Một chiếc bình đồng có niên đại 2.000 năm, mới được tìm thấy tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, bên trong chứa 3 lít chất lỏng chưa xác định.
Tam Môn Hiệp là nơi lưu giữ nhiều di tích cổ đại của Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, các nhà khảo cổ tìm thấy chiếc bình bằng đồng có phần cổ cong hình con thiên nga, trong một ngôi mộ ở thành phố Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Bên trong ngôi mộ còn có mũ giáp bằng đồng, một cái chậu bằng đồng, một thanh kiếm làm bằng sắt và khảm ngọc.
Hiện chưa rõ chất lỏng bí ẩn là gì, nhưng nó có màu vàng nâu và có lẫn tạp chất. Mẫu vật đã được gửi đến Bắc Kinh để xét nghiệm thêm.
Theo kết quả đánh giá ban đầu, ngôi mộ được xây ở thời hoàng đế Tần Thủy Hoàng, vào cuối thời nhà Tần (221 TCN – 207 TCN) và đầu thời nhà Hán (202 TCN – 220). Chủ nhân ngôi mộ có thể là một quan lại cấp thấp trong triều đình.
Chiếc bình bằng đồng được tìm thấy trong mộ cổ khi các nhà khảo cổ đang đánh giá một dự án cải tạo địa phương, Zhu Xiaodong, người đứng đầu cơ quan cổ vật và khảo cổ học ở Tam Môn Hiệp, nói. Đây cũng là chiếc bình bằng đồng đầu tiên được tìm thấy ở Tam Môn Hiệp, theo ông Zhu.
Các chuyên gia cũng khẳng định chiếc bình được làm theo hình một con thiên nga trắng. Các nhà khảo cổ suy đoán rằng thợ thủ công thời bấy giờ đã quan sát kỹ những con thiên Nga để tạo ra chiếc bình với hình dạng thực tế.
“Chúng ta có thể phán đoán rằng thiên nga đã xuất hiện ở Tam Môn Hiệp từ cuối thời nhà Tần và đầu thời nhà Hán”, ông Zhu nói.
Ngày nay, Tam Môn Hiệp còn được coi là thành phố thiên nga. Kể từ những năm 1980, thiên nga từ Siberia thường đến trú chân ở thành phố trong mùa đông. Người dân địa phương rất yêu thích thiên nga và cho chúng ăn một cách tự nguyện.
Nằm giữa Tây An và Lạc Dương – hai cố đô trong lịch sử Trung Quốc, Tam Môn Hiệp đóng vai trò là huyết mạch giao thương và quân sự. Do đó, thành phố này có rất nhiều di tích lịch sử giá trị.