Dù ra mắt không êm ả nhưng chuyện tình giữa Choi Soo Ah (Kim Ha Neul) và Seo Do Woo (Lee Sang Yoon) trong Chờ em nơi phi trường (On The Way To Airport) vẫn được nhiều khán giả quan tâm.
Nằm trong danh sách một trong những bộ phim Hàn nên xem trong mùa thu 2016, nhưng ngay từ khi khởi sóng, Chờ em nơi phi trường (On the Way to the Airport) đã gây ra một làn sóng tranh cãi bởi chủ đề nhạy cảm: Ngoại tình. Không ít cư dân mạng không có thái độ thoải mái về nội dung phim, với không ít bình luận tỏ ý khó chịu: "Đùa ai vậy? Ngoại tình tư tưởng thì cũng là ngoại tình. Từ khi nào mà ngoại tình trở thành một câu chuyện tình yêu lãng mạn thế?", "Dù chỉ là một bộ phim thì cũng đừng đưa ngoại tình lên tôn vinh như thế chứ!”...
Tuy nhiên sau một thời gian trình chiếu, phim đã thu hút được sự ủng hộ từ đại bộ phận công chúng. Khác với những nhận định tiêu cực ban đầu, Chờ em nơi phi trường giờ lại được đánh giá là bộ phim tâm lý xuất sắc mà khán giả Hàn rất lâu rồi mới có duyên được thưởng thức. Ngay cả khi về Việt Nam, Chờ em nơi phi trường cũng thu hút rất đông người xem bởi kịch bản hay với những hoàn cảnh rất thực tế.
Trailer phim Chờ em nơi phi trường (On The Way To Airport)
Chuyện phim Chờ em nơi phi trường xoay quanh mối quan hệ tình cảm giữa phức tạp giữa các nhân vật, đặc biệt là Choi Soo Ah (Kim Ha Neul) và Seo Do Woo (Lee Sang Yoon). Choi Soo Ah (Kim Ha Neul) là một nữ tiếp viên hàng không, đã kết hôn và là mẹ của cô con gái 12 tuổi. Cô hài lòng với cuộc sống hiện tại bên anh chồng giỏi giang - Park Jin Suk (Shin Sung Rok) là một phi công.
Nhưng số phận luôn ẩn chứa nhiều điều hết sức bất ngờ mà con người không thể đoán trước được. Cuộc sống của Soo Ah đã thay đổi hoàn toàn khi gặp Seo Do Woo (Lee Sang Yoon) - một giảng viên bán thời gian của đại học kiến trúc – cũng đã lập gia đình.
Thuộc thể loại phim melodrama, Chờ em nơi phi trường được xem là câu chuyện thanh xuân thứ hai của những ai thuộc độ tuổi 30, 40. Cả Choi Soo Ah lẫn Seo Do Woo đều đã từng có một gia đình hạnh phúc, họ tình cờ gặp nhau khi mỗi người đều đang chịu tổn thương. Chính sự thấu hiểu, đồng điệu trong tâm hồn đã đưa cả hai xích lại gần nhau hơn. Tuy có tình cảm với nhau nhưng họ vẫn biết tự thỏa thuận về mối quan hệ ba không: không khao khát, không đụng chạm, không rời đi… và cũng không cố gắng làm rõ ràng chính thứ tình cảm này.
Chờ em nơi phi trường đặt ra câu hỏi: "Liệu trên đời này có thể tồn tại mối quan hệ tình cảm chính đáng nào giữa một người đàn ông và một người phụ nữ đã kết hôn?". Ấy thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc cổ vũ chuyện ngoại tình mà hơn hết, phim là bức chân dung lột tả chân thực nỗi cô đơn, trống rỗng của con người trong xã hội hiện đại. Mối quan hệ "ngoài luồng trong tư tưởng" này khiến khán giả phần nào đồng cảm, thấy thương hơn đáng trách các nhân vật.
Một đoạn tự thú ngoại tình xuất sắc:
Nữ: "Thật kỳ lạ. Tôi làm việc, chăm sóc nhà cửa và nuôi nấng con trẻ... rồi ngủ. Mọi thứ vẫn như thường ngày. Nhưng không hiểu sao tự nhiên lại khó khăn đến vậy
Khi tôi lên máy bay... đến một thành phố lạ, tôi thường đi dạo một lúc. Gió thổi. Và mọi lo lắng của tôi sẽ biến mất. Tôi tự hỏi trước đó, tại sao mình cứ lo lắng. Vậy nên, tự đứng dậy trên đôi chân của mình. Cảm giác này giống như khi ở bên cạnh anh."
Nam: "Tôi tự hỏi không biết cảm giác này là tại sao. Vâng, tôi hiểu. Đây là lời khen ngợi lớn nhất."
Không xây dựng bất kỳ tình huống hoa mỹ màu mè nào, Chờ em nơi phi trường chọn gây ấn tượng cho người xem từ ngay những chi tiết nhỏ nhặt. Ở mỗi cảnh hai nhân vật chính khao khát chạy đến bên nhau, nhìn vào mắt nhau; khán giả có thể cảm nhận được rõ rệt sự đau đớn, day dứt của họ.
