Cùng điểm qua những dạng nhân vật mà khán giả đi-đâu-cũng-gặp trong mọi bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
Là một fan ruột của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, hẳn bạn sẽ không quá xa lạ với 10 mô típ xây dựng nhân vật dưới đây:
10. Vịt hóa thiên nga
Đây là một trong những mô-típ cũ nhưng chưa bao giờ trở nên lỗi thời, được các đạo diễn trưng dụng trong hàng loạt tác phẩm đình đám như Bay cao ước mơ (Dream High), Cô bé người gỗ (Pinocchio) hay Nữ thần của tôi (Oh My Venus). Tuy được "tái sử dụng" nhiều lần, song dường như màn vịt hóa thiên nga vẫn sở hữu sức hút đối với khán giả.
Minh chứng là người hâm mộ đã vô cùng thích thú khi nhân vật Song Sam Dong (Kim Soo Hyun) trong Bay cao ước mơ từ bỏ mái tóc rối bù để trở thành một anh chàng chỉn chu, điển trai. Tương tự ở drama Nữ thần của tôi, màn lột xác từ nàng béo thành mỹ nhân của luật sư Kang (Shin Min Ah) cũng khiến người xem khoái chí.
9. Cô nàng đẹp trai
Từng có một thời, hình ảnh những cô nàng đẹp trai bỗng trở thành hiện tượng trên màn ảnh nhỏ xứ kim chi. Đó là nhờ thành công vang dội của những tác phẩm như Cô nàng đẹp trai (You're Beautiful) và Tiệm cà phê hoàng tử (The 1st Shop of Coffee Prince).
Về sau, khán giả tiếp tục bắt gặp những nhân vật tương tự trong Gửi người xinh tươi (To the Beautiful You), Tiệm nail Paris (Nail Shop Paris). Mặc dù không còn "hot" như trước nhưng mô-típ nhân vật gái giả trai vẫn thu hút nhiều sự chú ý của người xem.
8. Nam chính mang chứng bệnh lạ
Nếu đã từng xem qua những bộ phim truyền hình nổi tiếng xứ kim chi như Khu vườn bí mật (Secret Garden) hay Chỉ có thể là yêu (It's Okay, That's Love), ắt hẳn bạn sẽ không cảm thấy lạ lẫm với dạng nhân vật sở hữu một căn bệnh lạ. Mặc dù được biết đến như những căn bệnh cực kì hiếm gặp, thế nhưng, nó lại thường xuyên xuất hiện dưới ngòi bút của các biên kịch phim Hàn Quốc .
7. Hội chứng nam thứ
"Hội chứng nam thứ" là cụm từ mà các fan phim Hàn thường sử dụng mỗi khi phát cuồng vì một nhân vật nam hội tụ đầy đủ những yếu tố đẹp trai, tài giỏi, tốt bụng nhưng không-bao-giờ có được tình yêu trọn vẹn. Nguyên nhân đơn giản là vì anh ấy... không phải nam chính.
Một vài cái tên điển hình có thể kể đến như Kang Shin Woo (Jung Yong Hwa) trong Cô nàng đẹp trai (You're Beautiful), Yang Myung (Jung Il Woo) trong Mặt trăng ôm mặt trời (The Moon Embracing The Sun), Kim Shin Hyuk (Choi Si Won) trong Xưa rồi em (She was pretty)...
6. Thanh mai trúc mã
Thanh mai trúc mã là một mô típ nhẵn mặt với khán giả của truyền hình Hàn Quốc. Từ thời Trái tim mùa thu (Autumn in My Heart), Nấc thang lên thiên đường (Stairways to Heaven) đến những bộ phim gần đây như Anh nhớ em (I Miss You), Xưa rồi em (She was pretty), Bong bóng tình yêu (Bubblegum), cặp đôi nam nữ chính đều được xây dựng theo kiểu quen biết và cảm mến nhau từ thưở bé. Sau đó, một biến cố xảy ra khiến họ phải xa nhau. Để rồi năm tháng trôi qua, định mệnh lại khiếu cả hai có cơ hội tái ngộ, đồng thời viết tiếp câu chuyện tình yêu đang dở dang.
