Lỗi sẽ thuộc về ai khi cuộc hôn nhân của Thanh (Anh Dũng) và Vân (Bảo Thanh) trong “Sống chung với mẹ chồng” thất bại?
Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả xem truyền hình. Cuộc hôn nhân của Thanh (Anh Dũng) và Vân (Bảo Thanh) là chủ đề gây ra nhiều tranh luận từ phía khán giả nhất. Đặc biệt theo như preview giới thiệu tập 25 “Sống chung với mẹ chồng” chiếu vào thứ tư tới, kẻ thứ ba xen vào giữa cuộc hôn nhân giữa Thanh và Vân sẽ xuất hiện.
Thanh thay lòng đổi dạ vì người con gái khác?
Ly hôn trở thành con đường duy nhất để giải thoát cho Vân khỏi cuộc sống chung đầy rẫy đau khổ này. Để cuộc hôn nhân lãng mạn đúng chuẩn ngôn tình của Thanh và Vân rơi vào đổ vỡ thực sự lỗi thuộc về ai?
Mẹ chồng tai quái – ác mộng của tất cả nàng dâu
Bà Phương (NSND Lan Hương “Bông”) có lẽ là bà mẹ chồng tai quái nhất trên màn ảnh. Bà là một người phụ nữ trung niên ở nhà làm nội trợ, yêu chồng thương con, ít khi tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài. Đối với bà Phương, chồng và con trai giữ vị trí độc tôn và bà cũng muốn giữ vị trí đầu tiên trong lòng hai người đàn ông này.
Dù Thanh đã lớn và lập gia đình nhưng đối với bà, anh mãi là một đứa bé cần chăm sóc từng ly từng tí. Cũng vì sự bảo bọc và chiếm hữu của bà Phương đối với con trai mà mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu diễn ra càng ngày càng gay gắt.
Những hành động như rình rập và lao vào phòng riêng của đôi vợ chồng mới cưới khi thấy con dâu “cưỡi” lên người con trai, thẳng thừng nhắc con trai chuyện chăn gối, lén đọc nhật ký của con dâu… khiến khán giả lắc đầu ngao ngán.
Sự khắc nghiệt của bà dành cho con dâu ngày càng tăng với cấp số nhân. Bà xét nét con dâu từng ly từng tý. Những lần Vân bị Thanh tát và đánh dã man đều là do bà Phương ở giữa đưa thông tin sai lệch.
Tập 23 “Sống chung với mẹ chồng”, Thanh vì mẹ mà tiếp tục đánh vợ chảy máu mũi gây phẫn nộ trong dư luận. Trong khi đó lỗi sai lại thuộc về bà Phương trước, bà nghi ngờ con dâu thông đồng với nhà đẻ, giả vờ nói em trai mình bị tai nạn để đòi tiền nên bà lần lữa không chịu đưa tiền trả Vân. Cách nghĩ và cách nói của bà Phương làm tất cả các nàng dâu đều thấy tủi hổ và xót xa.
Đỉnh cao là bà Phương còn liên tục tuyên bố sẽ cưới cho con trai một cô vợ khác. Để việc sống chung của bố mẹ chồng và vợ chồng con trai thất bại thảm hại như hiện tại, lỗi của mẹ chồng tai quái là không thể phủ nhận.
Con dâu luôn nghĩ “khác máu tanh lòng”, đối với mẹ chồng chỉ có “nịnh”
Ngay từ những ngày đầu tiên về làm dâu, Vân luôn được nhồi nhét suy nghĩ đối với mẹ chồng ngoài “nịnh” ra thì sẽ không có một phương án nào khác để đối đãi. Đối với cô, việc sống chung với mẹ chồng là một điều vô cùng áp lực, đáng sợ và làm cô chán ghét.
Cô luôn ở trong tình trạng phòng bị mẹ chồng và sẵn sàng tấn công lại khi bị mẹ chồng tấn công. Cô chưa từng thử mở lòng xem gia đình nhà chồng là người thân của mình để vị tha cho những lỗi lầm của họ.
Bà Phương cũng không phải vô duyên vô cớ ghét Vân. Ngay từ khi ra mắt bố mẹ chồng ở tập 1 “Sống chung với mẹ chồng”, Vân đã mất điểm trầm trọng trong mắt mẹ chồng tương lai khi “nấu cháo” điện thoại liên tục. Trong tập 2, cô và Thanh dùng tiền của bố mẹ để mua đồ trang sức cưới. Bất đồng quan điểm với mẹ chồng trong việc lựa chọn đồ trang sức, Vân đã yêu cầu Thanh đuổi mẹ chồng tương lai về.
Dù là dâu mới nhưng cô liên tục ngủ nướng, không chịu làm việc nhà, giận dỗi là lại bỏ nhà đi, nằng nặc đòi ra ở riêng theo ý mình… Đặc biệt, người già nào cũng mong có cháu bế, dù Vân chưa muốn sinh con cũng nên giải thích cho bố mẹ chồng hiểu lý do, đằng này cô cứ im ỉm làm theo ý mình. Khi mẹ chồng làm cô phật ý thì cô sẵn sàng trừng mắt đấu tay đôi.
Dù mẹ chồng là người tai quái đến mức “quái thai” thì phận làm con nếu Vân biết cách cư xử khéo léo và nhẫn nhịn hơn thì chắc mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu không đến mức không thể nhìn mặt nhau như hiện tại.
