Sau 19 tập lên sóng, không chỉ các nhân vật chính mà các vai phụ của phim “Sống chung với mẹ chồng” cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khán giả. Trâm (Hương Giang) đang là nhân vật sở hữu nhiều quan điểm sống gây tranh cãi nhất hiện nay.
“Sống chung với mẹ chồng” đã lên sóng 19 tập nhưng vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Từng nhân vật, từng câu thoại đều nhận được sự chú ý lớn của khán giả. Trong số đó có Trâm (Hương Giang) - đồng nghiệp của Vân (Bảo Thanh), cô nàng được đánh giá là có tính cách và quan điểm sống khá khác lạ đối với phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay.
Khi chứng kiến tinh thần của Vân ngày càng sa sút vì cuộc hôn nhân gặp nhiều biến cố thì Trâm càng thấy quan điểm sống của mình là đúng và tự tin chia sẻ với đồng nghiệp. Suy nghĩ và cách sống của Trâm gây nên cuộc tranh luận dữ dội khó có hồi kết từ phía người xem.
Chính sách "hai không mà vẫn hai có"
Khi tạp chí Đồng Vọng thực hiện chính sách bán nhà ưu đãi cho nhân viên, Vân ban đầu được mẹ chồng – bà Phương (NSND Lan Hương “Bông”) đồng ý cho tiền để mua nhà. Tuy nhiên, sau khi biết được nhà sẽ đứng tên con dâu thì trong tập 16 “Sống chung với mẹ chồng”, bà Phương đã cương quyết không đưa tiền cho Vân mua nhà ở cơ quan nữa.
Trước tình cảnh của Vân, Trâm đã phải gật gù tán thưởng "chính sách" không chồng, không mẹ chồng - có nhà, có tự do của mình là hoàn toàn đúng đắn. Dù không có nhà chồng giàu như Vân nhưng cuối cùng người có thể sở hữu ngôi nhà đứng tên mình lại là cô Trâm vốn phải sống cuộc sống đi thuê nhà.
Trâm tự nhận mình không hợp với cuộc sống gia đình: thích ăn ngon nhưng không thích nấu ăn, lười giặt quần áo, chỉ chăm chỉ làm đẹp và đi shopping. Với tính cách này của cô thì việc lựa chọn cuộc sống không chồng, không mẹ chồng là tốt nhất. Cô có thể thoải mái tự do làm điều mình muốn.
Hội chứng sợ kết hôn đang dần phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Nhiều cô gái sẵn sàng làm mẹ đơn thân thay vì lấy chồng sinh con như trật tự xã hội thông thường. Nỗi ám ảnh về nghĩa vụ, trách nhiệm mà vợ chồng dành cho nhau cũng như những mối quan hệ đối nội, đối ngoại đòi hỏi nghệ thuật khéo léo khiến cho phái nữ cảm thấy e sợ.
Các cô gái trẻ ngày càng yêu thích tự do, đam mê thăng tiến trong công việc và sợ phải chịu khổ khi bước vào "nấm mồ" hôn nhân. Họ độc lập, có thể tự chủ về tài chính, thăng tiến tốt trong sự nghiệp đồng thời cũng dần xem nhẹ yếu tố nữ công gia chánh. Từ thường được dùng để miêu tả các chị em hiện nay chính là “vụng”.
Khoan vội bàn đến đúng sai, dù thế nào thì quan điểm không lấy chồng - tự thân vận động của Trâm đang nhận được sự ủng hộ rất lớn vì đánh trúng tâm lý của nhiều bạn trẻ.
Công việc chỉ là để đánh bóng tên tuổi
Khán giả yêu thích phim “Sống chung với mẹ chồng” có thể dễ dàng nhận thấy Trâm là cô gái không có khả năng và cũng không đam mê với công việc. Công việc đối với cô chỉ là kế mưu sinh và cho mình một vị trí nhất định. Chính Trâm cũng từng nhận định rằng: “Công việc chỉ là để đánh bóng tên tuổi.” Nếu làm việc chỉ là phương tiện cho mình có một cái danh để vênh mặt với đời thì liệu có nên tiếp tục?
