Là một bộ phim học đường Hàn Quốc không được nhiều người chú ý song Lớp học của Nữ hoàng lại là một tác phẩm hết sức cảm động và hấp dẫn.
Lớp học của nữ hoàng (The Queen's Classroom) không phải dạng phim truyền hình khán giả thường xem trong khung giờ vàng, khi không khai thác chủ đề tình yêu, dàn diễn viên lại chủ yếu toàn trẻ con. Chính vì lý do đó, rất ít người để ý đến tác phẩm này khi nó được phát sóng lần đầu trên kênh MBC (Hàn Quốc) vào mùa hè năm 2013. Dẫu vậy, yếu tố làm công chúng nhớ mãi không quên tác phẩm này lại là thông điệp đầy ý nghĩa mà nội dung phim mang đến. Lớp học của nữ hoàng không chỉ nhằm vào mối quan hệ giữa người với người mà còn giúp người xem nhận ra một chân lý: Có những điều chúng ta có thể học được mà không nhất thiết phải được dạy từ một cá nhân nào đó.
Nội dung chính của phim khá đơn giản: Một cô giáo lạnh lùng, nghiêm khắc nhận phụ trách một lớp học với thành tích kém cỏi. Phương pháp dạy dỗ của cô được coi là “không chính thống”, bất cứ học sinh nào phản đối cô đều bị phạt, học sinh nào phản đối hình phạt bất công cũng bị phạt. Tuy nhiên, những học sinh chấp nhận phương pháp đó lại đạt được kết quả học tập tốt. Bù lại, các em bị những bạn học còn lại coi như người ngoài hành tinh trong lớp.
Ở đây, người giáo viên không chỉ nói với học sinh của mình những điều mà các em nên làm mà còn chấp nhận để những cô cậu bé đó tự trải qua thử thách trong cuộc đời. Nhờ vậy, chúng có thể tự tìm ra cách giải quyết và trưởng thành nhờ những kinh nghiệm đã trải qua.
Trailer Lớp học của Nữ hoàng
Việc cô giáo trong bộ phim này áp dụng phương pháp đó với các học sinh tiểu học – đối tượng được coi là những cô cậu bé còn non nớt – khiến người xem hoài nghi, liệu nó có phù hợp với các em hay không. Nhưng trong thế giới của bộ phim này và rộng hơn – thế giới của sự giáo dục, những đứa trẻ học lớp Sáu không được coi là non nớt nữa. Chúng được kỳ vọng có thể đạt thành tích thật tốt để đỗ vào một trường đại học có tiếng. Sau đó, chúng có thể tìm được một công việc mang đến sự thành công và tiền tài.
Hạnh phúc ư? Đó không phải là điều quan trọng nhất. Từ tập 1 của Lớp học nữ hoàng, chúng ta thấy những đứa trẻ bị bó buộc trong bốn bức tường vô hình: xã hội, cha mẹ, bạn bè và áp lực từ trường học về việc “điều các em cần làm từ giờ đến hết đời”. Ngày hôm nay chỉ là một sự hy sinh nhỏ nhoi cho tương lai sau này.
Người giáo viên
Nhân vật trung tâm của bộ phim là cô giáo Ma Yeo Jin (Go Hyun Jung thủ vai) – người được các học sinh đặt cho biệt danh “Phù thuỷ”. Cô ấy nghiêm khắc với tất cả mọi thứ, từ lịch trình hằng ngày cho đến việc lựa chọn trang phục. Ma Yeo Jin chỉ mặc quần áo đen từ đầu đến chân, ngay cả giày cao gót cũng màu đen. Cô ấy không bao giờ mỉm cười ngọt ngào, luôn tỏ ra quá lịch sự với đồng nghiệp và chỉ nói chuyện khi cần trao đổi với phụ huynh học sinh.
Ban đầu, phương pháp dạy học của Ma Yeo Jin thể hiện phần nào sự phân biệt đối xử. Thay vì coi tất cả học sinh như nhau, cô ấy quý mến những học sinh thông minh và tỏ rõ sự khinh thường với những em không đạt được thành tích tốt. Thậm chí, nhóm học sinh yếu kém còn phải thêm lịch trực nhật để nhóm học sinh giỏi có thêm thời gian cho việc học. Nhóm học sinh giỏi còn được hưởng nhiều đãi ngộ: không phải trực nhật, có quyền chọn chỗ ngồi trong lớp và được ưu tiên nhận đồ ăn trước trong giờ nghỉ trưa.
