Chỉ vì câu nói của anh rể mà con gái tôi bị tổn thương.
Nhiều người nghĩ, chỉ có người lớn mới hay nhạy cảm nhưng thực ra trẻ em cũng không khác gì, một số đứa trẻ đến độ tuổi nhất định, con sẽ hiểu mọi thứ xung quanh và vì vậy mà bé rất dễ bị tổn thương bởi những hành động hay lời nói vô ý của người lớn. Con gái 7 tuổi của tôi là một trong số những đứa trẻ như thế.
Vợ chồng tôi mới chỉ có bé là con đầu lòng, chúng tôi chưa có nhà riêng và tạm thời đang ở nhà thuê trong phố để tiện cho công việc của hai vợ chồng. Ông bà nội ngoại của con đều ở quê, trên phố người thân duy nhất của gia đình tôi chính là chị gái của chồng và anh rể. Anh chị hiện tại đã có nhà riêng và cách chỗ gia đình tôi đang thuê tầm 20 phút chạy xe.
Đầu tuần này, tôi và ông xã bàn với nhau chuyện mua một chiếc ô tô để tiện di chuyển. Có xe sẽ dễ di chuyển về quê thăm bố mẹ và cũng tiện để đưa đón con gái. Vợ chồng tính sẽ mua một chiếc xe bình thường chứ không quá đắt đỏ, tầm 400 triệu. Tuy nhiên, kinh tế hiện tại cả 2 chỉ mới đủ một nửa.
Ảnh minh hoạ
Biết chị gái của chồng khá giả nên vợ chồng đã gọi điện hỏi vay, anh chị không từ chối mà sẵn sàng cho chúng tôi mượn 200 triệu. Sáng nay tiện đi công việc, anh rể đã ra ngân hàng rút tiền và ghé nhà đưa cho tôi. Lúc này, chỉ có tôi và con gái nhỏ đang ở nhà.
Tôi mời anh rể vào nhà ngồi chơi, anh từ trong túi xách lấy ra cọc tiền đặt lên bàn, bắt đầu hỏi lý do vợ chồng tôi mua xe. Tôi cũng vui vẻ, chia sẻ thành thật với anh. Tuy nhiên tại thời điểm này, câu nói anh rể thốt ra đã khiến tôi vô cùng khó chịu:
- Vợ chồng nhà em còn nghèo khổ mà sống hoang phí quá! Nếu là anh thì anh cảm thấy mua xe không cần thiết bằng việc mua nhà. Tụi em còn ở nhà thuê, vậy mà không biết tằn tiện, chắt chiu một chút để mua nhà, chứ sống lông bông mãi như thế cũng đâu có được. Cháu gái cũng cần một không gian đủ đầy hơn để khôn lớn mà, đúng không?
Nghe anh rể “dạy đời”, tôi cũng chỉ biết cười trừ. Vì sỉ diện, tôi đã không do dự từ chối số tiền anh rể mang đến. Tôi kiếm cớ để đuổi khéo anh ấy về. Trong bữa cơm trưa, con gái dường như đã nghe được cuộc trò chuyện giữa tôi và anh rể nên đứa trẻ bất ngờ hỏi một câu khiến tôi cứng miệng, không biết phải trả lời con ra sao cho đúng.
Ảnh minh hoạ
- Mẹ ơi, nhà mình mà nghèo hả mẹ? Sao bác nói nhà mình nghèo nên mới ở nhà thuê, nghèo nên không có tiền mua nhà…
Trước câu hỏi ngây thơ, đột ngột của con gái, tôi tức anh rể bao nhiêu thì càng thương con bấy nhiêu. Đắn đo một hồi, trong ánh mắt chờ đợi lời đáp từ mẹ của con, tôi quyết định thành thật với đứa trẻ. Nhận được câu xác nhận, con gái tôi buồn so, rơm rớm nước mắt rồi đứng dậy bỏ vào phòng. Thấy phản ứng của con, tôi cảm thấy bản thân thật tệ hại vì chưa thể cho con một cuộc sống giàu có giống như bao đứa trẻ khác…
Tâm sự từ độc giả hoaivy…@gmail.com
Thực tế trẻ lên 3 tuổi bắt đầu bước vào khoảng thời gian tò mò, khám phá và luôn luôn đặt câu hỏi với cha mẹ ông bà. Chỉ cần một sự việc nhỏ nhưng trẻ có thể đặt ra "hàng vạn câu hỏi vì sao" để thỏa mãn được mong muốn hiểu biết của mình với thế giới xung quanh.
"Mẹ ơi, nhà mình giàu hay nghèo hả mẹ?"; "Mẹ ơi, sao bạn Minh được bố mẹ đón đi học bằng ô tô hả mẹ?...". Trẻ rất tinh ý để nhận ra được sự khác nhau giữa hoàn cảnh của mình với các bạn trong lớp, từ đó có suy nghĩ so sánh muốn được giải đáp.
