họa
Thực ra vấn đề lớn nhất của bà nội này không phải là bà nói xấu con dâu ở nơi riêng tư mà là bà nói xấu con dâu trước mặt đứa trẻ và thực tế thì không chỉ có mẹ chồng nói xấu con dâu trước mặt cháu mà có cả những trường hợp con dâu nói xấu mẹ chồng, chồng trước mặt những đứa trẻ. Điều này là hoàn toàn không nên.
Một cư dân mạng kể rằng, mẹ của cô rất thích phàn nàn về người khác, kể cả bố ruột của cô trước mặt các con. Điều này đã vô tình khiến cô từ nhỏ có sự ác cảm về bố, đồng thời luôn coi thường người khác, kể cả sau này cô không sống chung với bố mẹ nữa.
Tại sao chúng ta không nên nói xấu người khác trước mặt con trẻ?
Đặt con vào tình thế tiến thoái lưỡng nan
Đối tượng mà người lớn phàn nàn thông thường không phải ai khác lại chính là người thân thiết của trẻ. Điều đó vô tình khiến trẻ phải chịu cảnh đứng ở giữa, giữa lòng tốt và sự hiếu thảo. Khi trẻ lớn lên và nhìn thế giới bằng chính đôi mắt của mình, chúng trở nên không hài lòng với cả hai bên.
Ảnh hưởng đến việc thiết lập mối quan hệ của trẻ
Satya - một chuyên gia người Mỹ chuyên về các vấn đề gia đình cho biết một người có mối quan hệ chặt chẽ với gia đình của mình thì mối quan hệ này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người đó rất nhiều.
Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong sự trưởng thành của con cái, không chỉ tính cách mà còn cả quan điểm của chúng về hôn nhân. Việc cha mẹ chê bai nhau sẽ khiến con cái sợ hãi hôn nhân và các mối quan hệ thân mật, đồng thời tạo ra cảm giác mất lòng tin vào người yêu của mình, và sự ngờ vực này đủ để hủy hoại tình yêu và hôn nhân.
Ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của trẻ
Daniel Goleman đã đề cập: Trí tuệ cảm xúc là chìa khóa thành công trong cuộc sống.
Một cuộc khảo sát với 750 người giàu ở Mỹ cho thấy những yếu tố hàng đầu đóng vai trò quan trọng trong thành công của họ là: tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật, chân thành với mọi người và hòa đồng với người khác. Những đặc điểm này còn được gọi là trí tuệ cảm xúc cao.
Nếu trẻ đã quen với việc nói xấu người khác, chúng có thói quen phàn nàn và luôn tìm lỗi ở người khác, dù trẻ có IQ cao nhưng EQ thấp sẽ trở thành vật cản để trẻ có được cuộc sống hạnh phúc.