LGBT - Một Quốc Gia Ẩn Giấu là cuốn sách truyền cảm hứng cho những người LGBT đang đi tìm tiếng nói giải phóng chính mình sẵn sàng kể câu chuyện của mình
Thế giới và Việt Nam đã có nhiều nhiều bước tiến về nhận thức quyền bình đẳng giới, để phụ nữ đã có thể trở thành thủ tướng, bộ trưởng, để những hình ảnh về cộng đồng LGBT+ (người đồng tính, song tính và chuyển giới) được khắc họa đa dạng, văn minh hơn trên những chương trình truyền thông. Nhưng dường như những chính sách và thông điệp bình đẳng giới luôn dừng lại ở ngưỡng cửa từng nhà, khi mọi người thấy dễ chấp nhận hơn nếu đó là “chuyện hàng xóm”, “đâu cũng được, miễn không phải nhà mình”.
Sống thật với bản thân, come-out (bộc lộ xu hướng tính dục) đối với cộng đồng LGBT+ là nhu cầu chính đáng và quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Tuy nhiên, come-out không đơn giản chỉ là một câu nói hồn nhiên: "Ba mẹ, con là người đồng tính/song tính/chuyển giới!". Đây là một thử thách đòi hỏi nhiều kỹ năng phức tạp như: tiếp cận tâm lý, cung cấp chính xác, đầy đủ và dễ hiểu những kiến thức khoa học chính thống, cũng như cách thức vỗ về, giải tỏa những định kiến, hoài nghi, thậm chí thù địch với LGBT của các bậc cha mẹ.
Giữa rất nhiều những tiểu thuyết ngôn tình về tình yêu đồng giới được xuất bản gần đây, cuốn sách LGBT - Một Quốc Gia Ẩn Giấu không mang đến một câu chuyện tình cảm lấy nước mắt người đọc. Thay vào đó, nó chứa đựng một mục tiêu rõ ràng: một cuốn sách khoa học dễ hiểu dành cho phụ huynh và bạn bè của người đồng tính, song tính và chuyển giới, giúp xoá bỏ những định kiến và thông tin sai lệch về LGBT+, cũng như hỗ trợ những người con, người em có thể come-out với gia đình và người thân của mình.
Gói gọn trong 100 trang giấy, LGBT - Một Quốc Gia Ẩn Giấu là đúc kết của một dự án nghiên cứu hơn 2 năm của tác giả trên gần 40 đối tượng mục tiêu. Những tìm hiểu về cơ sở học vấn, nghề nghiệp, đức tin tôn giáo, những chủ đề khó nói, những mối bận tâm, tới hành vi đọc sách của các bậc phụ huynh đều được cân nhắc. Sau đó, tác giả lựa chọn ra cách tiếp cận tâm lý từ tốn nhất, chuyển tải thông tin và kiến thức khoa học theo cách cô đọng và dễ hiểu. Từ đó giải toả từng câu hỏi, nỗi lo có trong đầu của các bậc phụ huynh về người con và cả một thế giới mà họ chưa từng biết.
Thay vì lựa chọn phát triển cuốn sách theo dòng sách kiến thức, tác giả đã lựa chọn phương pháp tiếp cận tâm lý và xây dựng niềm tin. Trên thực tế, các bậc phụ huynh của LGBT luôn tồn tại nỗi sợ hãi khi đề cập, hay mỗi khi nghe tới những từ như “đồng tính”. Họ ngay lập tức khước từ việc đọc hay tiếp cận các chủ đề này.
Vì thế, trong phần khai mở này, tác giả chỉ kể những câu chuyện về con người, thế giới cùng những bước tiến của nhân loại từ Tây sang Đông. Để sau khi đã xây dựng một nền tảng tâm lý đủ vững vàng, tạo dựng niềm tin tưởng và sự đồng thuận từ phía độc giả, thì trong nửa cuối cuốn sách, tác giả mới mở ra và đi vào chủ đề chính với những nội dung cần khai phóng.
Khác với những cuốn sách tập trung khắc hoạ LGBT như trung tâm của mọi vấn đề, người viết nhẹ nhàng đặt LGBT và tiến trình giải phóng LGBT là một phần trong cả hành trình lịch sử giải phóng con người của nhân loại. Cuốn sách mở đầu với chuyến du hành ngược thời gian đế chế La Mã, Ai Cập tới cuộc nội chiến Hoa Kỳ, soi thấu những bất công của người nô lệ da màu khi bị kỳ thị, đã đứng lên phá bỏ gông cùm; rồi gợi dậy sự đồng cảm sâu sắc của độc giả với những người phụ nữ cách đây chỉ vài thập kỷ đã đoàn kết cùng nhau để giành quyền đi học, đi bầu cử, được tự quyết định cuộc đời mình, được lấy người mình yêu và chống lại chế độ hôn nhân sắp đặt.
Ở phần sau cuốn sách, khi độc giả đã hoàn toàn nhập tâm, thấu hiểu cho những đau đớn, dày vò ở vị trí một người da màu hay phụ nữ đang chịu đựng bất công, tự nguyện trở thành một đồng minh trong cuộc cách mạng giải phóng con người này, tác giả mới chỉ ra việc giải phóng LGBT cũng chính là một bước đi không thể phủ nhận của tiến trình lịch sử cả nhân loại đang hướng tới.
Sự thú vị nhất của cuốn sách là lối dẫn dắt hết sức sáng tạo. Bằng sự so sánh khoa học về quy mô, nhân chủng, những nét tương đồng, không đề cao, không giảm bớt, để người đọc nhận ra cộng đồng LGBT ngày hôm nay cũng đang chịu đựng những ngược đãi và kì thị giống như những người phụ nữ và nô lệ da màu phải chịu đựng và đã được giải phóng cách đây vài thế hệ.
Xét về dân số, cộng đồng LGBT đang chiếm gần 525 triệu người, tương đương một quốc gia 7% dân số toàn thế giới. Quốc gia này đông gấp 3 lần dân số nước Nga, gấp 1.5 lần dân số nước Mỹ và gấp 18 lần dân số cả châu Úc. Một quốc gia đông dân thứ 3 trên Trái đất, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Một quốc gia bị áp bức và họ đang lên tiếng đòi lại những quyền bình đẳng cho mình. Không phải một đặc quyền, mà chỉ là những quyền lợi cơ bản nhất của con người như quyền kết hôn, có con, được pháp luật bảo vệ và không bị phân biệt đối xử. Hình ảnh ẩn dụ “Một quốc gia ẩn giấu” cũng xuất phát từ đó.
Cuốn sách có thể sẽ truyền cảm hứng cho những người LGBT đang đi tìm tiếng nói giải phóng chính mình, và cả cho những người phụ nữ, người da màu, người nhiễm HIV, những cộng đồng người thiểu số đang chịu đựng sự bất công khắp nơi trên thế giới sẵn sàng kể ra câu chuyện của mình.