Nhiều bậc phụ huynh và nhiều bạn gái trẻ hiện nay nghĩ rằng: con gái học cao thì khó kết hôn; con gái là phải lo cho nhà chồng nên chỉ nên tìm những công việc nhàn hạ, ngày làm 8 tiếng rồi về lo cho gia đình hoặc con gái phải tìm việc nào ổn định để có thể dễ lấy chồng. Đúng như Trâm nói, công việc hiện nay chỉ còn là một vỏ bọc tăng thêm giá trị cho các cô gái khi đi tìm chồng, là để đánh bóng tên tuổi mà thôi.
Tuy nhiên, dùng cả cuộc đời để làm một công việc mình không yêu thích chỉ để dễ lấy chồng hay để được mọi người trầm trồ ngưỡng mộ thì có đáng hay không? Nếu không có sự yêu thích, đam mê thì có thể toàn tâm toàn ý học tập, trau dồi không mệt mỏi để nâng cao hiểu biết của bản thân không?
"Phone một cái đầy đại gia"
Trâm là một cô gái đẹp và biết mình đẹp. Cô biết mình muốn gì, thích gì, cần gì và làm thế nào để đạt được điều đó. Những người có thể trở thành người yêu của cô đều phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định và việc thay mới tình yêu của cô là điều hết sức bình thường. Một cô gái ở quê lên làm công việc văn phòng với mức lương bình thường, hàng tháng còn phải chi trả tiền thuê nhà, sinh hoạt phí như Trâm thì việc mua nhà ở thành phố là việc hết sức xa vời.
Nhưng cuối cùng Trâm đã tận dụng những mối quan hệ của mình để xoay sở được khoản tiền lớn vừa đủ mua nhà lẫn trang trí nội thất trong một thời gian ngắn. Trâm nói rằng đó là khoản tiền một ông anh đại gia cho mình vay nhưng ai cũng hiểu rằng, tiền đã cho người đẹp vay thì chỉ có thể là “viện trợ không hoàn lại”.
Tình yêu và những mối quan hệ của Trâm đầy tính toán, thậm chí là thực dụng nhưng nó lại đang được một số lượng lớn bạn trẻ ủng hộ. Đi lên bằng chính đôi chân của mình là việc quá khó khăn, nếu có đường tắt bằng phẳng thì nhiều người sẽ không ngại ngần bước lên.
Đặc biệt, những cô gái có nhan sắc dù ban đầu không hề nghĩ đến con đường đó thì các đại gia vẫn sẵn sàng săn đón, tác động từ từ. Những cám dỗ bọc dưới những đóa hồng nhung khiến nhiều cô gái trẻ khó cưỡng lại được. Khi đã quen với việc không phải chịu khổ vẫn được sung sướng thì sẽ rất khó bước ra.
Kết
Quan điểm sống của Trâm hiện đang gây nên cơn bão tranh luận từ phía khán giả theo dõi Sống chung với mẹ chồng. Nhiều người cho rằng Trâm thực dụng, không có tình cảm, chỉ biết lợi dụng người khác. Nhưng nhiều người lại cho rằng mình đẹp mình có quyền, rõ ràng đôi bên cùng tự nguyện, ai lại chẳng muốn mình được sung sướng.
Con gái cũng có khả năng nuôi sống bản thân vậy tại sao lại phải lấy chồng về chịu khổ, chịu sự hạch sách của nhà chồng? Hôn nhân là tự nguyện, là hai người bình đẳng vậy tại sao chỉ có phụ nữ thiệt thòi?
Dù rằng quan điểm của Trâm có nhiều điểm tiêu cực nhưng đồng thời, nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những hi sinh mù quáng của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay. Phái đẹp hiện đại phải học cách yêu thương bản thân và lắng nghe chính mình nhiều hơn.