Theo biên kịch Nguyễn Trung Dũng chia sẻ thì nhiều nhân vật trong “Người phán xử” gần như khác xa kịch bản gốc.
Là một biên kịch có tiếng trong làng phim Việt, Nguyễn Trung Dũng được biết đến với những phim đề tài hình sự nổi bật như Mặt nạ hoàn hảo, Đầm lầy bạc và Câu hỏi số 5. Mới đây, anh cũng là người chịu trách nhiệm Việt hóa kịch bản “Người phán xử” từ phiên bản Israel có tựa đề The Arbitrator/ Ha-Borer.
Biên kịch Nguyễn Trung Dũng. (Ảnh: Tiền Phong)
Được biết, Người phán xử mất một năm để chỉnh sửa kịch bản, phim được Việt hóa khoảng 50%. Với kịch bản kế thừa Israel, Người phán xử có lối kể truyện hơi khác lạ so với chuẩn thông thường của phim Việt . Một số câu thoại được sáng tạo riêng và khác biệt nhiều với cách đối thoại của kịch bản gốc.
Trong một bài chia sẻ mới đây với báo chí, Nguyễn Trung Dũng đã hé lộ nhiều bí mật xung quanh quá trình viết kịch bản cho Người phán xử, công việc mà anh mô tả là “tình nguyện gặm gân gà”.
Ở khoản Việt hóa nhân vật, Nguyễn Trung Dũng đặt nhiều kỳ vọng vào Phan Hải - tức Người phán xử đời thứ hai. Là mô phỏng của vai “Sonny” Corleone trong tác phẩm kinh điển Bố già / The Godfather nhưng cậu quý tử của tập đoàn Phan Thị lại phát triển theo hướng mà nói như giới trẻ vẫn gọi là “đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm”. Hải “thái tử” con ông cháu cha, nhà có điều kiện nên thiệt thòi từ nhỏ vì cái gì cũng bị người khác giành làm hộ hết, kể cả việc nghĩ ngợi.
Không chỉ là hậu duệ mà còn có cả tiền tệ lẫn quan hệ nên Hải cứ vô tư làm “thánh phá game” và trở thành đứa con khiến ông trùm Phan Quân đau đầu hơn cả. Đã thế, sau khi đọc xong kịch bản, diễn viên Việt Anh còn thổi hồn cho nhân vật này tính “ngáo đá” khiến khán giả cứ nhìn mặt anh là muốn cười.
Nói về điều ấy, Trung Dũng hóm hỉnh “bào chữa”: “Lỗi tại ai đó không chịu báo trước với tôi rằng Việt Anh có khiếu diễn hài đến thế.”
Về “cánh già” trong phim như Phan Quân, Lương “bổng” hay Thế "chột, ngoài việc thêm thắt đôi chút sự nhanh nhạy của người Việt thì tính cách bộ ba này không có thay đổi so với bản gốc. Tuy nhiên, phải biết rằng ngoại hình Lương “bổng” trong kịch bản gốc để đầu trọc, trông rất lực lưỡng dũng mãnh.
Bởi thế khi biết vai này được giao cho NSƯT Trung Anh, biên kịch Trung Dũng thật sự ngạc nhiên. Nhưng khi phim lên sóng rồi thì anh mới gật gù thừa nhận đạo diễn có lý.
Trung Anh diễn mà như không diễn, thoải mái biến “ngài lương lậu bổng lộc” dữ dằn kia ra người nhẹ nhàng như chính anh. Nhưng con người vốn vẫn hay “vô hình” sau lưng Người phán xử này hễ bước lên phía trước là y rằng khiến đối thủ phải giật bắn mình.
Khó sáng tạo nhất với biên kịch chắc hẳn là nhân vật Lê Thành của Hồng Đăng. “Trong bản gốc anh này là nhân viên xã hội -nghề đó ở ta không có nên phải ép vào làm chuyên viên tư vấn tâm lý. Nghề này ở mình cũng ko thịnh lắm nên tương đối gượng, tuy nhiên liên quan đến việc tư vấn cho Phan Quân, Thế “chột”, Diễm My. Tôi cũng cố gắng viết sao cho xuôi và mang ít nhiều tính học thuật”, Trung Dũng chia sẻ.
Trên hết, sự khác biệt giữa văn hóa tín ngưỡng là vật cản chủ yếu trong hành trình biến một câu chuyện của người Do Thái thành chuyện của người Việt. Nguyễn Trung Dũng dở khóc dở cười mô tả một tình huống như sau trong phim gốc: “Dân Israel quen sống giữa phân tranh lãnh địa nên luôn giữ lời hứa trong túi và niềm tin trên đầu.
Họ đã tạo ra thứ phim ảnh quái quỷ gì mà đến đúng cao trào đòi súng đạn lại buông câu: “Chính anh đã hứa. Tôi có ép buộc anh đâu? Giờ là vấn đề giữa anh, lương tâm của anh và Chúa” rồi xong, ai về nhà nấy. Mình mà bệ nguyên về nhà như thế chắc chắn khán giả sẽ mắng cho to mặt. Trong thời buổi hợp đồng kinh tế mực xanh dấu đỏ còn bị quỵt nợ ầm ầm nữa là lời hứa."
Bên cạnh đó, anh cũng không quên chia sẻ: “The Arbitrator của Israel có 4 mùa phát sóng, mỗi mùa hơn 10 tập, trong đó hai mùa cuối rối rắm, thiếu định hướng và nặng yếu tố sex hơn.” Trước một số thắc mắc về cái kết Người phán xử liệu có hậu hay không, biên kịch khẳng định “dân giang hồ tự phán xử lẫn nhau, gây ác phải đền tội, tham vọng sẽ tự hại mình”.
Theo lịch, Người phán xử tập 36 sẽ phát sóng vào tối mai trên kênh VTV3.