Sau khi ra mắt vào 24/3, "Dạ cổ hoài lang" gây tò mò cho công chúng, một phần bởi nguyên tác của nó đã nổi tiếng suốt hơn 20 năm qua, một phần là vì hai cái tên: Hoài Linh và Chí Tài. Nhưng hơn cả, có rất nhiều điều “nghe nói” xoay quanh càng khiến bộ phim trở nên bí ẩn hơn…
"Dạ cổ hoài lang" gần như là một huyền thoại trên sân khấu kịch Việt Nam với hàng nghìn suất diễn kể từ lần đầu tiên ra mắt vào năm 1994 đến nay. Tuy nổi tiếng là thế nhưng chắc hẳn nhiều khán giả thế hệ 9x, thậm chí là 8x mới chỉ nghe nói đến chứ không mấy người tường tận điều gì đã làm nên sức sống của vở kịch trong hơn hai thập kỷ qua.
Lựa chọn đưa vở kịch này lên màn ảnh rộng, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã cho khán giả trẻ có cơ hội để thấu hiểu sâu sắc nỗi lòng của những người Việt nơi đất khách thông qua hai nhân vật Tư Lành (Hoài Linh) và Năm Triều (Chí Tài).
Trailer Dạ cổ hoài lang
“Nghe nói sống ở nước ngoài cũng không hẳn là hạnh phúc”
Câu chuyện bắt đầu khi ông lão Tư lành trốn khỏi viện dưỡng lão để về nhà con trai chỉ với mong muốn làm đám giỗ cho người vợ đã khuất, bởi hôm nay là ngày mất của bà. Thế nhưng người Mỹ không có văn hóa “đám giỗ” và con trai ông quá bận để có mặt ở nhà, còn cô cháu gái duy nhất lại coi những mong muốn của ông là quái dị.
Hóa thân thành ông Tư Lành, nghệ sĩ Hoài Linh đã khẳng định sự khéo léo của mình qua hơn 90 phút của bộ phim. Xuất hiện trong hình ảnh một ông già đơn độc giữa tuyết lạnh khắc nghiệt ở Mỹ, không hiểu ngôn ngữ, không thông thạo luật pháp và hoàn toàn “lệch pha” về văn hóa, ông Tư Lành dường như hội đủ các yếu tố để dễ dàng “bị cô lập”.
Nghệ sĩ Hoài Linh trong cảnh ông Tư trốn khỏi viện dưỡng lão
Và sự thật là ông đã bị cô lập ngay trong gia đình mình khi mà ông không thể hiểu hết những gì cháu nội muốn nói. Ngược lại, cô cháu gái Mỹ Tâm 18 tuổi cũng không lý giải nổi những gì nội của mình đang làm. Và rắc rối thực sự xảy ra trong ngày ông Tư Lành trốn viện về nhà.
Tâm đã làm một chiếc bánh dự định để mừng sinh nhật cậu bạn trai của mình thế nhưng nội cô – ông Tư Lành – đã lén lút dùng chiếc bánh để cúng cho bà nội cô. Chuyện đáng lẽ chẳng có gì nhưng nó lại là ngòi nổ để bao ấm ức, kìm nén của cô cháu gái bật ra và từ đó, những sự thật hé lộ khiến ông Tư ngỡ ngàng.
Diễn viên Trish Lê trong vai Mỹ Tâm – cháu nội ông Tư Lành
Xem đến đây, chắc chắn nhiều người đọc sẽ bật khóc bởi những xót xa dành cho một ông Tư già cả, đơn côi giữa một đất nước xa lạ. Đáng lẽ ông đã bỏ lại quê hương để sang đây đoàn tụ với con cháu thì ông phải được sung sướng với vật chất no đủ và hạnh phúc trong một xã hội hiện đại như ở Mỹ, chứ tại sao lại phải chật vật khổ sở đến thế?
Người Việt Nam ta thường sính ngoại, ai ai cũng nghĩ rằng được ra nước ngoài học tập, lao động và sinh sống là cả một giấc mơ hạnh phúc. Nhưng sự thật của giấc mơ không phải lúc nào cũng là màu hồng mà số phận của ông Tư trong “Dạ cổ Hoài Lang” là một ví dụ.
“Sao bảo phim buồn lắm mà?”
Ấn tượng đậm nét mà bộ phim để lại trong suy nghĩ người xem là hai mảng màu trắng xám của tuyết và màu nắng vàng tươi của trời hè Việt Nam. Trên nền hai màu chủ đạo này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng như tái hiện lại cả một đời người của hai người bạn già - Tư Lành và Năm Triều.
Mở đầu phim là những ngày thành phố phủ một màu trắng của tuyết và băng giá, hai ông già lạc lõng giữa công viên không bóng người, nhìn bầy vịt giữa hồ mà tưởng tượng ra đàn vịt quê ngày xưa.