Lỗi của kẻ thứ ba vô duyên, nhu nhược và vũ phu
Thanh là người được cả bà Phương và Vân yêu thương. Đáng lẽ, anh phải làm tốt vai trò của một người chồng, người con là làm cầu nối hóa giải mâu thuẫn của mẹ chồng – nàng dâu và tạo cơ hội cho hai người gần gũi, yêu thương lẫn nhau. Tuy nhiên, Thanh lại liên tục đổ dầu vào mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu đang ngùn ngụt cháy.
Khi bà Phương bảo Thanh đón Vân về nhà ăn cơm thì anh thản nhiên nói rằng: Vân đang chờ anh ngoài cửa để đi mua nhẫn cưới. Con dâu đến nhà chồng mà lại đứng cửa tức là đã tuyên bố rằng: mình không muốn bước vào ngôi nhà đó. Thử hỏi có bà mẹ chồng nào có thể yêu thương nổi một cô con dâu như thế?
Đứng trước những ý kiến của mẹ, anh nhu nhược chấp nhận, không dám cãi lại và cũng không biết cách bảo vệ vợ mình. Tình yêu của anh dành cho Vân tuy rất lớn nhưng đứng trước mẹ thì tình yêu đó cứ bé lại bé lại và phải đưa đi cất.
Là người chồng nhu nhược nhưng Thanh lại rất vũ phu. Anh liên tục ghen lồng ghen lộn, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ, hết tát tai làm vợ chảy máu mồm rồi lại đánh vợ chảy máu mũi. Dù sau đó anh liên tục hối hận và cầu xin Vân tha thứ nhưng máu "điên" đã ăn sâu trong người Thanh. Sau đó, cứ có việc gì, chưa cần biết lý do rõ ràng, anh lại đánh vợ như một thói quen.
Sống trong gia đình nhà chồng nhiều áp lực còn gặp phải một anh chồng côn đồ, hung bạo thì người vợ bị bạo hành cả về tinh thần và thể xác. Đối với Vân khi có một người chồng như vậy thì chỉ có ly hôn mới là một lựa chọn chính xác.
Bố chồng hiểu chuyện nhưng lại không có tiếng nói
Trong Sống chung với mẹ chồng, bố của Thanh (NSƯT Trần Đức) là ông bố làm to, giỏi kiếm tiền và hiểu chuyện. Ông rất thương con dâu và đặc biệt tâm lý. Khi Vân xin về nhà thăm bố mẹ đẻ, ông Phương là người đầu tiên ủng hộ và còn nói rằng: nếu ở gần thì sẽ yêu cầu vợ chồng Vân tuần nào cũng phải về ăn cơm với nhà ngoại.
Vì nhận biết được sự khắc nghiệt, tai quái, xoi mói của vợ mình đối với Vân nên nhiều lần ông cũng lên tiếng bảo vệ con dâu. Tuy nhiên, những ngày đầu tiên mẹ chồng – nàng dâu xảy ra mâu thuẫn, ông lại để mặc vì xem đó là chuyện của phụ nữ với nhau.
Chỉ khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, ông mới đứng ra hòa giải. Vợ chồng Vân sống như ly thân sau khi hai người chuyển ra ở riêng, bố chồng đã đến tận phòng trọ thăm và làm công tác tư tưởng cho Vân. Ông cũng hứa sẽ nói chuyện với bà Phương, không cho phép bà gây khó dễ cho con dâu nữa.
Dù ông là trụ cột chính, là người đảm bảo kinh tế cho gia đình nhưng tầm ảnh hưởng của ông đối với vợ và con lại rất nhỏ. Ông đã yêu cầu vợ tôn trọng quyền tự do của vợ chồng con trai nhưng cuối cùng vẫn không thể thay đổi được suy nghĩ và cách làm của bà Phương. Và chắc có lẽ, ông can thiệp quá muộn nên cả mẹ chồng – nàng dâu đều đã có những tổn thương và khoảng cách không thể kéo lại được.
Đáng lẽ, một người có vai trò lớn trong gia đình như bố chồng Thanh phải có khả năng giải quyết ổn thỏa mối quan hệ mẹ chồng – con trai – nàng dâu nhưng ngay từ đầu ông lại lựa chọn để mặc. Đến khi tất cả các bên đều đã phạm những lỗi không thể hàn gắn, ông mới lao vào thu xếp thì rất khó có thể thành công.
Kết
Để có thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, tình yêu thôi chưa đủ vì tình yêu là chuyện của hai người còn hôn nhân là chuyện của rất nhiều người. Việc chung sống thất bại, lỗi sẽ không thuộc về riêng một ai mà nó là do lỗi của tất cả những người trong cuộc.
Cuộc hôn nhân của Vân và Thanh đi đến hồi không thể cứu vãn là do bố mẹ chồng và chính đôi vợ chồng trẻ không tự thay đổi mình để thích nghi với môi trường sống mới, không chịu mở lòng khi có thêm thành viên khác trong gia đình. Nếu như ai cũng chịu bớt một phần cái "tôi" và học cách bao dung với đối phương thì nỗi ác mộng mang tên "sống chung với mẹ chồng" hẳn đã không còn tồn tại...