Để có được những thước phim tráng lệ như chúng ta thường thấy trên màn ảnh, từng người trong đoàn phim đều phải nhiều lần “chịu khổ”.
2. Long bào tiền tỷ, đạo cụ đặt riêng
Cũng trong cuộc đua đọ xem nhà sản xuất phim nào chi mạnh tay hơn, Hậu Cung Như Ý Truyện đã bỏ ra một khoản không nhỏ cho trang phục, nhiều sản phẩm được làm thủ công, các trang sức của phi tần cũng được làm từ đá quý.
Trang phục và trang sức được làm thủ công trong Như Ý Truyện.
Không chỉ có trang phục và trang sức, ngay cả những đạo cụ nhỏ nhất như chén nước, đỉnh đồng hay giáo mác đều cần phải được chế tác vừa tinh xảo mà cũng phải đúng với triều đại. Khán giả xứ Trung khá nhạy cảm với các tình tiết lịch sử, chỉ cần một quả cà chua đi lạc thời đại, hay lẫn một cột điện nho nhỏ phía sau đều có thể soi ra được.
Đạo cụ tinh xảo, đẹp mắt trong Như Ý Truyện
Đạo cụ trong Hán Vũ Đế cũng được đầu tư kỹ lưỡng,
làm giả cổ vật giống tới 90% khiến không ít khán giả giật mình ngỡ đoàn phim đem cả cổ vật cấp quốc gia đi làm đạo cụ.
Việc đặt ra các yêu cầu khắt khe như vậy cho đạo cụ và trang phục không chỉ đáp ứng yếu tố lịch sử hay thẩm mĩ mà còn có thể giúp cho diễn viên dễ dàng tìm được cảm giác diễn xuất hơn. Có thể nói riêng việc chuẩn bị đạo cụ cho tác phẩm cũng đủ khiến đoàn làm phim đau đầu, bởi nếu không giống thì sẽ bị khán giả nói là coi thường lịch sử.
Tuy nhiên, nếu ekip làm giống quá cũng sẽ bị các nhà sử học... chỉ trích. Bởi lẽ đồ thời cổ đại của các vương công quý tộc đều là "hàng độc", được làm thủ công không ai giống ai, không phải cứ muốn sao chép là được sao chép, vậy nên chỉ được làm cho gần giống mà thôi.
3. Diễn viên khóc thét vì phục trang, nhân viên chỉ được ngủ 2, 3 tiếng mỗi ngày
Để thể hiện một nhân vật từ thời đại khác không phải là việc dễ dàng. Nhằm hỗ trợ các diễn viên nhập vai, nhiều đoàn phim sẽ cho diễn viên đi thăm quan bảo tàng, thậm chí mời các chuyên gia lịch sử đến giảng dạy, giúp diễn viên hiểu biết hơn về bối cảnh kịch bản.
Với các diễn viên đảm nhận vai quý tộc, hoàng tộc thì còn cầu kỳ hơn. Nghi lễ hoàng cung rất phức tạp, muốn đột nhiên cầm chén nước, ăn cơm cho giống hoàng tộc cũng không phải muốn là làm giống được.
Trước khi khởi quay Võ Mỵ Nương Truyền Kỳ, Lý Trị Đình phải học về nghi lễ hoàng cung trong vòng 2 tháng, mỗi ngày 8 tiếng, chẳng khác nào ôn thi đại học.
Bên cạnh việc nhập vai, do tính chất phim dã sử, lịch sử dài tập, kịch bản sẽ gói gọn cả cuộc đời của nhân vật khi còn trẻ tới lúc về già. Do đó, một ngày diễn viên phải thay đổi rất nhiều trạng thái tâm lý, có khi ban sáng còn đang là thiếu nữ 16 tuổi, buổi chiều đã phải thể hiện nhân vật đó khi già dặn lõi đời.
Trong Hậu Cung Chân Hoàn Truyện, Tôn Lệ có khoảng 1000 cảnh quay. Cô chia sẻ: “Buổi sáng vừa quay cảnh Chân Hoàn mới nhập cung, còn mặn nồng cùng hoàng thượng. Buổi chiều đã phải trang điểm đậm, thể hiện vẻ âm ngoan khi muốn mưu hại ngài. Tâm trạng thường bị chia ra làm hai hướng đối lập”.
