Khu du lịch được đầu tư với kinh phí "khủng" nhưng bị bỏ hoang suốt 15 năm. Giờ đây nơi này có thể sẽ được "hồi sinh".
Một trong số đó chính là công viên nước hồ Thuỷ Tiên được đưa vào phục vụ du khách từ năm 2004 khi chưa hoàn thiện, thế nhưng không rõ vì lý do gì, chỉ khoảng nửa năm sau khu vực này đã bị bỏ hoang. Giờ đây đã 15 năm trôi qua, công viên nước này đã nhuốm màu hoang tàn của thời gian.
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km về hướng Tây Nam, tọa lạc trên ngọn đồi Thiên An, hồ Thủy Tiên (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là một trong những công viên nước bỏ hoang ghê rợn nổi tiếng trên thế giới, đã được công nhận bởi báo chí nước ngoài từ năm 2016.
Khu du lịch Hồ Thủy Tiên được đầu tư xây dựng từ đầu năm 2000-2006 nhưng các dự án hoạt động không hiệu quả. Năm 2004, Công ty Du lịch Cố đô đầu tư dự án khu vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên với diện tích 495.929 m2 cùng các công trình trên đất với số vốn hơn 70 tỷ đồng. Đến năm 2008, Công ty Du lịch Cố đô đã chuyển nhượng cho Công ty TNHH Haco Huế làm chủ đầu tư với kinh phí 270 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, công trình khu vui chơi vẫn không được hoàn thành. Năm 2011, nơi đây chính thức đóng cửa để nghiên cứu lập dự án mới, khu công viên nước này cũng không có ai quản lý, trông coi từ đó.
Dù bị bỏ hoang nhưng những công trình còn dang dở vẫn tạo nên cảm hứng cho các bạn trẻ tới đây chụp ảnh. Không chỉ thu hút khách du lịch Việt Nam mà nhiều du khách quốc tế cũng hào hứng khi tới nơi này. Vẻ cũ kỹ ám màu thời gian với phong cách kinh dị giúp những tấm hình trở nên huyền ảo hơn bao giờ hết.
Ngày 10/5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết tỉnh này đang lên kế hoạch cải tạo, xây dựng lại hồ Thủy Tiên (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) thành khu công viên văn hóa phục vụ cộng đồng, không gian sáng tạo đương đại, công viên vườn tượng.
Trong buổi kiểm tra khu vực hồ Thủy Tiên, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng việc hồ này bị bỏ hoang như hiện nay là một sự lãng phí. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần sớm hoàn thành việc xử lý tài sản trên đất để triển khai dự án đầu tư phù hợp. Theo đó, dự án cần tập trung khai thác tuyến đường đi bộ, nuôi thú, dịch vụ xe đạp thông minh gắn với một số hoạt động thể thao, vui chơi thưởng ngoạn cho du khách.