Như thể nếu họ hạnh phúc sẽ là điều gì đó rất phi lý. Như thể sẽ có một cái giá khủng khiếp nào đó đang đợi họ - một người đàn ông thấy mình lạc lõng bên người vợ luôn lo sợ và che giấu bí mật, với một người đàn bà không nhận được sự trân trọng cùng thấu hiểu từ chồng mình. Nếu tạm thời bỏ qua rào cản định kiến thông thường, khán giả sẽ dần vỡ lẽ rằng, tất cả chỉ đơn giản là họ đang an ủi tâm hồn người kia bằng tình yêu mà người đó thiếu thốn.
Không chỉ xoay quanh mối quan hệ yêu đương trai gái thuần túy, Chờ em nơi phi trường còn chứa đựng thông điệp đầy ý nghĩa về tình cảm gia đình. Công việc bận rộn của một tiếp viên hàng không và một cơ trưởng đã khiến cuộc hôn nhân của vợ chồng Choi Soo Ah trở nên tẻ nhạt, lạnh lẽo. Đồng thời sự độc đoán, ích kỷ hà khắc của Park Jin Suk với con gái càng khiến cô ngột ngạt. Chính vì vậy mà hôn nhân của họ đi đến đổ vỡ là điều hiển nhiên.
Trong khi, Park Jin Suk (Shin Sung Rok) là một người cha ích kỷ luôn muốn đưa con gái ra nước ngoài để tiện lợi cho công việc của mình thì Kim Hye Won (Jang Hee Jin), vợ của Seo Do Won lại là một người mẹ lạnh lùng đến kỳ lạ. Nỗi ám ảnh về quá khứ cùng lỗi lầm của bản thân khiến cô ta luôn cảm thấy ghét bỏ đứa con gái do mình sinh ra. Và cái giá phải trả cho việc làm đó chính là sự ra đi mãi mãi của đứa trẻ. Vì vậy, phim muốn đưa đến cho người xem một thông điệp đầy ý nghĩa: "Hãy để quá khứ ngủ yên và luôn trân trọng những gì mình đang có".
Góp phần làm nên thành công cho Chờ em nơi phi trường, không thể không nhắc đến dàn diễn viên thực lực. Kim Ha Neul, Lee Sang Yoon, Choi Yeo Jin, Shin Sung Rok và Jang Hee Jin đều là những diễn viên có tuổi nghề cùng khả năng diễn xuất vô cùng xuất. Đặc biệt, phim đánh dấu sự trở lại của "Người đẹp nói dối" Kim Ha Neul sau thời gian dài vắng bóng, kể từ bộ phim được yêu thích Phẩm chất quý ông (2012).
Một trong những diễn viên góp mặt trong phim được chú ý đó chính là "Người chồng quốc dân" - Lee Sang Yoon. Sau Twenty Again, Lee Sang Yoon tiếp tục trở lại màn ảnh và ghi điểm với vai diễn Seo Do Woo - một giảng viên đại học đã lập gia đình. Với trái tim ấm áp, Seo Do Woo luôn hết lòng yêu thương vợ và con gái riêng của vợ.
Shin Sung Rok là nam diễn viên khá nổi tiếng, được nhiều người biết đến qua các tác phẩm đình đám như Trò chơi lừa dối, Tình yêu nhạc Trot, Diện mạo hoàng đế, Một mẹ ba bố... và đặc biệt là vai phản diện trong tác phẩm đình đám Vì sao đưa anh tới. Trong Chờ em nơi phi trường, anh đảm nhận vai cơ trưởng Park Jin Suk, chồng của Choi Soo Ah. Bề ngoài, anh là một người thành đạt, phong độ nhưng mặt khác, anh lại là một người chồng, người cha ích kỷ và độc đoán.
Khán giả đã rất ấn tượng với Choi Yeo Jin qua những vai diễn đầy cá tình trong Emergency Couple, The Lover, I Need Romance…. Trong Chờ em nơi phi trường lần này, cô đảm nhận vai nữ tiếp viên hàng không Song Mi Jin, bạn thân của Choi Soo Ah và là người yêu cũ của cơ trưởng Park. Và Song Mi Jin cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ cho gia đình Choi Soo Ah và Park Jin Suk.
Người đẹp của The Village: Achiara's Secrect - Jang Hee Jin vào vai Kim Hye Won, vợ của Seo Do Won. Việc luôn ám ảnh với quá khứ đã khiến Kim Hye Won luôn lo sợ, và làm ảnh hưởng đến hạnh phúc hiện tại.
Bộ phim Chờ em nơi phi trường (On the Way to the Airport) hiện đang lên sóng vào tối thứ 4 và thứ 5 hằng tuần trên kênh KBS2 tại Hàn. Bên cạnh đó, phim cũng được chiếu lại trên kênh Youtube chính thức của HTV2 vào ngày hôm sau.