Cây dại này là đặc sản của vùng sông nước miền Tây, mấy năm nay được người thành phố tìm mua về thưởng thức.
Miền Tây được thiên nhiên ưu đãi với cây trái xum xuê, cá tôm dồi dào. Nơi đây có những loại cây nhìn như cỏ dại, chui lên từ bùn đất nhưng lại là nguyên liệu làm nên nét đặc trưng riêng của vùng, trong đó phải kể tới bồn bồn.
Cây bồn bồn vốn mọc hoang dại ở vùng sông nước miền Tây, nay thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi
Bồn bồn là một loài thực vật có hoa trong họ Hương bồ có tên khoa học là Typhaceae. Thường mọc ở các vùng đất ngập có nước ngọt hoặc nước lợ và ít phèn. Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau là những nơi bồn bồn có nhiều nhất.
Người dân địa phương cho biết từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm rau bồn bồn vào mùa. Lúc này, bà con ra đồng hái bồn bồn, làm sạch rồi bán vào nhà hàng hoặc gửi cho thương lái đi khắp các tỉnh thành.
Cây bồn bồn giòn, mềm, có vị chua thanh, có thể làm thành các món như dưa bồn bồn, bồn bồn luộc, xào tôm thịt, nhúng lẩu, làm gỏi... Trong đó dưa bồn bồn là nổi tiếng hơn cả.
Bồn bồn giòn và có vị chua thanh lạ miệng
Trên chợ mạng hay các cửa hàng bán đặc sản miền Tây, bồn bồn tươi được bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Còn dưa bồn bồn có giá tới 120.000 đồng/kg, có thể bảo quản ngăn mát tủ lạnh trong vài tuần. Dưa bồn bồn kết hợp với các món thịt luộc, thịt nướng rất hợp, làm giảm đi độ ngán nên được người thành phố ưa chuộng trong những năm gần đây.
"Bồn bồn là đặc sản ở quê tôi. Những người già trong làng cũng không biết thứ cây này có từ khi nào. Chỉ biết rằng khi nước lũ về, chúng ngoi lên từ bùn đất, không cần trồng không cần chăm sóc chúng vẫn phát triển xanh tốt. Cây này nhìn như cỏ dại, rễ thả nổi như rau muống và lá dài giống lá sả.
Ngày trước bồn bồn gắn với những bữa cơm bình dị của người dân nghèo. Mình nhớ nhất bồn bồn nấu canh chua với cá rô đồng. Hay bồn bồn muối lên men chua tự nhiên, chấm với mẻ cá kho thì thật sự ăn căng cái bụng", chị Loan (ở Cà Mau) chia sẻ.
Gỏi bồn bồn có mặt trong nhiều nhà hàng ở miền Tây, được du khách gần xa tìm đến để thưởng thức
Bán dưa bồn bồn trên chợ mạng, chị Ngọc (ở TP.HCM) chia sẻ: "Lúc đầu mẹ mình gửi ở quê lên cả bồn bồn tươi và dưa bồn bồn cho con gái. Rồi hàng xóm ăn thử thấy ngon nên nhờ mua hộ. Từ đó, mình nghĩ ra bán thêm món này để kiếm thêm thu nhập.
Mẹ mình gom bồn bồn về rửa sạch, tự muối rồi đóng hộp gửi lên cho mình bán. Ngoài đăng lên chợ chung cư mình còn bán trên trang cá nhân. Người này giới thiệu cho người kia, khách đông dần, hiện mỗi tháng tôi bán được vài chục hộp".
Vốn là cây mọc dại, giờ đây người dân miền Tây đã mở rộng mô hình trồng bồn bồn để bán ra thị trường. Bồn bồn là loại cây có sức sống mãnh liệt, ít sâu bệnh nên trong quá trình canh tác hầu như không sử dụng phân thuốc nên được xem là loại rau sạch.
Nhiều hộ dân trồng bồn bồn để bán ra thị trường, mang về nguồn thu nhập đáng kể
Bồn bồn ngập sâu trong nước nên muốn thu hoạch người dân phải trầm mình nhiều giờ để nhổ. Sau khi nhổ xong, người ta đem bỏ lá, tách bẹ để lấy phần lõi non bên trong. Bồn bồn có thể thu hoạch nhiều lần trong năm nhưng phát triển tốt nhất là khi bắt đầu mùa mưa