Vì nhiều lý do khác nhau, ở những nơi này phụ nữ bị cấm đặt chân vào, điều này phần nào nói lên phân biệt đối xử giữa 2 giới.
1. Đền Hindu
Có thể nhiều người không biết rằng, nhiều ngôi đền Hindu ở Ấn Độ và Indonesia quy định phụ nữ đang có kinh nguyệt không được đặt chân vào. Quy định này khiến nhiều người thắc mắc nhưng nó đã tồn tại trong suốt nhiều năm.
Ngoài ra, những người vào đền này không được mặc đồ làm bằng chất liệu da bò. Nếu bất chấp mặc, bạn có thể vi phạm điều cấm của đền. Giày, thắt lưng, túi xách… nếu làm bằng da bò đều không được phép mang vào.
Người Ấn còn có tập tục cởi giày trước khi bước vào đền thờ hoặc nhà bếp. Họ cho rằng, sẽ thật bất lịch sự và xấu xí nếu mang giày bước vào bên trong. Tất cả mọi người dù trẻ lớn bé đều phải cởi giày, đi chân trần.
2. Núi Athos
Núi Athos nằm trên bán đảo Halkidiki ở Hy Lạp. Ở đây có khoảng 20 tu viện và 2.000 tu sĩ sinh sống. Tại đây có một quy định bất thành văn đó là phụ nữ không được đặt chân tới, thậm chí họ còn không được phép xuất hiện trong phạm vi 500m từ đường biển. Quy định này đã được duy trì trong suốt hàng nghìn năm.
Nơi này cũng là một địa điểm thu hút du khách, mỗi ngày chỉ có 20 người đàn ông được đón tiếp và phải trên 18 tuổi.
Sở dĩ có quy định như vậy là do nam giới sống ở đây đều là tu sĩ. Người ta tin rằng, sự xuất hiện của phụ nữ sẽ khiến cho các tu sĩ mất tập trung, làm họ có mong muốn được lập gia đình. Luật này áp dụng cho cả động vật giống cái, ngoại trừ mèo vì nó có thể bắt chuột.
3. Cung điện Schloss Herrenchiemsee
Đây là một địa danh nổi tiếng ở Đức, là nơi chuyên dành cho những ai có ý định tu hành. Từ thế kỷ thứ 8, người ta đã ra quy định cấm phụ nữ đặt chân vào. Điều này được cho là có liên quan tới yếu tố lịch sử.
4. Đền Ominesanji
Ngôi đền này tọa lạc trên núi Omine ở tỉnh Nara, Nhật Bản. Năm 2004, núi Omine được UNESCO đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới. Đây là một ngọn núi giác ngộ tu hành của các nhà sư, tu sĩ có từ hơn 1300 năm trước. Trong suốt hàng ngàn năm qua, chỉ có đàn ông được phép leo lên ngọn núi Phật giáo nằm ở độ cao 1720m ở đây.
Các nhà sư cho rằng, phụ nữ là nguyên nhân gây xao nhãng việc các nhà sư tu hành trong chùa. Mặc dù từ năm 1872, chính phủ Nhật Bản đã ban hành lệnh gỡ bỏ việc cấm phụ nữ tại nhiều ngọn núi nhưng các nhà sư ở núi Omine vẫn kiên quyết với điều luật duy trì từ xưa đến nay.
5. Nhà thờ Cagliari
Lệnh cấm phụ nữ ở đây không dành cho tất cả phụ nữ. Tuy nhiên, những người mặc áo quá mỏng, váy ngắn, mang dép xỏ ngón… đều bị cấm bước vào nhà thờ. Yêu cầu về trang phục đối với phụ nữ tại nhà thờ Cagliar, Ý rất nghiêm ngặt.
6. Đền Haji Ali Dargah
Đền Haji Ali Dargah, Mumbai, Ấn Độ là nơi chôn cất của một vị thánh quan trọng. Vì thế, việc cho phép phụ nữ đặt chân vào là một hành động không được chấp nhận trong đạo Hồi. Ngay cả khi phụ nữ lên tiếng phản kháng, chính quyền lúc đó không muốn can thiệp vì vấn đề tôn giáo.