Sau khi cơn bão Yagi, miền Bắc đang đối mặt với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, nhiều khu vực nước dâng cao. Dưới đây là những biện pháp ứng phó khẩn cấp để bảo vệ bản thân và gia đình trong những ngày mưa lũ này.
Những ngày vừa qua do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc. Trên mạng xã hội gần đây liên tục xuất hiện những lời cầu cứu của người dân vì khu vực nơi họ sinh sống bị ngập lụt cao tới tận nóc, nước chảy siết, mất điện, mất nước,...
Với tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, nhiều khu vực khác cũng đứng trước nguy cơ ngập, mọi người ở các vùng có nguy cơ nên chủ động ứng phó khi tình huống bất ngờ xảy ra. Ngoài việc gia cố nhà cửa hoặc tìm một nơi trú ẩn an toàn, người dân nên chuẩn bị các vật dụng thiết yếu để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của mình cũng như gia đình cho đến khi bão lũ đi qua.
Do vậy khi nhận được thông tin dự báo khả năng ngập lụt ở khu vực mình cư ngụ, bà con cần chuẩn bị ngay nguồn cấp nước khẩn cấp, thức ăn, thuốc men, các vật dụng an toàn và vật dụng cá nhân cần thiết.
Chuẩn bị nguồn nước dự trữ và các vật dụng dự trữ
Cần đảm bảo tích trữ đủ nước để dùng, đặc biệt là nước uống trước khi bão tới để dùng trong thời gian xảy ra bão. Nếu có thể hãy cố gắng đảm bảo có ít nhất 20 lít nước cho mỗi người (đủ để kéo dài 3 đến 5 ngày).
Có thể sử dụng các vật dụng chai, lọ, bình trong gia đình để chứa nước sạch khi cần thiết.
Trong trường hợp không có nước sạch để sử dụng, người dân có lấy nước từ sông, hồ... nhưng phải xử lý theo đúng quy trình trước khi sử dụng để phòng tránh dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn Cloramin B hoặc Clorua vôi để khử trùng nước. Lưu ý nước sau khi được khử trùng cần đun sôi trước khi sử dụng nếu muốn uống.
Một lọ 100 viên nén Cloramin B có giá khoảng hơn 100.000 đồng.
Chuẩn bị thức ăn tiện lợi
Việc nấu nướng trong tình trạng bão lũ rất khó khăn, cần đảm bảo một nguồn cung cấp lương thực có thể đủ cho 3 đến 5 ngày không bị hư hỏng. Vì bão lũ có thể dẫn đến mất điện nên khó có thể cất trữ các thực phẩm tươi sống, nên ưu tiên các mặt hàng không cần bảo quản lạnh và có thể ăn ngay như đồ hộp, sữa hộp hoặc sữa bột, bánh mì, ngũ cốc khô, trái cây sấy khô, các loại hạt và bánh quy.
Các loại đồ hộp thịt, cá không bảo quản lạnh có giá chỉ khoảng 20.000-40.000/hộp, mọi người có thể mua tích sẵn để phòng lũ lụt ập đến.
Chuẩn bị các sản phẩm chăm sóc cá nhân
Một số vật dụng vệ sinh cá nhân cần thiết nên được chuẩn bị sẵn trong một chiếc hộp hoặc túi như:
- Nước rửa tay khô sẽ thuận tiện hơn bánh xà phòng mà không tốn nước.
- Giấy ướt, kem đánh răng, bàn chải, băng vệ sinh, tã bỉm
- Những đồ dùng chống ướt: Giày ủng, áo mưa...
Trong điều kiện bão lũ, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, việc tìm mua băng vệ sinh sẽ trở nên rất khó khăn hoặc thậm chí là không thể. Việc không có băng vệ sinh để sử dụng trong thời gian dài có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như viêm nhiễm, nấm ngứa, đồng thời ảnh hưởng đến tâm lý của người phụ nữ. Ngoài ra, băng vệ sinh vô trùng và có khả năng thấm hút cao nên có thể dùng làm băng cầm máu vết thương. Vì vậy, món đồ có giá chỉ từ 20.000 - 40.000 đồng/gói này là vô cùng cần thiết.
Nước rửa tay khô được sử dụng để vệ sinh bàn tay nhưng không cần dùng với nước, công dụng là tiêu diệt vi khuẩn, tiện lợi hơn xà phòng. Bạn chỉ cần mua những chai loại nhỏ có giá 20.000-40.000/chai nhỏ.
Hộp thuốc men khẩn cấp
Ngoài việc đảm bảo cho tính mạng, mọi người dân cũng nên chú ý bảo vệ sức khỏe của bản thân bởi trong tình hình nước lũ dâng cao, nếu gặp vấn đề sẽ rất khó để cấp cứu kịp thời. Do đó, mọi người nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc thông thường như thuốc hạ sốt, thuốc chống dị ứng, nước muối sinh lý, bông băng cá nhân, dung dịch sát khuẩn,... Đặc biệt, nếu trong gia đình có người mắc các bệnh mãn tính, cần chuẩn bị sẵn các thuốc đặc trị theo đơn.
Hộp sơ cứu hiện đang được bán trên thị trường với giá thành từ 100.000 đồng trở lên tùy vào nhu cầu. Không chỉ dùng để chứa các vật dụng y tế, bạn có thể cất tiền bạc và bản gốc (hoặc bản sao) của các giấy tờ quan trọng khác vào hộp đựng thuốc cho an toàn.
Chuẩn bị các vật dụng an toàn
- Phương tiện thu phát truyền tin: Radio dùng pin, điện thoại và lap top được sạc đầy pin, sạc dự phòng đã sạc đầy
- Phương tiện phát sáng: Đèn pin hoặc đèn tích điện và pin dự phòng, nến, đèn dầu.
- Phương tiện giữ ấm: Đồ ấm, chăn mền, túi ngủ, khăn quàng cổ
- Phương tiện chữa cháy và sửa chữa: Bình chữa cháy, dao, kéo, búa, kềm, cưa, tua vít.
- Phương tiện cứu hộ: Còi để giúp báo động cho người cứu hộ biết vị trí trong đêm tối, áo phao.
Trên thị trường, giá của đèn tích điện dao động 50.000 – 500.000 đồng/chiếc. Sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản… Thời gian sử dụng sau khi sạc đầy pin lên đến 6-7 tiếng.