5. Tài phiệt ác quỷ
Câu chuyện về các gia đình tài phiệt là chủ đề được khá nhiều nhà làm phim chọn lựa khai thác. Trong đó, ngoài nhân vật chính - một anh chàng đẹp trai, giàu có, tốt bụng - thì thường có sự tồn tại của một kẻ xấu xa.
Đây là những nhân vật mang mác người thân nhưng luôn âm mưu phá hoại mối quan hệ của cặp đôi nam nữ chính hay thậm chí "xử đẹp" nam chính để chiếm đoạt tài sản. Vai Yong Tae Moo (Lee Tae Sung) trong Hoàng tử gác mái (Rooftop Prince) hay Ryu Seung Yun (Han Sang Jin) trong Bởi vì yêu anh (Hyde, Jekyll, Me) là hai ví dụ điển hình.
4. Hoàng tử - Lọ lem
Là một trong những mô típ thuộc dạng kinh điển, chuyện tình giữa một chàng giàu có và một nàng nghèo khó tuy không quá mới mẻ nhưng vẫn khiến khán giả mê tít. Điều này được chứng minh thông qua thành công rực rỡ của biên kịch vàng Kim Eun Sook với các bộ phim như Khu vườn bí mật (Secret Garden), Những người thừa kế (The Heirs).
Theo dõi những tác phẩm này, người xem không thể không ghen tị với nhân vật nữ chính. Tuy xuất thân bình dân, diện mạo bình thường nhưng họ lại sở hữu sức hút kì lạ khiến các công tử giàu có nhìn-phát-yêu-ngay.
3. Cô nàng xấu xa
Hình ảnh cô nàng xấu xa không chỉ thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim Mỹ mà còn có mặt khắp mọi "mặt trận" trên phim Hàn. Đặc điểm nhận dạng của kiểu nhân vật này là thông minh, sắc sảo, giàu có và sành điệu.
Mặc dù hội tụ đầy đủ yếu tố của một mỹ nhân hoàn hảo song những cô nàng này luôn luôn bị một cô gái thua kém mọi mặt đánh bại. Tất nhiên, nguyên nhân chủ chốt khiến họ thua cuộc là vì họ không-phải-nữ-chính. Song còn một lý do khác không kém phần quan trọng là, những nhân vật này thường hiếm khi tốt bụng. Thay vào đó, họ là những cô nàng xấu xa thứ thiệt với vô số thủ đoạn, làm khán giả không ít lần tức điên.
2. Cặp đôi oan gia
Đây được xem là một trong những mô típ phổ biến được các nhà làm phim Hàn Quốc khai thác triệt để nhất. Minh chứng là nó đã xuất hiện trong rất nhiều bộ phim như Ngôi nhà hạnh phúc (Full House), Vườn sao băng (Boys Over Flowers), Nốt nhạc tình yêu (Heartstrings).
Đặc điểm chung của dạng này đó là, hai nhân vật chính sẽ bắt đầu mối quan hệ oan gia kèm theo hàng loạt màn khẩu chiến cùng tuyên bố "xanh rờn": "Nếu đàn ông/phụ nữ trên thế giới này chết hết, tôi cũng sẽ không bao giờ lấy cô/anh". Ấy vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, họ sẽ nảy sinh tình cảm với đối phương. Kết cục của những cặp đôi oan gia này thường là một "happy ending" hết sức ngọt ngào.
1. Nhân vật chính bất ngờ mất trí nhớ
Ngoài những căn bệnh lạ thì mất trí nhớ cũng là một mô típ được các biên kịch Hàn ưu ái. Xuất hiện liên tục trong các bộ phim, đôi khi chuyện nhân vật bị mất trí nhớ là hợp lí nhưng cũng lắm lúc nó lại diễn ra hết sức vô lí. Điều này khiến không ít người xem phát bực.
Nhắc đến gương mặt thường xuyên được trải nghiệm cảm giác mất trí nhớ trên màn ảnh thì chắc chắn không thể bỏ qua Yoo Seung Ho. Chẳng biết do vô tình hay hữu ý mà nhân vật của anh trong cả hai bộ phim Anh nhớ em (I Miss You) và Hồi ức (Remember) đều có kết cục mất sạch kí ức.