Ông Phương (NSƯT Trần Đức) trong “Sống chung với mẹ chồng” là nhân vật đưa lại cảm xúc vừa giận vừa thương cho khán giả.
Bộ phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” đã đi đến những tập cuối nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mỗi nhân vật đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Một trong số đó là ông Phương (NSƯT Trần Đức), cha đẻ của cậu ấm Thanh (Anh Dũng) đồng thời là bố chồng (cũ) của Vân (Bảo Thanh). Ông khiến khán giả vừa giận lại vừa thương, lúc thì yêu mến vì sự thấu tình đạt lý nhưng có khi lại làm người xem muốn thét lên vì tức giận.
Người chồng tài giỏi, thủy chung; người cha hết lòng vì con cái và là bố chồng tâm lý
Ông Phương là một người đàn ông thành công trong xã hội. Một mình ông lo cho cả gia đình nhưng vẫn có thể tậu nhà lớn, mua xe hơi và là người có chức có quyền. Tuy nhiên, khác với nhiều người giàu sang thì quên người vợ lúc bần hàn, ông Phương khi đã có địa vị trong xã hội vẫn một mực thủy chung bên người vợ đi với mình từ khi chỉ có hai bàn tay trắng.
Dù ở chỗ làm cũng có người bạn tâm giao, cảm mến lẫn nhau nhưng bố của Thanh vẫn luôn giữ nó trong giới hạn cho phép, nhất quyết không đi vào con đường ngoại tình. Có thể nói đối với ông Phương, ân nghĩa vợ chồng với bà Phương (NSND Lan Hương “Bông”) là điều quý giá hơn cả.
Ông cũng hiểu cho những vất vả, hy sinh của bà Phương. Khi hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nếu không có sự đảm đang, giỏi vun vén của bà Phương thì ông Phương cũng khó lòng tập trung lo lắng phát triển sự nghiệp để đạt được thành quả như ngày nay.
Chính vì quá khứ vất vả mà bà Phương dần trở nên tiết kiệm, coi trọng đồng tiền đến mức bần tiện. Ông hiểu những nhọc nhằn của vợ nên nhất mực nhường nhịn bà Phương đến cùng.
Đối với con trai – con dâu, ông Phương đều quan tâm và yêu thương. Đặc biệt, đối với Vân, ông luôn ủng hộ hết mình để con dâu có thể về nhà bố mẹ đẻ. Ông còn nói rằng: nếu nhà Vân ở gần đây thì ông sẽ yêu cầu hai vợ chồng cô cuối tuần nào cũng phải về nhà ngoại ăn cơm.
Ở tập 23 Sống chung với mẹ chồng, khi Vân - Thanh (Anh Dũng) dọn ra ở riêng rồi giận dỗi nhau đến mức ly thân thì chính ông cũng là người lặn lội đi thăm và làm công tác tư tưởng cho con dâu. Thậm chí trước hành động vũ phu của Thanh, ông tức giận đến mức muốn Vân kiện con trai mình
Chắc hẳn hiếm có người bố chồng nào có thể yêu thương và nhìn nhận vấn đề liên quan đến con dâu công bằng như ông Phương. Có thể nói rằng, ông Phương là mẫu người chồng – người bố đáng mơ ước.
Tuy nhiên, bi kịch gia đình cứ lần lượt xảy đến với ông Phương. Vợ thì cay nghiệt với mẹ chồng, xét nét con dâu; con trai thì vũ phu, không có chính kiến… Một người đàn ông chuẩn mực phải chống mắt bất lực nhìn người mình yêu thương phạm sai lầm này đến sai lầm khác chính là bi kịch tinh thần lớn nhất của ông Phương, là điểm đáng thương nhất trong cả cuộc đời ông.
Dù đáng thương nhưng ông Phương cũng có rất nhiều điểm đáng giận
Ông Phương biết được những cay đắng, thiệt thòi mà bà Phương phải chịu đựng khi cả hai người bần hàn nên luôn nhường nhịn và yêu thương bà. Ông biết bà Phương ghét cay ghét đắng thậm chí là hận thù mẹ chồng nhưng ông vẫn nhắm mắt cho qua. Trong 27 tập phim, ông Phương chỉ tức giận đúng 2 lần là khi bà Phương cư xử quá đáng với mẹ chồng và lúc Thanh nổi điên đánh vợ.
Nhưng sau tất cả, ông Phương lại hòa hợp với vợ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Dù bà Phương cư xử quá đáng với con dâu, ông đã hứa sẽ không để bà làm vậy nữa nhưng ông chỉ hứa vậy rồi thôi. Ông cố gắng khuyên giải vợ, vợ không nghe thì ông chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán bất lực.
Trong mối quan hệ của mẹ ông Phương – bà Phương và bà Phương – Vân, ông Phương cố gắng tác động để bà Phương thay đổi nhưng tất cả chỉ dừng lại ở lời nói. Ông không hề có bất cứ hành động quyết liệt nào để có thể thay đổi tình hình. Nói cách khác, chính sự dung túng của ông Phương mà bà Phương không nhận ra tầm nghiêm trọng và những điểm sai trái trong hành động của mình.
Ông Phương là trụ cột tài chính, là chồng, là cha đáng lẽ lời nói và hành động của ông phải có tầm ảnh hưởng với cả vợ và con trai. Tuy nhiên, khi bà Phương và con trai vào hùa với nhau làm việc sai, ông cũng chỉ dừng lại ở việc lên án bằng lời nói.
Vì ân nghĩa vợ chồng nhiều năm, ông Phương dung túng cho bà Phương cũng có thể tạm chấp nhận nhưng đối với Thanh tại sao ông cũng chỉ nói vài câu cho qua? Ông là người chồng mẫu mực, tại sao lại sinh ra một người con trai nhu nhược, vũ phu, không có chính kiến? Chính là do ông đã để mặc bà Phương ảnh hưởng đến con trai mình.
Đáng lẽ khi biết vợ mình không tốt với con dâu, ông nên nói chuyện riêng và cùng con trai tìm ra đối sách hợp lý. Sau tất cả, ông vẫn chỉ dừng lại ở một vài câu triết lý, một số ý tưởng tuyệt vời nhưng không có bất cứ hành động nào để thực hiện điều đó. Bi kịch gia đình cứ lần lượt xảy ra bởi vì người có tiếng nói nhất, tầm ảnh hưởng nhất là ông Phương lại lựa chọn nhắm mắt làm ngơ cho những vấn đề lớn dần lên.
Nếu ông Phương ngay từ đầu đã làm chủ để cân bằng mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu và con trai – con dâu thì chắc chắn mọi chuyện sẽ khác. Ông chỉ bắt tay vào hàn gắn mối quan hệ khi tất cả mọi người đã tổn thương chồng chất. E rằng lúc đó dù ông có làm bất cứ điều gì thì cũng không thể có hiệu quả nữa.
Kết
Ông Phương là người đàn ông của gia đình mẫu mực nhưng ông lại lựa chọn từ bỏ tiếng nói của mình trong gia đình. Ông để mặc vợ và con trai muốn làm gì thì làm nên bi kịch gia đình mới liên tiếp xảy ra.
Dù ông là người tốt nhưng sự im lặng, bỏ mặc của người tốt chính là nguyên nhân khiến cái xấu lên ngôi. Chắc chắn trong việc hôn nhân của Vân và Thanh tan vỡ có một phần lỗi của người bố chồng tâm lý nhưng bất lực trước vợ và con này.