Cứ vào trung tuần tháng 4 hàng năm, du khách nhiều nơi trên thế giới đổ về xứ sở Chùa Vàng tham gia lễ hội té nước mừng năm mới tại đây. Người dân Thái Lan cho rằng nước sẽ thanh tẩy đi những điều không may mắn trong năm qua và mang đến thật nhiều niềm vui, hạnh phúc trong năm mới.
Lễ hội té nước Thái Lan chính là lễ hội mừng năm mới của người dân nơi đây. Theo tiếng bản địa là Songkran, bắt nguồn từ tiếng Phạn có nghĩa là “con đường chiêm tinh”, hàm ý nói đến khoảng thời gian mặt trời di chuyển từ cung Song Ngư đến cung Bạch Dương, chu kỳ khởi đầu năm mới theo lịch của người Thái. Theo quan niệm truyền thống, nước sẽ xóa hết những muộn phiền năm cũ và mang tới nhiều may mắn vào năm tới.
Lễ hội Songkran được tổ chức theo Phật lịch từ ngày 13 – 15/4 dương lịch hàng năm.
Tết Songkran diễn ra trong 3 ngày chính. Để chuẩn bị cho Lễ Songkran, người Thái có ngày Wan Sungkharn Long 12/4. Trong ngày này, mọi người dành nhiều thời gian để dọn dẹp nhà cửa, rũ bỏ những cái cũ và chờ đón những điều tốt đẹp trong năm mới.
Ngày 13/4 được gọi là Wan Nao, người Thái sẽ dành thời gian này để chuẩn bị đồ ăn trong những ngày lễ sắp tới. Wan Nao tương tự như ngày 30 của Tết cổ truyền Việt Nam.
Mọi người đều háo hức chuẩn bị và “quẩy” hết mình trong lễ hội té nước.
Ngày 14/4 là Wan Payawan, ngày đầu tiên của năm mới. Người dân Thái sẽ lên chùa vào buổi sáng sớm, cúng quần áo và thức ăn. Trong gia đình, các bức tượng Phật ở trong gia đình sẽ được lau rửa bằng nước thơm.
Khắp các đường phố lớn nhỏ ở Thái Lan, người dân và du khách đều vô cùng hào hứng tham gia vào những màn tạt nước kinh điển.
Ngày 15/4 gọi là Wan Parg –bpee, người Thái thường cầu nguyện, tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Nếu trong gia đình có người lớn tuổi sẽ có nghi lễ “ Rod Nam Dam Hua”, rưới nước thơm lên tay của các bậc tiền bối.
Trong gia đình, con cháu sẽ rưới nước thơm lên tay người lớn để tưởng nhớ công ơn.
Vào những ngày này, các ngôi chùa đều được trang trí cờ hoa từ sớm. Các bức tượng Phật được đặt trong bồn nước hương với những đóa hoa muồng hay hoa phong lan trang trí. Các cội bồ đề và hộ pháp cũng được trang trí bằng hoa. Sau nghi lễ dâng hương trong chùa, ai cũng thành tâm tưới nước thơm hay nước tinh khiết lau chùi tượng Phật, tỏ lòng thành kính và cầu may mắn cho năm mới. Du khách có thể mang theo những lọ nước hương hay mua sẵn trên chùa.
Tại các ngôi chùa, lễ tắm Phật được tổ chức vô cùng trang trọng.
Nghi thức tắm Phật giản đơn nhưng rất thành kính. Phật tử xếp hàng lần lượt đến trước tượng, cúi lạy để tỏ lòng thành kính rồi cầm chiếc gáo nhỏ múc nước thơm rưới lên tượng Phật. Ba gáo nước tắm Phật là lúc gột rửa cho ba ác nghiệp của bản thân trong hành động, lời nói và ý nghĩ. Khi tắm Phật cũng là lúc thành tâm nhất. Theo thứ tự trong gia đình, người lớn tuổi làm trước, rồi đến con cái và các cháu. Có nhiều em nhỏ tuổi mới ẵm ngửa cũng theo gia đình lên chùa, được mẹ giúp múc nước tắm Phật và cầu an.
Mọi người lần lượt xếp hàng trong nghi lễ tắm Phật, cầu mong một năm mới bình an.
Sau lễ tắm Phật là khoảng thời gian sôi động nhất của ngày Tết khi người dân tạm quên đi những lo toan hàng ngày và cùng nhau xuống đường đón năm mới và hào hứng tham gia lễ hội té nước truyền thống. Người Thái quan niệm rằng, tạt nước nhằm xóa đi những xui xẻo, mệt mỏi của năm cũ để đón một năm mới tươi đẹp hơn. Ai càng bị tạt nhiều nước sẽ càng gặp nhiều may mắn.