Việc phân biệt đối xử này là cách cô Ma dạy dỗ học sinh của mình về cuộc sống thật sau này, nơi kẻ chiến thắng được đối đãi tử tế còn người bị đối xử bất công là những kẻ thua cuộc. Đó là xã hội mà chúng ta đều đang sống. Bài học mà cô Ma đưa đến cho học sinh của mình là: “Dù các em có phàn nàn thế nào đi chăng nữa, thế giới này vẫn sẽ không thay đổi chút nào đâu”. Phải học cách đối đầu với nó hoặc chết.
Có rất nhiều bí ẩn xoay quanh cô Ma và gia cảnh của cô ấy ngay từ đầu phim. Nhờ diễn xuất trên cả tuyệt vời của Go Hyun Jung, nhân vật này luôn toả sáng rực rỡ cho đến tận cuối phim. Cô ấy như một con rô-bốt, dường như không biểu lộ bất kỳ một cảm xúc nào ngoài mặt. Quả thực, cô Ma là người rất giỏi che giấu. Có lúc, Ma Yeo Jin khiến người xem cảm thấy bực bội vì không ai có thể đọc được tâm tư của cô ấy mà phải theo dõi từ điểm nhìn của những đứa trẻ góp mặt trong phim. Những gì chúng ta biết về cô Ma không hơn gì lũ trẻ, phải liên tục tìm những mảnh ghép, ráp chúng lại để tự cho mình một kết luận cuối cùng.
Việc bộ phim để cô Ma chìm trong sự bí ẩn và chỉ tiết lộ mục đích những việc làm của cô ấy vào cuối phim khiến khán giả cảm thấy thoả mãn mà không cảm thấy họ đang bị lừa. Lần theo mạch phim, người xem dần được biết về cô Ma từng chút từng chút một, từ việc cô từng bị tạm giam vì đánh học sinh (dù đó không phải như những gì mọi người nghĩ) hay việc cô thường mặc đồ đen kín bưng để che đi những vết sẹo lớn.
Dù không nói rõ ràng ra nhưng nội dung phim cũng phần nào tiết lộ, những vết sẹo đó hình thành khi đứa con trai duy nhất của cô Ma qua đời. Có thể đó là vết sẹo vì bỏng nhưng lại là tình tiết khiến người xem đồng cảm hơn với cô Ma. Dù cho phim chẳng bao giờ xuất hiện cảnh gợi nhớ về quá khứ của cô hay chỉ là một tấm ảnh về thời xưa ấy. Chúng ta chỉ biết, cô ấy từng làm mẹ và rồi bắt đầu sự nghiệp dạy học. Thực tế, tình cảm của cô ấy dành cho những đứa trẻ luôn ẩn hiện dưới vẻ lạnh lùng, xa cách kia.
Có những chi tiết trong tác phẩm này gợi nhớ đến bộ phim truyền hình Nhật Bản Jyoou no Kyoushitsu – nguyên tác của Lớp học của nữ hoàng. Ở vị trí nhân vật nữ chính, cô ấy dường như không thay đổi gì nhiều hay trải qua bất cứ biến động tâm lý nào trong khi các học sinh của cô lại ngày một phát triển hơn. Đến tận tập cuối cùng, cô Ma vẫn sống đúng với tính cách cùng con người thật chứ không đột ngột "hô biến" bản thân thành một người phụ nữ ấm áp, dịu dàng mà khán giả nào cũng thích.
Dẫu vậy, không cần cô ấy phải thể hiện nhiều, khán giả đều nhìn thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của cô Ma đến những học trò của mình. Rất khó để giải thích chúng thành lời bởi cô Ma ít khi thể hiện cảm xúc ra ngoài mặt. Thế nhưng, chúng vẫn được truyền tải đến khán giả một cách vô cùng tinh tế qua từng tập phim.
