Đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã có nhiều chia sẻ về hai dự án phim điện ảnh và phim truyền hình về Kiều của mình.
Clip đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói về phim Thương nhớ ở ai
Lưu Trọng Ninh là đạo diễn sở hữu nhiều bộ phim nổi tiếng như: Hoa cỏ may, Bến không chồng, Ngã ba Đồng Lộc, Thương nhớ ở ai... Những bộ phim của anh được đồng đảo mọi người đón nhận bởi kịch bản hấp dẫn, cảnh phim đẹp mắt và đậm tính nhân văn. Sau thành công của Thương nhớ ở ai ở Cánh diều vàng 2017, Lưu Trọng Ninh lại tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn của khán giả với dự án phim điện ảnh và phim truyền hình về Thúy Kiều.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Lưu Trọng Ninh đã có nhiều chia sẻ thú vị về những ấp ủ và dự định của mình đối với hai dự án này.
Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh (ngoài cùng bên phải) và đạo diễn Lưu Trọng Ninh (đứng ở giữa) cùng thực hiện bộ phim "Thương nhớ ở ai".
- Được biết anh có dự định làm cả phim điện ảnh và phim truyền hình về Kiều, hai dự án này sẽ được tiến hành song song hay có khoảng cách về thời gian?
Hai bộ phim này là hai dự án độc lập, không chung diễn viên, không chung ê kíp nhưng sẽ được quay song song bởi vì chung một bối cảnh và phim điện ảnh sẽ ra trước.
- Tìm một nàng Kiều đã khó, giờ đây anh phải tìm tới hai nàng Kiều thì có quá khó khăn?
Mỗi câu chuyện sẽ truyền tải một nội dung khác nhau và có sự khác biệt. Tôi chưa bàn việc sẽ có một Kiều hay hai Kiều ở đây nhưng không có việc lấy câu chuyện truyền hình sang điện ảnh.
Dù thế nào, Kiều của tôi vẫn sẽ mang vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và vẻ đẹp tinh thần của cô ấy phải mang hơi hướng của ngày nay chứ không phải tinh thần của cách đây 300 năm. Con gái nay và con gái ngày xưa khác nhau nhiều lắm.
Phụ nữ ngày xưa nhuộm răng đen, bé nhỏ, không có sức vóc và tinh thần mạnh mẽ như ngày nay. Mà tôi thì không làm phim lịch sử, cũng chẳng nhằm dạy dỗ ai vì vậy nhân vật của tôi phải gần với thẩm mỹ của ngày nay.
- Những người yêu thích truyện Kiều sẽ có một hình mẫu Kiều lý tưởng trong lòng mình, anh có thấy áp lực vì việc này?
Quan trọng nhất của bộ phim là thể hiện được mong ước của mọi người và thỏa mãn một phần nào đấy mong ước của họ. Đương nhiên, tôi không thể thỏa mãn tất cả mọi người được. Mỗi người sẽ có một hình dung về Kiều khác nhau vì Nguyễn Du để lại rất nhiều khoảng trống cho mọi người tưởng tượng.
Còn về ngoại hình cụ thể cho Kiều, thú thật tôi chưa hình dung được vì mỗi người có một vẻ đẹp khác nhau. Ví dụ, tôi gặp cô diễn viên này, tôi có vẻ thích. Nhưng ngày mai gặp một người khác có vẻ đẹp khác, tôi lại thích hơn chẳng hạn. Nên tôi chưa thể hình dung được vì vẻ đẹp không có một mẫu số chung, một tiêu chuẩn chung.
Việc chọn Kiều phần nhiều là do may mắn. Vì khi tôi thích một diễn viên nào đó thì vẻ ngoài của cô ấy là do bố mẹ sinh ra. Tôi chỉ thừa hưởng những gì bố mẹ và đời sống đã tạo nên cô ấy.
Tôi không thể tự vẽ lên hay dùng một tấm ảnh để đi tìm Kiều rồi ép người ta phải giống như yêu cầu của mình được. Tôi chỉ đi tìm trong cuộc sống muôn màu, một người có vẻ đẹp phù hợp nhất với câu chuyện, ý tưởng của mình. Tôi chỉ đang thừa hưởng lại những gì nhân vật đó đang có mà thôi.