Với câu hỏi của con, nếu bố mẹ trả lời nhà mình nghèo thì vô tình "bôi đen hoàn cảnh", nếu nói là giàu mà không đúng thực tế sẽ khiến trẻ lầm tưởng về điều kiện kinh tế, đòi hỏi những mong muốn vượt giới hạn của bố mẹ. Lúc này, cha mẹ nên trả lời ra sao?
Để trả lời câu hỏi này, cha mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc xuất phát từ thực tế của hoàn cảnh gia đình mình.
1. Không nói dối về gia cảnh giàu hay nghèo
Có nghĩa là, với câu hỏi của con trẻ, trẻ muốn được nghe đáp án của bố mẹ là giàu hay nghèo nhưng những bậc cha mẹ không nên trả lời con bằng các câu khẳng định chắc chắn "Nhà mình giàu hoặc nhà mình rất nghèo con ạ!".
Khi bôi đen bằng việc vẽ ra gia cảnh nghèo khó, "bố mẹ không có tiền, con phải ngoan và học giỏi sau này kiếm nhiều tiền nuôi bố mẹ", các bậc cha mẹ vô tình tạo ra tâm lý dè chừng cho trẻ. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, câu nói đó có thể thúc đẩy sự cố gắng của trẻ nhưng đâu phải đứa trẻ nào cũng đủ lớn để hiểu được dụng ý của cha mẹ.
Với những đứa trẻ nhạy cảm, câu nói của bố mẹ có thể khiến trẻ tự ti với các bạn có hoàn cảnh khấm khá trong lớp, lâu dần có tâm lý e ngại, không dám tiếp xúc, tạo khoảng cách với những người bạn mà trẻ cho là giàu có.
Trong khi một vài đứa trẻ khác lại luôn có tâm lý nhà mình nghèo nên có xu hướng thích đồng tiền, sinh ra tính cách tham lam, bất chấp để có tiền.
Ngược lại, nếu nói "nhà mình rất giàu, bố mẹ kiếm tiền vất vả lắm mới giàu có như hiện tại để nuôi con ăn học" lại trở thành mũi dao đâm thẳng vào tương lai của con.
Trong trường hợp gia đình giàu có thật, trẻ luôn ỷ vào sự giàu có của bố mẹ để đòi hỏi mọi mong muốn, thậm chí nhiều phụ huynh cậy có kinh tế luôn đáp ứng tất cả những yêu cầu của con, cung cấp những thứ tốt nhất, đắt nhất. Lâu dần trẻ sẽ sinh ra tính cách trịnh thượng, cho mình là cấp trên, đòi hỏi người khác phải cung phụng mình. Trong tương lai, đứa trẻ đó khó trưởng thành được vì vốn quen được "ăn sung mặc sướng", bố mẹ chiều chuộng, cá biệt có trẻ hình thành tâm lý "nhà đầy tiền, bố mẹ thiếu gì tiền, cần gì phải lao động".
Với trường hợp gia cảnh thực tế không giàu như câu trả lời của bố mẹ, đứa trẻ vẫn nghĩ là nhà mình giàu nên chuyện đòi hỏi được như bạn này, bạn kia là đương nhiên. Bố mẹ không thể đáp ứng mãi nhu cầu của trẻ nên câu trả lời thành thật là điều qua trọng. Những đứa trẻ đó vô tình có thể trở thành kẻ ích kỷ, chỉ biết bản thân được đáp ứng, hưởng thụ mà không quan tâm bố mẹ đã phải vất vả như nào.
2. Thành thật với con trẻ
Hãy sống thật với con để chúng hiểu bố mẹ phải cố gắng hết sức để cho chúng một cuộc sống như vậy. Dù nói nhà mình giàu hay nghèo nhưng hãy để trẻ hiểu rằng, dù trong hoàn cảnh nào bố mẹ cũng luôn yêu thương, che chở và làm việc vì các con: Đối với một gia đình, tình yêu thương và sự lao động hi sinh mới là điều quan trọng.
Nếu bạn nói nhà mình nghèo, hãy nhấn mạnh rằng dù bố mẹ chẳng có nhà biệt thự to rộng, xe ô tô, điện thoại đắt tiền nhưng bố mẹ vẫn đang cố gắng làm việc để cho con đến trường, được học hành, có cơm ăn áo mặc.
Nếu nói nhà mình giàu cũng không quên nói về công sức tạo nên thành quả lao động như ngày hôm nay. Hãy nhấn mạnh điều đó để con không ỷ lại và có tính tự lập với cuộc sống.
Nói chung, dù câu trả lời ra sao thì điều quan trọng là bố mẹ hãy hướng con đến giá trị lao động, giúp trẻ hiểu và phấn đấu để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hoàn cảnh gia đình là nền tảng, bố mẹ là động lực thôi thúc, trong trường hợp này, hãy tranh thủ dạy con khi đứa trẻ thắc mắc, đây sẽ trở thành cơ hội để trẻ nhớ lâu nhất về bài học giá trị lao động đầu đời.