Lý Trị Đình cũng trải qua tình trạng này khi đóng Võ Mỵ Nương Truyền Kỳ: “Tôi thường có ảo giác không rõ hiện giờ mình bao nhiêu tuổi, bây giờ là thời đại nào, quả là hành hạ về mặt tâm lý”.
Lý Trị Đình từng một ngày trải qua 3 giai đoạn 16 tuổi, 28 tuổi, 38 tuổi trong quá trình quay Võ Mỵ Nương Truyền Kỳ.
Không chỉ về tâm lý, thậm chí phim cổ trang còn đem đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe cho cả diễn viên lẫn nhân viên đoàn phim. Tóc của các diễn viên nữ thường là tóc giả với vô số đồ trang trí và trâm cài, nhìn tuy đẹp nhưng là một khổ hình.
Các bộ tóc này có khi nặng đến vài cân, tạo áp lực lớn lên phần cổ và vai gáy, nhiều diễn viên sau một ngày dài nhập vai thì phải dán cao giảm đau cổ.
Để thêm phần thách thức, các đoàn phim cổ trang đôi lúc còn quay vào mùa hè 40 độ. Tóc giả ôm sát kết hợp với mồ hôi, da đầu bí nên bị nấm da đã trở thành chuyện "thường ngày ở huyện" với các diễn viên.
Phạm Băng Băng từng chia sẻ bản thân cô khi đóng phim cổ trang thì rất hạn chế uống nước, bởi trang phục nhiều lớp như vậy khiến cho đi lại còn khó chứ đừng nói đến đi vệ sinh. Nên có thể nói việc đóng phim cổ trang không chỉ là một thử thách về diễn xuất mà còn thách thức cả thận của họ nữa!
Các cảnh khinh công đẹp mắt cũng là ác mộng của không ít diễn viên.
Huỳnh Hiểu Minh từng bị dập ngón chân vì tai nạn trong một cảnh khinh công.
Bên cạnh diễn viên, các nhân viên hỗ trợ cũng phải làm việc rất cực khổ. Với các nhân viên hóa trang, trang điểm trong phim cổ trang đòi hỏi sức khỏe tốt.
Nếu nhân vật cần hóa trang là thiếu nữ thì rất đơn giản, nhưng nếu là người già hay khuôn mặt có vết sẹo sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Nhân viên hóa trang cho Võ Tắc Thiên lúc già trong Võ Mỵ Nương truyền kỳ một ngày phải trang điểm tới 7 tiếng đồng hồ để đạt được hiệu ứng mong muốn.
Để hóa trang cho Võ Tắc Thiên khi về già, Phạm Băng Băng và tổ hóa trang phải dùng một lớp da giả và trang điểm 7 tiếng mỗi ngày.
Bình thường, nếu diễn viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm thì nhân viên đoàn phim phải chuẩn bị từ 6 giờ sáng và mãi đến 1,2 giờ sáng mới có thể hoàn tất công việc. Trong thời gian quay phim, nhiều người chỉ có thể ngủ 3 tiếng mỗi ngày.
Thay lời kết, tuy quá trình quay phim cổ trang rất cực khổ và tốn kém nhưng thành quả đạt được thật sự rất xứng đáng. 5 năm đổ lại đây, cùng với sự phát triển của dòng phim cổ trang, nhiều khán giả đã hứng thú hơn trong việc tìm tòi lịch sử Trung Quốc, nhiều diễn viên trẻ cũng vụt sáng.
Tuy nhiên, nhìn tổng quát thì lượng phim về triều đại Minh Thanh đang có xu hướng bão hòa do khai thác quá nhiều trong khi phim về thời Thương, Chu lại khan hiếm. Khán giả xứ Trung cho rằng, đã đến lúc các nhà sản xuất bớt ngôn tình hóa phim lịch sử cũng như bớt tham lam mời sao to mà thay vào đó chăm chút cho nội dung của phim.