- Liệu anh đã gặp được người sở hữu vẻ đẹp phù hợp với Kiều của mình?
Trong ký ức của tôi đã từng có. Thỉnh thoảng đã từng gặp hay đã từng thấy nhưng có thể 3 ngày sau gặp người khác, tôi lại thay đổi suy nghĩ và quan điểm của mình. Đến hiện tại, tôi vẫn đang đi tìm người tốt nhất. Hành trình đi tìm nàng Kiều của tôi sẽ còn kéo dài đến trước cả ngày quay.
Theo tôi, Kiều nhất định phải đẹp nhưng cái đẹp tinh thần quan trọng hơn cái đẹp hình thức. Giữa 2 cái đó, tôi nghĩ rằng tỉ lệ là 6 - 4. Kiều có thể ban đầu nhìn chưa được xinh lắm nhưng càng xem khán giả sẽ càng bị cuốn hút bởi sức quyến rũ, năng lượng tinh thần mạnh mẽ.
- Kịch bản phim Kiều liệu có trung thành với nguyên tác của Nguyễn Du?
Nguyễn Du đã dùng những vần thơ hay nhất để biến một câu chuyện của Trung Quốc thành câu chuyện của mình, biến nhân vật ấy trở thành nhân vật mang tâm hồn Việt. Tôi không thể nào đứng ra ngoài Nguyễn Du được. Tôi phải cố gắng để các nhân vật thấm đẫm tâm hồn Việt.
Tuy nhiên, thơ và điện ảnh là hai câu chuyện khác nhau. Hơn nữa, giờ đây, suy nghĩ mọi người đã đổi khác.
Nếu Kim Trọng đến tìm và biết Thúy Kiều đã bán mình chuộc cha, rồi lại lấy ngay Thúy Vân mà không đi tìm tiếp thì khán giả có thể chấp nhận được không? Hay Thúy Vân cứ điềm nhiên mà lấy người thương của chị mình thì cũng rất khó chấp nhận. Câu chuyện và suy nghĩ của ngày xưa tới nay đã có nhiều điểm không còn phù hợp nên phim của tôi phải mang hơi thở của ngày nay, không thể hoàn toàn trung thành với nguyên tác.
Tôi chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là chạm vào những tinh thần và cái hồn trong câu thơ của Nguyễn Du. Và Nguyễn Du để cho chúng ta rất nhiều khoảng trống để sáng tạo. Ví dụ: đời sống, công việc của Thúy Kiều, những người bạn của Thúy Kiều nơi lầu xanh... Người ta muốn thấy hình bóng của Kiều trên phim là một chuyện nhưng họ cũng muốn được thấy đời sống Việt một thời như thế nào. Tôi sẽ đưa phim Kiều về đúng đời sống Việt.
Từ trước đến nay, người ta vẫn xem Kiều là "quốc hồn quốc túy". Đây là một tình thế khó cho người làm về Kiều. Tuy nhiên, tôi mong rằng mọi người hãy nhìn thoáng hơn. Hãy để điện ảnh là điện ảnh, nó đơn thuần chỉ kể một câu chuyện mà thôi.
Tại sao tôi lại không thể sáng tạo Kiều là một cô gái 16 tuổi ngây thơ chạy chân trần trên đất? Tại sao Kiều lúc nào cũng phải khóc, Kiều của tôi có thể mạnh mẽ đối đầu với mọi chuyện thì có được không?
Tại sao thông minh như Kiều mà vẫn bị Sở Khanh lừa? Vì Sở Khanh cần phải có điểm đáng yêu để được Kiều yêu, hắn chỉ hèn nhát ở phút cuối khi bỏ Kiều mà đi.
Tại sao Thúy Vân lại không có quyền được yêu đương, cô ấy có quyền được khát khao chứ. Câu chuyện trao duyên vẫn sẽ là trao duyên nhưng tâm lý của Thúy Vân khi đó cần được chúng ta khai thác thấu đáo hơn...
Nguyễn Du coi trọng nhất là cái hồn Việt trong tác phẩm, tôi cũng sẽ cố gắng để làm điều đó. Còn lại Truyện Kiều có rất nhiều khoảng trống để tôi sáng tạo.
