Lê Duy bước vào đời bằng nghiệp diễn cải lương, rồi dòng đời đẩy đưa chị đến với con đường ca hát. Sau này, khi buộc phải rẽ lối sang nghề trang điểm thì Lê Duy vẫn nặng lòng với tiếng nhạc.
Lê Duy bước vào đời bằng nghiệp diễn cải lương, rồi dòng đời đẩy đưa chị đến với con đường ca hát. Sau này, khi buộc phải rẽ lối sang nghề trang điểm thì Lê Duy vẫn nặng lòng với tiếng nhạc.
Lê Duy tên thật Nguyễn Trường Duy. Quê Tây Ninh, hiện sống tại Hà Nội. Chị bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 1994 đến năm 2001 thì tạm dừng. Năm 2000 chị bắt đầu rời TP.HCM ra Hà Nội lập nghiệp với nghề ca hát và sau đó là nghề trang điểm. Tháng 4/2006 chị bắt đầu qua Thái Lan chuyển giới và đến tháng 5 về lại Việt Nam.
Chị đã từng trang điểm cho rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong showbiz, trong đó có Hoa hậu Mai Phương Thúy, Ngọc Hân, Á hậu Tú Anh, người đẹp Hồng Quế, ca sỹ Long nhật, Lâm Chí Khanh, Thúy hằng – Thúy Hạnh, Vũ Thu Phương, Hoàng Yến… Chị đồng thời cũng là chuyên gia trang điểm của chương trình truyền hình thực tế “Bước nhảy hoàn vũ” trong nhiều năm qua.
Tự truyện “Cung đàn lỗi nhịp” được Lê Duy ấp ủ từ sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính thành công từ Thái Lan trở về. Và phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục chị mới được nhà báo Hà Tùng Long nhận lời chấp bút. Cuốn tự truyện dự kiến dài khoảng 38 chương và sẽ ra mắt độc giả vào tháng 4/2014.
Dưới đây là trích đoạn lời giới thiệu của người chấp bút cuốn Cung đàn lỗi nhịp:
Khi nhận lời chấp bút cho cuốn tự truyện của Lê Duy tôi đã hết sức đắn đo và cân nhắc. Cân nhắc không phải vì sợ cuộc đời chị không đủ nước mắt để tôi viết nên một cuốn tự truyện đúng nghĩa. Càng không phải vì tôi sợ mình không đủ bút lực để vẽ lại cuộc đời chị bằng ngôn từ hay cảm xúc.
Tôi sợ, tôi sẽ miên man trong nỗi buồn của cuộc đời chị không thoát ra được. Tôi vẫn hay vậy, vẫn hay bị ám ảnh bởi nỗi buồn của người khác. Nỗi buồn vốn dĩ đã đáng sợ, nỗi buồn của một người trót mang bi kịch “bê đê”, “bóng lộ”, “chuyển giới” lại càng thảm não hơn. Cái bi kịch khởi nguồn từ sự trớ trêu của tạo hóa. Cái bi kịch được đong đếm và thấu cảm bằng muôn vàn sự xa lánh, kỳ thị và đơn độc trong thế giới loài người. Cái bi kịch được kết lại từ “hằng hà sa số” nỗi buồn đắng chát, cái “thể loại” nỗi buồn khó hiểu đến mức, mỗi khi buồn người ta lại càng phải đến gần với nó hơn bao giờ hết.
Lê Duy sau khi chuyển giới.
Và đúng như tôi dự đoán, tôi đã không ít lần rơi nước mắt khi nghe những dòng tâm sự về quãng đời mà Lê Duy “chiếu” lại như một thước phim chiếu chậm. “Chiếu” lại bằng tâm thế của một người đàn ông may mắn được công nghệ y học hiện đại “hô biến” thành “đàn bà” như bản năng và định mệnh. “Chiếu” lại bằng nỗi niềm và xúc cảm của một người “đàn bà” đang dần quen với cuộc sống “đàn bà”. Mỗi một lời kể của Lê Duy về cuộc đời như đưa tôi chìm trong cơn “co thắt” của tâm can rồi lại “giãn nở” trong nụ cười vui sướng. Đó cũng là lý do khiến tôi say sưa viết hết chương này đến chương khác của tự truyện mà không muốn dừng lại bởi dừng lại tôi sợ cảm xúc sẽ “bốc hơi” đi ít nhiều.
Tôi mừng vì cuốn tự truyện của Lê Duy cuối cùng cũng dừng ở điểm “sáng” nhất của cuộc đời. Và chúng tôi cũng đã mang được một mảng, một góc, một mẩu… bé nhỏ trong thế giới nhiều nước mắt thiếu nụ cười ra cho mọi người cùng thấu cảm. Qua từng con chữ, chúng tôi cũng gửi gắm đầy hy vọng những người như Lê Duy khi đọc cuốn tự truyện sẽ không lặng lẽ, lầm lũi và tự ti khi đi trong thế giới loài người.
Có một kỷ niệm rất đáng nhớ khi gần hoàn thành cuốn tự truyện này đó là để nghĩ ra được tên cho tự truyện cả tôi và Lê Duy đều phải thức trắng 2 đêm liền. Cứ mỗi lần 2 chị em nghĩ ra được một tên nào đó là lại nhắn tin cho nhau qua điện thoại. Lúc đầu, Lê Duy định lấy tên “Hai giới tính, một cuộc đời” là tên album nhạc vàng mới phát hành gần đây nhất của chị để đặt cho cuốn tự truyện của mình. Đây đồng thời là tên một ca khúc do em trai út của Lê Duy viết về chính cuộc đời của chị để tặng cho chị trong ngày chị trở lại với sân khấu ca nhạc sau 10 năm vắng bóng. Tuy nhiên, tôi thấy cái tên đó vẫn chưa toát lên được cuộc đời và số phận của chị vì thế đã quyết định lấy tên “Cung đàn lỗi nhịp”.
Lê Duy bước vào đời bằng nghiệp diễn cải lương, rồi dòng đời nổi trôi lại đẩy đưa chị đến với con đường ca hát. Và cho đến sau này, khi buộc phải rẽ lối sang nghề trang điểm thì Lê Duy vẫn nặng lòng với cung đàn, tiếng nhạc. Nếu soi kỹ, cuộc đời Lê Duy cũng tựa hồ như một “cung đàn” trên cây đàn ấy. Chỉ có điều, “cung đàn" ấy, ngay từ nốt đầu tiên đã bị “lỗi nhịp”. Chính vì lỗi nhịp nên đã phải ngân lên những âm thanh đầy khổ đau, cay đắng và trái ngang. Tuy nhiên, cuối cùng, “cung đàn” cũng đã tìm thấy đúng nhịp của mình và đã cất lên được những giai điệu hạnh phúc.
* Tiếp theo: Chương 1: Nỗi ám ảnh đầu đời.