Ông Năm vốn là bạn nối khố từ bé với ông Tư, rồi họ lại cùng nhau theo con cháu đến đất nước này. Trong cả thành phố với những con người xa lạ, thật may là ông Tư cũng có ông Năm để bầu bạn và kể với nhau về những ngày xưa.
Quê hương Việt Nam đầy màu sắc hiện lên qua kí ức của hai nhân vật chính
Qua lời kể của hai ông lão, quê hương Việt Nam hiện lên với những mảng màu tươi sáng: khi thì là nắng vàng rực rỡ, khi lại là cánh đồng bát ngát xanh, có lúc lại là dòng kênh trong mát soi bóng giữa những trưa hè oi ả… Những kí ức đó như những bức tranh sống động, đầy màu sắc rực rỡ.
Hồi ức đẹp mười phần thì lại càng làm nỗi hiu quạnh ảm đạm của hiện thực nhân lên trăm lần. Và nó thực sự trở thành một nỗi ám ảnh đến “thắt tim” khi người xem chứng kiến ông Năm đưa người bạn già yếu của mình lên nóc một tòa nhà giữa đêm đông lạnh buốt, chỉ để chờ nhìn thấy “một chữ S của tôi”.
Chỉ những người xa quê mới hiểu khao khát được trở về nó cháy bỏng đến nhường nào. Và với hai người già như ông Tư và ông Năm, được trở về quê hương dường như là một giấc mơ “không biết đến khi nào” mới thực hiện được.
Ông Năm và ông Tư thời trẻ do Will 365 và Đình Hiếu thể hiện
Nỗi buồn, nỗi nhớ quê nhà là cảm xúc thường trực trong “Dạ Cổ Hoài Lang” nhưng điều khiến người xem buồn hơn cả phải là những nuối tiếc dành riêng cho ông Tư. Ông chỉ có một người con duy nhất nhưng đã sớm ra nước ngoài định cư.
Nửa đời người cha con xa cách, đến những bên kia dốc cuộc đời, khi đã vượt cả nửa vòng Trái đất để đến với con thì sự chờ đợi ông vẫn chỉ là những nỗi cô đơn và tổn thương. Nhưng dù vậy, ông vẫn dành cho con, cho cháu một sự bao dung vô cùng và một tình yêu thương vô bờ bến.
Những số phận như ông Tư không phải hiếm, nhưng bộ phim cũng là lời nhắc nhở với mỗi chúng ta về sự hữu hạn của thời gian mà ba mẹ có cho chúng ta. Chúng ta có thể còn cả đời để sống cho riêng mình nhưng còn được bao nhiêu thời gian cho ba mẹ?
“Hãy đi xem bộ phim này với một người bạn thân!”
Đây chính là lời khuyên sau cùng dành cho những ai chưa xem “Dạ cổ hoài lang”. Hãy xem để học cách trở thành những người bạn tuyệt vời như ông Năm đã làm bạn của ông Tư trong suốt cả đời người.
Đôi bạn thân suốt cả một đời
Ông Năm do nghệ sĩ Chí Tài thể hiện là một nhân vật vừa hài hước mà cũng vừa sâu sắc. Những đoạn đối thoại ăn ý giữa hai nghệ sĩ thể hiện đã mang đến không ít tiếng cười cho khán giả đến rạp, đồng thời giúp câu chuyện trở nên bớt nặng nề hơn.
Trong phim, hai người họ sinh ra ở cùng một nơi nhưng nhà ông Năm ngày ấy thì giàu nhất nhì cả vùng, trong khi nhà ông Tư là chẳng có gì. Ấy vậy mà họ vẫn cùng lớn lên bên nhau, rồi cùng yêu cô Út ở làng. Không những thế, ông Năm còn là người ngỏ ý với gia đình cô Út trước, nhưng khi phát hiện ra tình cảm của bạn mình, ông Năm đã đau khổ từ bỏ. Còn ông Tư, cũng nhờ bài “Dạ cổ hoài lang” mà cưới được cô Út về làm vợ.
Vai ông Năm do nghệ sĩ Chí Tài thể hiện
Dù cảnh phim chỉ diễn ra rất ngắn qua đoạn hồi ức của ông Năm sau này, nhưng như vậy cũng đủ để khán giả hiểu được những hi sinh âm thầm mà ông đã dành cho người bạn thân của mình. Có lẽ không phải ai cũng rơi vào hoàn cảnh lựa chọn giữa tình bạn và tình yêu như ông Năm nhưng điều quan trọng mà bộ phim muốn nói, đó là chúng ta đặt bạn bè của mình ở đâu trong trái tim và cuộc sống của chính mình?
Dạ cổ hoài lang hiện đang công chiếu rộng rãi trên toàn quốc.