Đoạn video Lý Thuỳ Chang dạy con trai Gia Khang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Xã hội ngày càng tiến bộ với sự ra đời của nhiều máy móc thiết bị điện tử hiện đại, trẻ nhỏ được tạo cơ hội tiếp xúc với công nghệ 4.0 từ sớm nên cũng không khó hiểu khi nhiều gia đình sắm sửa cho con điện thoại, ipad, máy tính để bổ trợ cho việc học và phát triển. Tuy nhiên đi kèm với những lợi ích nhất định thì sự đầu tư này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến các bậc bố mẹ gặp nhiều khó khăn trong quá trình nuôi dạy trẻ, nan giải như tình huống con tiếp xúc với thiết bị điện tử và dần có dấu hiệu "nghiện" nó.
Mới đây trên trang cá nhân, vợ ba đại gia kém 16 tuổi của nam diễn viên Vbiz Chi Bảo đã đăng tải video thu hút rất nhiều sự quan tâm từ đông đảo cộng đồng mạng, đặc biệt là hội bố mẹ bỉm. Cụ thể video có nội dung đề cập về vấn đề con trai đầu lòng của cặp đôi - bé Gia Khang chỉ mới 2 tuổi nhưng đã mê ipad và có loạt hành động khiến vợ trẻ Lý Thuỳ Chang của Chi Bảo vô cùng lo lắng.
Xem video: Vợ ba Chi Bảo "xử lý" khi con trai mê ipad.
Theo đó bà xã nam diễn viên cho biết: "Gia Khang được ba đặt tên là “đại ca" quả không sai tẹo nào. Nay con đã có dấu hiệu mê Ipad tới nỗi chỉ cần xem ipad thôi, và không cho ai động vào người. Hễ động vào là khóc thét lên. Mẹ con phải dùng biện pháp mạnh luôn".
Loạt biểu cảm của con trai Chi Bảo - Lý Thuỳ Chang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Trong đoạn video, cậu quý tử nhà Chi Bảo khóc lóc mè nheo đòi mẹ cho chơi ipad, tuy nhiên Lý Thuỳ Chang đã khéo léo và rất bình tĩnh để khuyên dạy con trai. Biểu cảm của nhóc tỳ Gia Khang khiến nhiều người "dở khóc dở cười", một số người khen cậu bé đáng yêu, nhưng cũng không ít bậc phụ huynh tranh luận xôn xao về vấn đề con trẻ nghiện ipad. Có người bày tỏ sự đồng cảm vì chung cảnh ngộ với bà xã Chi Bảo, và cũng có người chia sẻ, đưa ra lời khuyên, lời góp ý cho bà mẹ trẻ trong việc nuôi dạy con ở tình huống này.
Một số bình luận đáng chú ý như: "Bé thay đổi theo độ tuổi đó em. Em sẽ nói với con rằng mẹ cho con xem máy tính nhưng mà với một điều kiện, em đưa ra điều kiện cho bé sau đó vẫn cho con dùng trong 1 thời gian nhất định mà em quy định. Khi bé bị bắt không được dùng ngay như vậy sẽ khiến bé rất ấm ức và bức xúc. Sau này nó sẽ để lại trong tâm hồn bé một tính không tốt đấy em. Trẻ nó sẽ thay đổi tính tình rất nhanh theo từng tháng từng năm đó".
"Nếu cho trẻ nhỏ xem iphone, ipad và tivi nhiều quá bé dễ bị tự kỷ, em nên cấm bé sử dụng ngay từ bây giờ nếu không sẽ muộn đó", "Con mình cũng khoảng tuổi của Khang, dạo này bé hay đòi hỏi, nếu không được thì bé dậm chân và hét lên, thật đau đầu không biết phải dạy con sao", "Bây giờ có nhiều bé tâm lý bị ảnh hưởng bởi máy tính nhiều lắm nên hạn chế cho bé xem nhiều"...
Rất nhiều tranh luận của hội mẹ bỉm về tình huống con trẻ "nghiện" thiết bị điện tử.
Không riêng gì Lý Thuỳ Chang mà thực tế nhiều bà mẹ cũng bất lực, lo lắng trước tình huống con trẻ nghiện thiết bị điện tử, và có những thái độ chống đối không hợp tác khiến cho họ rất vất vả trong quá trình uốn nắn, giáo dục con. Theo thống kê nhiều năm trở lại đây, con số trẻ em có dấu hiệu nghiện điện thoại, ipad, tivi, máy tính và hậu quả để lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tính cách, kết quả học tập vẫn không giảm mà ngày càng tăng cao.