- Anh có sợ việc khai thác cuộc sống của Thúy Kiều nơi lầu xanh nếu làm không khéo sẽ dễ làm mất khí chất của Kiều?
Trên thực tế, dù Kiều đẹp như một tòa thiên nhiên thì khi rơi vào lầu xanh cũng sẽ phải tiếp đàn ông, thậm chí phải ngủ với họ. Tuy nhiên, với mỗi người sẽ có cách hành xử khác nhau. Thúy Kiều vẫn sẽ phải tìm cách để vượt qua số phận của mình nhưng để vượt qua thì cô ấy cần phải tồn tại, hòa nhập và biết giấu mình.
Thúy Kiều sẽ phải sống, ăn uống và đi lại như tất cả kỹ nữ khác. Còn khí chất hay không, nó nằm ở những lúc quan trọng, cái mục đích, đường đi và những điều nó đạt được. Việc ăn uống, hành nghề... không thể có khí chất ở đây.
- Vậy bối cảnh phim sẽ được anh xây dựng như thế nào?
Tôi không thể để Thúy Kiều mặc áo yếm, áo tứ thân nhưng càng không thể để Kiều mặc sườn xám hay trang phục khác của Trung Quốc. Vì vậy, tôi đẩy bối cảnh vào một không gian và thời gian không xác định. Tôi sẽ kể câu chuyện với hình ảnh ở một đâu đó không cụ thể nhưng tất cả nhân vật chính phụ và khung cảnh đều sẽ đậm chất Việt Nam. Tôi muốn đưa tất cả tâm hồn Việt, văn hóa Việt, đời sống Việt vào bộ phim này.
Trong bộ phim này, tôi không chỉ chăm chăm làm mình Kiều. Ví dụ, trong lầu xanh có bao nhiêu kỹ nữ thì tôi sẽ xây dựng để mang đến câu chuyện của một vùng quê Việt khác nhau.
Về cảnh phim, chắc chắn là khung cảnh dân dã mà thôi. Tôi tránh xa những cảnh kinh kỳ sầm uất. Kiều của tôi cũng không thể suốt ngày quần áo lụa nọ lụa kia bởi thời đó, vua ban một tấm lụa thôi cũng đã đáng quý lắm rồi. Thúy Kiều chỉ là con gái của một gia đình "thường thường bậc trung" thì không thể ăn mặc lụa là được. Vì vậy, tôi sẽ phải trả đời sống trong Kiều về đúng cuộc sống thực ngày xưa.
- Hiện nay, có một bộ phim chiếu mạng cũng chuyển thể từ Truyện Kiều với những tình huống được xây dựng như: tình tay ba, tình đơn phương, ân oán gia tộc... Anh nghĩ sao về chuyện này?
Tôi chưa xem bộ phim đó nhưng tôi nghĩ rằng các bạn ấy có quyền được sáng tạo, có quyền được làm những gì mình muốn. Không ai có quyền được áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, nếu bạn thích trung thành nguyên tác thì hãy cứ làm nhưng đừng lên án người làm khác bạn.
- Trong bộ phim chiếu mạng đó, việc các nhân vật nam để tóc ngắn cũng vấp phải ý kiến phản đối của mọi người. Quan điểm của anh thì sao?
Theo tôi, ngày xưa chỉ có các bậc quân tử, sĩ phu mới có thể để tóc dài mà thôi. Còn người bình thường, người ta sẽ cắt ngắn đi. Thời điểm kinh tế khó khăn, công việc thủ công vất vả là người bình thường sao có thể để tóc dài rồi ngày ngày gội đầu để không phải đối mặt với chấy rận...
Tạo hình nhân vật Thúy Kiều - Kim Trọng trong bộ phim chiếu mạng gây tranh cãi.
Theo tôi, sân khấu và phim ảnh ngày nay đang làm xa hoa hóa những bối cảnh, trang phục ngày xưa. Với điều kiện kinh tế thời đó, mọi thứ sẽ giản dị và dân dã hơn nhiều. Phim của tôi sẽ đưa mọi thứ về với đời sống thực của nó.
Còn lại về bản chiếu mạng mà bạn đề cập tới, tôi cho rằng các bạn ấy có quyền được sáng tạo theo những gì mình mong muốn và tưởng tượng.
Xin chân thành cảm ơn anh!