Học sinh
Lớp học của nữ hoàng quả thực đã thành công trong khâu tuyển chọn khi tuyển mộ được những gương mặt sáng giá nhất, đảm nhận những vai diễn phức tạp. Bởi bộ phim này yêu cầu rất khắt khe về sự tương tác giữa các bé, do đó, nếu diễn xuất không tốt sẽ khiến tác phẩm này thất bại. Nhưng nhhững gì mà dàn diễn viên nhí thể hiện trên màn ảnh nhỏ quả thực vượt xa kỳ vọng của người xem.
Dù khán giả đã được làm quen với hầu hết các học sinh trong lớp của cô Ma, nhưng bộ phim gần như chỉ xoay quanh 4 em nhỏ - những người ban đầu không thân thiết với nhau rồi lại cùng nhau xây dựng một tình bạn bền chặt. Đó lần lượt là Shim Hana (Kim Hyang Gi) – một cô bé vui tươi thuộc nhóm học sinh trung bình, Kim Seo Hyun (Kim Sae Ron) - một học sinh giỏi của lớp nhưng lại không mấy hoà đồng, Dong Gu (Chun Bo Geun) - một học sinh cá biệt, bị mẹ bỏ rơi và phải mang phận trẻ mồ côi và Eun Bo Mi (Seo Shin Ae) – một cô bé trầm lặng và cô đơn trong lớp học.
Một trong những điểm đặc biệt của bộ phim này nằm ở chỗ, chúng ta có thể theo dõi những điều xảy ra trong cuộc sống của từng nhân vật nhí cùng bố mẹ các em. Nhìn vào đấy, chúng ta có thể thấy tính cách của chúng được xây dựng nên trong hoàn cảnh như thế nào và lý giải được nguồn gốc tạo nên thái độ, cách hành xử của chúng tại trường học.
Vấn đề của Dong Gu xuất hiện khá sớm trong bộ phim. Cậu bé bị bắt nạt bởi những học sinh lớp trên ở trường khác. Khi cậu bé xin cô Ma một lời khuyên, cô đã nói nếu Dong Gu không dám đánh lại chúng, vậy thì hãy đầu hàng đi. Nhưng việc đầu hàng ở đây mang ý nghĩa, Dong Gu phải liều mạng để sự can đảm của cậu bé chiến thắng sự hèn nhát của đám bắt nạt mình.
Cuối cùng, Dong Gu đã làm theo lời khuyên của cô Ma, chịu mọi đau đớn cho đến khi màn trừng phạt kết thúc. Lo rằng nếu chỉ cần đánh thêm một cú nữa là Dong Gu sẽ chết, lũ côn đồ nhí bắt đầu khiếp sợ và buông tha cho cậu. Dong Gu đã giành được chiến thắng dù đổi lại là một cơ thể đầy những vết bầm tím, máu me.
Điều đáng để nói ở phân đoạn này là cô Ma đã theo dõi toàn bộ quá trình Dong Gu bị bắt nạt nhưng lại không hề ra tay giúp đỡ cậu bé. Quả thực, không một giáo viên nào lại chỉ đứng nhìn và để mặc học sinh của mình bị đánh. Thế nhưng, kết quả cuối cùng thì Dong Gu đã không bao giờ bị bắt nạt nữa. Đây cũng là một trong những bài học đầu tiên nằm trong phương pháp giảng dạy của cô Ma.
Cách dạy dỗ của cô Ma liệu có đúng đắn hay không phụ thuộc vào cách nhìn nhận của khán giả và những học sinh trong phim. Mọi chiến thuật của cô Ma đều nhằm vào việc phát triển tính cách cùng suy nghĩ của mỗi đứa trẻ, dù có lúc chúng có vẻ như thật tàn khốc: Đẩy mỗi em học sinh vào tình thế khó khăn nhất trước khi quyết định ra tay giúp đỡ. Bởi lẽ, chỉ khi bọn trẻ đối diện với sự sợ hãi thì chúng mới có thể nhận ra rằng, mình phải thay đổi để trở nên tốt hơn.
Trưởng thành
Qua từng bài học nhỏ, người xem dần cảm nhận rằng, cô Ma yêu những đứa trẻ đó hơn bất cứ điều gì, dù chúng là đối tượng bị cô chế nhạo hay đe dọa bằng tập tài liệu liên quan đến cuộc sống của chúng mà cô bí mật điều tra. Cô Ma thậm chí còn hiểu từng đứa trẻ hơn cả cha mẹ chúng. Đây là điều đáng được trân trọng bởi cuộc sống sau này của bọn trẻ còn quan trọng hơn việc chúng luôn răm rắp nghe lời phụ huynh.