Đứng trước sự thật này, bậc phụ huynh nào cũng lo lắng và loay hoay tìm phương pháp dạy con hiệu quả. Để làm được điều đó, đòi hỏi bố mẹ phải khéo léo, kiên trì trong quá trình giáo dục, điều chỉnh hành vi và xây dựng thói quen tốt cho con ngay từ khi bé còn nhỏ.
Các nghiên cứu đã chứng minh, trẻ nghiện thiết bị điện tử sẽ gây ra những ảnh hưởng sau:
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Sử dụng quá mức thiết bị điện tử có thể dẫn đến tình trạng ít vận động và dẫn đến nguy cơ béo phì. Hơn nữa, việc sử dụng thiết bị điện tử vào buổi tối có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây ra các vấn đề về giấc ngủ, như khó ngủ hoặc giảm chất lượng giấc ngủ.
- Ảnh hưởng đến phát triển não: Việc sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài, và không kiểm soát có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển não của trẻ. Nghiên cứu đã chỉ ra, việc dùng quá mức thiết bị điện tử liên quan đến sự suy giảm khả năng tập trung, trí tuệ, và khả năng xử lý thông tin của trẻ.
- Ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội: Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều có thể làm giảm khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của trẻ. Trẻ có thể trở nên bị động, thiếu kỹ năng giao tiếp và khó thích nghi trong các môi trường xã hội.
- Ảnh hưởng đến việc học tập: Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều có thể làm giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng đến hiệu suất học tập của trẻ. Nghiên cứu đã chứng minh tính liên kết trong việc sử dụng quá mức thiết bị điện tử với sự suy giảm kỹ năng đọc, viết và tính toán.
- Ảnh hưởng đến tâm lý và tình cảm: Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử có thể gây ra căng thẳng, lo lắng và mất cân bằng tâm lý. Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm, tự kỷ... đặc biệt là ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Dưới đây là một số cách giúp bố mẹ "đối phó" hiệu quả khi con trẻ có biểu hiện nghiện thiết bị điện tử.
- Thiết lập quy định và giới hạn: Đặt ra quy định rõ ràng về thời gian sử dụng thiết bị điện tử và thiết lập giới hạn hợp lý. Ví dụ, bố mẹ quy định thời gian sử dụng hàng ngày hoặc quy định không sử dụng thiết bị trong các khoảng thời gian nhất định như khi ăn cơm hoặc trước khi đi ngủ.
- Tạo ra môi trường không có thiết bị điện tử: Xác định các khu vực trong nhà không có thiết bị điện tử, như phòng ngủ hay khu vực nơi gia đình tập trung để có thời gian giao tiếp và tương tác với nhau.
- Thúc đẩy hoạt động ngoại khóa: Đưa ra những hoạt động khác để trẻ tham gia như thể dục, thể thao, nghệ thuật, hoặc chơi trò chơi ngoài trời. Tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm và khám phá thế giới xung quanh, thay vì suốt ngày ở nhà "ôm" thiết bị điện tử.
- Tham gia cùng con: Bố mẹ hãy dành thời gian để tham gia và tương tác với con trong các hoạt động không liên quan đến thiết bị điện tử như đọc sách, chơi trò chơi, hoặc nấu ăn cùng nhau. Điều này giúp tăng cường mối quan hệ và tạo ra một môi trường gia đình tích cực.
- Xây dựng sở thích khác: Khuyến khích con tham gia vào các hoạt động khác để phát triển sở thích và kỹ năng mới như đọc sách, viết, vẽ tranh, âm nhạc, thể thao hoặc võ thuật. Sự đa dạng này giúp trẻ phát triển toàn diện, và giảm nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử.
- Làm gương: Là bố mẹ, hãy làm gương cho con bằng cách tự bản thân hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử, đặc biệt là khi ở trước mặt con và tạo ra một môi trường gia đình lành mạnh để trẻ học tập, noi theo những thói quen, lối sống tích cực và khoa học.
- Thảo luận và giáo dục: Hãy thảo luận với con về lợi ích và hạn chế của việc sử dụng thiết bị điện tử. Giúp trẻ hiểu rõ về tác động tiêu cực của việc sử dụng quá mức, và cùng con xây dựng thói quen sử dụng thiết bị điện tử một cách có ý thức và hiệu quả hơn.