Đường bích họa chính là điểm nhấn của mùa lễ hội Chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) năm nay.
Với những hình ảnh chùa Thầy, hoa gạo, hoa sen, hồ Long Trì , múa rối nước, Thiền sư Từ Đạo Hạnh,... 'con đường bích họa' ở Chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội không chỉ đẹp và mang ý nghĩa to lớn, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này.
Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 20km về phía Tây, lễ hội chùa Thầy năm 2018 được diễn ra từ ngày 20 – 23/4 (tức 5 – 7/3 âm lịch) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy. Để tạo cảnh quan đẹp mắt và sự thích thú cho du khách, UBND xã Sài Sơn đã lên ý tưởng thực hiện "con đường bích họa" có chiều dài 500m nằm trên trục đường chính 421B từ cổng chào của xã Sài Sơn đến hồ Long Trì.
Hồ Long Trì - biểu tượng của Chùa Thầy
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện "con đường bích họa ", ông Ngô Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn cho biết: “Xuất phát từ thực tế là những bức tường của người hai bên đường lối đi vào Khu Danh thắng Chùa Thầy của xã từ lâu đã cũ, mốc meo và không được đẹp.
Mặt khác, UBND xã cũng muốn tạo cho khách du lịch có ấn tượng tốt mỗi khi về với lễ hội Chùa Thầy. Chính vì vậy, UBND xã đã mạnh dạn xin ý kiến chỉ đạo, chỉnh trang và phối hợp với Đoàn thành niên của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội lên ý tưởng, nội dung và vẽ các bức tranh.
Bức tranh người dân nơi đây đi cày, cấy lúa
Chúng tôi cũng đã giao cho Đoàn thanh niên xã hỗ trợ các bạn của trường Đại học Công nghiệp trong quá trình thực hiện, bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ hình thức, nội dung các bức tranh sao cho phù hợp với ý tưởng đặt ra”.
Để thực hiện con đường bích họa này, Đoàn xã Sài Sơn là lực lượng chính tham gia hỗ trợ để "con đường bích họa" được hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Anh Đào Xuân Thưởng – Bí thư Đoàn xã chia sẻ:
"Chúng tôi thực sự rất vui khi có "con đường bích họa" này, lại đúng trên trục đường đi vào trung tâm lễ hội Chùa Thầy. Chúng tôi cũng đã phân công lực lượng đoàn viên, thanh niên ra quân vệ sinh môi trường, bóc bỏ các biển quảng cáo rao vặt, chát lại các bức tường để có mặt bằng cho các bạn sinh viên vẽ các bức hình theo ý tưởng.
Khi thực hiện con đường bích họa, người dân ở đây cũng rất phấn khởi và đoàn viên, thanh niên của chúng tôi cũng vậy. Chắc chắn "con đường bích họa" sẽ để lại những ấn tượng đẹp cho mỗi du khách khi đến với lễ hội Chùa Thầy năm nay”.
Bức tranh múa rối nước hoa sen
Những bức tranh sinh đông, hình ảnh đậm nét văn hóa về nghệ thuật múa rối nước, đời sống sinh hoạt, lao động và Thiền sư Từ Đạo Hạnh- người đã có công dạy nhân dân nơi đây cấy lúa và cũng là ông Tổ của nghệ thuật múa rối nước sẽ khiến du khách bị hấp dẫn khi đến với lễ hội.
Hiện tại "Đường bích họa" đã hoàn thành và sẵn sàng phục vụ cho lễ hội Chùa Thầy. Và đặc biệt hơn, lễ hội năm nay sẽ không thu phí thắng cảnh trong 3 ngày lễ hội. Vì vậy, các bạn có thể thỏa thích check – in và chơi hội