Trong suốt bộ phim, lý do khiến cô Ma yêu cầu bọn trẻ phải nghe lời là vì, cô muốn gây áp lực để chúng tìm thấy được bản thân chứ không chỉ sống vì lý tưởng của cha mẹ. Nhờ vậy, lũ trẻ có được sự dũng cảm để bảo vệ chính mình và trưởng thành với ước mơ của chúng thay vì trở thành người mà bố mẹ muốn sau này.
Phương pháp này khiến cô Ma bị đưa vào danh sách đen của mẹ bé Nari. Bà ta đã điều tra quá khứ của cô Ma và phanh phui những mảng tối trong đó ra cho mọi người biết. Tình tiết này phản ánh phần nào hiện thực cuộc sống, khi phương pháp giảng dạy của một giáo viên không nhận được sự đồng tình của phụ huynh dù quả thực, nó đã giúp các em học sinh phát triển.
Chỉ những em học sinh trong lớp mới biết cô Ma đã giúp chúng những gì. Điều đó đã khích lệ bọn trẻ đứng lên bảo vệ cô thay vì phản đối cô như trước kia. Tuy nhiên, cũng rất khó để thuyết phục người khác rằng, người giáo viên từng suýt khiến bạn tự tử kia thực ra chỉ đang dùng một cách thức khác biệt nhằm giúp bạn!
Nếu có thể chọn một khoảnh khắc ấn tượng nhất của cô Ma trên màn ảnh, hẳn người xem sẽ không ngần ngại chọn cảnh Hana tình cờ nhìn thấy cô đứng ngoài một quán karaoke. Bởi nhóm chống đối đã thất bại trong việc theo dõi cô Ma trước đó, và vì chúng chỉ biết về cô ở trường cũng như hoàn toàn mù mịt về cuộc sống của cô ngoài giờ lên lớp. Không một ai bao gồm cả Hana có thể đoán được lý do khiến cô Ma đứng đợi bên ngoài một tụ điểm ăn chơi về đêm.
Bởi vẻ ngoài của cô hoàn toàn đối nghịch với địa điểm mà cô đang đứng, Hana nghe thấy những người phục vụ nói rằng, cô Ma chắc đang chuẩn bị “bắt gian”. Nhưng lý do thực sự lại hoàn toàn ngược lại – cô Ma tìm gặp một cô tiếp viên quán karaoke trước giờ cô ta bắt đầu làm việc. Người phụ nữ đó chính là mẹ của Dong Gu.
Thật ra, cô Ma biết chuyện Dong Gu có thể phải trở lại trại trẻ mồ côi. Do vậy, cô đã tìm mẹ của Dong Gu và thuyết phục cô ta phải có trách nhiệm với con trai mình. Không chỉ vì lý do đó, cô Ma đến quán karaoke hàng đêm và chờ đợi bởi cô thật lòng yêu thương Dong Gu. Và vì tình yêu bao la dành cho học sinh đó, cô sẵn sàng dành tất cả thời gian rảnh rỗi của mình để giúp đỡ chúng. Tình cảm ấy còn lớn đến mức khiến cô Ma nắm chặt bàn tay của một học sinh cô đơn đang có ý định tự tử, nói rằng nếu cô không thể ngăn hành động này của cậu bé, vậy thì cô sẽ không để cậu bé phải chết một mình.
Kết:
Nhìn chung, Lớp học của nữ hoàng là một bộ phim cảm động và mang đến cảm giác ấm áp, đến mức nếu phải viết cả nghìn chữ để chỉ ra những điểm sáng của nó, có lẽ là không đủ. Có những bài học về cuộc sống trong phim thực tế đến mức, chúng đã vượt qua cả giới hạn của một tác phẩm truyền hình và khiến người xem cảm thấy tâm đắc.
Trích lời của cô Ma trong bài học cuối dành cho những học sinh của cô: “Đừng lãng phí ngày hôm nay của các em để lo sợ những điều sẽ xảy đến trong tương lai. Đừng sợ hãi với việc bản thân mình mắc lỗi. Trên tất cả, hãy làm điều khiến các em cảm thấy hạnh phúc”.