Lần đầu đưa con nhỏ 19 tháng tuổi du lịch nước ngoài, Phương Nam chọn đến Bhutan, mong con có trải nghiệm đầu đời đáng nhớ ở xứ sở hạnh phúc.
Dịp nghỉ lễ cuối tháng 4, chị Phương Nam cùng chồng và con nhỏ ở TP HCM, đến Bhutan trong 5 ngày 4 đêm. Đây là lần đầu chị ghé thăm Bhutan và là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của con gái 19 tháng tuổi. Chị Nam cho biết du lịch Bhutan bắt buộc phải theo tour, gia đình chị đặt gói gần 200 triệu đồng cho ba người.
Nữ khách Việt cho biết lịch trình các điểm tham quan ở Bhutan khá giống nhau, lựa chọn khách sạn sẽ quyết định chi phí toàn chuyến đi. Khách sạn 3 sao giá tour 55 triệu đồng mỗi người, khách sạn 4 sao giá 68 triệu đồng, khách sạn 5 sao giá 76 triệu đồng cho 4 đêm lưu trú. Trong tour đã bao gồm phí du lịch hay phí phát triển bền vững do chính phủ Bhutan thu 100 USD mỗi ngày.
Chị Phương Nam và con gái tham quan pháo đài Punakha Dzong, ở Punakha nơi có những hàng cây phượng tím nở rộ xung quanh.
Chị Nam chọn bay thẳng bằng chuyến bay charter hạng thương gia và ở khách sạn 5 sao để đảm sức khỏe cho thành viên nhí và cả nhà có nhiều thời gian thư giãn, khám phá. Chi phí bay và ở khách sạn 85 triệu đồng mỗi người, em bé trả khoảng 30% giá 25,5 triệu đồng.
Chuyến bay charter thẳng đến Bhutan rất ít, hãng hàng không Drukair Royal Bhutan mỗi năm chỉ mở 1-2 chuyến và có cao hơn so với bay quá cảnh, thời gian bay khoảng 4 tiếng.
Chị Nam cho biết chi phí du lịch Bhutan đắt đỏ nhưng thủ tục xin thị thực nhanh chóng. Du khách chỉ cần xin e-visa và nộp muộn nhất 72 tiếng trước ngày khởi hành. Công ty tour sẽ lo thủ tục, du khách chỉ chuẩn bị giấy tờ theo yêu cầu.
Vợ chồng chị không chọn những nơi như công viên giải trí, chọn Bhutan vì muốn con được ngắm nhìn vùng đất mới, xem bình minh, hoàng hôn sau những rặng núi, xung quanh là cây cối, rừng nguyên sinh, ngắm những khóm hoa dại bên đường, vườn táo nở rộ, rừng hoa đỗ quyên rực sắc, để con nghe tiếng suối chảy, những lạch sông hai bên bờ đá mát lành. Chị Nam nói đó là những trải nghiệm mà "không phải lúc nào những đứa trẻ sinh ra ở thành thị cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng".
Chuyến đi đến Bhutan cũng để cả nhà cùng nhau cảm nhận về triết lý hạnh phúc ở vùng đất này. Chị hỏi hướng dẫn viên địa phương Khankar "vì sao Bhutan lại là quốc gia hạnh phúc và anh có đang cảm thấy hạnh phúc và hài lòng không".
Khankar trả lời ai cũng tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình, cho những người thương yêu. Ở Bhutan, Khankar may mắn được hưởng nền y tế, giáo dục miễn phí, nạp vào cơ thể đồ ăn hữu cơ. Những người sống quanh Khankar đều chan hòa.
Con gái 19 tháng tuổi của chị Nam Phương tại Buddha Point (Kuensel Phodrang), nơi ngắm toàn cảnh thung lũng Thimphu.
Ở Bhutan có ba điểm du lịch chính là thành phố Paro, Thimphu và Punakha. Các địa điểm cách nhau 50-115 km, đường đèo uốn lượn, dễ say xe. Chương trình tour cố định nhưng du khách có thể lựa chọn tham gia theo đúng lịch trình hoặc bỏ một số điểm, tùy tình trạng sức khỏe. Gia đình có trẻ nhỏ dễ ốm không nên đi quá nhiều địa điểm.
Trong 5 ngày ở Bhutan, gia đình chị Nam đến cả ba thành phố Paro, Thimphu và Punakha, ghé thăm các điểm du lịch nổi tiếng. Ở Thimphu có khu bảo tồn Royal Takin Preserve hay ngắm hoàng hôn nơi tượng phật ngồi Buddha Point lớn nhất thế giới. Ở Punakha không thể bỏ qua pháo đài Punakha Dzong, cầu treo Punakha. Ghé Paro, họ cùng nhau chinh phục Tiger's Nest - tu viện Phật giáo nằm cheo leo trên vách đá cao 3.000 m nổi tiếng xứ Rồng Sấm.
"Em bé nhà tôi là thành viên nhỏ tuổi nhất chuyến bay charter đến Bhutan cũng là thành viên nhí duy nhất đến Tiger's Nest", chị Nam nói.
Nữ du khách cho biết để chuyến đi cùng con nhỏ suôn sẻ nhờ chuẩn bị kỹ các đồ dùng cần thiết. Đầu tiên là giấy tờ tùy thân gồm giấy khai sinh, hộ chiếu, e-visa. Tiếp theo là các các loại thuốc cơ bản gồm hạ sốt, say xe, đau bụng, nhỏ mũi, xịt mũi, vitamin C. Phòng khi con nhỏ khó ăn, nên chuẩn bị các loại kẹo dẻo, chocolate, snack, cơm cháy, sữa chua sấy, bánh gạo, cho con ăn dọc đường di chuyển. Ngoài ra, thời tiết ở Bhutan khá lạnh cần trang bị quần áo ấm, nón, kem chống nắng, giày bị bộ cho các hoạt động ngoài trời.
Chị Nam cho hay đồ ăn ở Bhutan hơi khó ăn, vị chủ yếu là cay và béo ngậy do nhiều ớt, phô mai. Phụ huynh nên chuẩn bị thêm ít cháo, soup ăn liền, sữa cho em bé. Riêng rau củ trái cây ở Bhutan đảm bảo sạch và hữu cơ nên cho các con ăn thoải mái.
Hành trình 5 ngày Bhutan đã trả lời chị Nam những thắc mắc về đất nước này. Chị nói ở thành phố lớn như Thimphu không thấy bóng dáng một nhà cao tầng, không đèn giao thông, không tắc đường, không còi xe inh ỏi. Người dân luôn đề cao giá trị truyền thống, mặc quốc phục hàng ngày. Họ cũng sống xanh khi môi trường sống được bao phủ 72% bởi rừng nguyên sinh. Chính phủ luôn cam kết cắt giảm khí thải nhà kính.
Hai mẹ con chị Nam Phương ở tu viện Tiger's Nest.
Người dân nơi đây làm việc vừa đủ cho cuộc sống căn bản, sống chậm, hít thở sâu, yêu thiên nhiên, trân trọng từng cánh rừng, dòng sông, nhành hoa, ngọn cỏ. Chị Nam cho rằng hạnh phúc của mỗi người dân nơi đây góp nhặt thành hạnh phúc của cả đất nước.
"Có hàng ngàn điều để ca tụng về Bhutan, mỗi người sẽ vẽ riêng cho mình khung cảnh để mô tả về hạnh phúc ở nơi đây", chị Nam nói.