Trước đây, hoạt động té nước chỉ diễn ra trong gia đình, bạn bè, và những người thân hữu. Tuy nhiên, ngày nay nó trở thành lễ hội té nước dành cho cả khách du lịch. Khi lễ hội bắt đầu, mọi người sẽ dùng mọi vật dụng có thể đựng nước để té vào nhau. Trên đường phố, du khách còn được nhìn các chú voi trang trí sắc sặc sỡ cùng tham gia lễ hội.
Khách du lịch đến Thái Lan đều hào hứng tham gia và tận hưởng trọn vẹn niềm vui trong lễ Songkran cùng người dân bản địa.
Lễ hội truyền thống Songkran được tổ chức ở mọi nơi trên đất nước Thái Lan nhưng ở nhiều vùng khác nhau lại có cách đón mừng mang màu sắc rất riêng.
Bangkok
Bangkok là thủ đô và cũng là điểm trung tâm với nhiều hoạt động nhất. Lễ hội được tổ chức ở nhiều nơi xung quanh khu Banglamphu, đặc biệt là đường Khao San, quảng trường Hoàng gia Rattanakosin, đường Phra Athit, Santhichaiprakan và Wisut Krasat.
Songkran rộn ràng trên từng con phố Bangkok.
Hòa mình vào dòng người đông nghẹt đang thi nhau tạt nước tung tóe trên khắpcác con phố nhộn nhịp của Bangkok, đảm bảo sẽ làm du khách vui quên lối về.
Quay trở lại Bangkok và vui cùnglễ hội té nước lần nữa chắc chắn là mơ ước của nhiều du khách đã từng tham gia vào lễ hội Songkran.
Chiang Mai
Với những du khách yêu sự cổ kính, tĩnh lặng thì Chiang Mai sẽ là lựa chọn không thể hoàn hảo hơn. Tại thủ phủ của miền bắc Thái Lan này, du khách được tham gia diễu hành khai mạc lễ hội, té nước hoa nhài vào tượng Phật và những người lớn tuổi, buộc chỉ đỏ vào cổ tay cầu may.
Songkran tại Chiang Mai dường như hoài cổ hơn, màn “lễ” tại các ngôi chùa thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.
Trên đường phố, du khách sẽ “mãn nhãn” với các màn biểu diễn múa truyền thống theo phong cách Lanna và thưởng thức những món ăn độc đáo dọc các đường phố.
Trên các đường phố Chiang Mai những điệu múa truyền thống được biểu diễn khắp nơi.
Để tham dự lễ hội tắm tượng Phật, du khách có thể tới ngôi chùa nổi tiếng tiếng Phra Buddha Sihing. Dọc con phố Urban Culture còn tổ chức các cuộc thi sắc đẹp và thưởng thức các món ăn ngon quốc tế mà bất kì du khách nào đến Chiang Mai cũng không nên bỏ lỡ.
Tượng Phật được rước dọc đường phố cổ kính ở Chiang Mai.
Pattaya
Lễ hội té nước Songkran ở Pattaya được tổ chức sau ngày lễ Songkran chính và sẽ kéo dài từ 18/4 đến 20/4. Ở thành phố biển này, lễ hội Songkran cũng diễn ra vô cùng sôi nổi khắp các khu phố. Bên cạnh những màn tạt nước kinh điển như nhiều nơi khác, du khách có cơ hội chứng kiến những cuộc diễu hành khắp thành phố, những sự kiện văn hóa diễn ra trên con đường bãi biển.
Songkran tại Pattaya diễn ra muộn hơn nhưng sôi động không kém bất kì nơi nào.
Rất nhiều những bữa tiệc ngoài trời sôi động được tổ chức ở Pattaya, thu hút đông đảo giới trẻ tham gia.
Những bữa tiệc và nhiều trò giải trí luôn hấp dẫn du khách đến Pattaya thưởng thức vào dịp lễ Songkran.
Phuket
Hòn đảo Phuket này nổi tiếng với những màn tạt nước với sự góp mặt của nhiều vòi rồng, xe cứu hỏa, những bữa tiệc sôi động ngoài trời.
Vòi rồng và xe cứu hỏa cũng “nhiệt tình” phun nước trong suốt dịp lễ Songkran tại Phuket.
Du khách cũng không thể bỏ lỡ tham gia vào lễ rước Phật của người dân Phuket tổ chức dọc bãi biển Patong, Soi Bangla. Ngoài ra, du khách cũng đừng bỏ lỡ các sự kiện thú vị ở công viên Loma, bến cảng, trung tâm sự kiện Jungceylon.
Các con phố dọc bãi biển Phuket đông nghẹt người tham gia lễ hội té nước mừng năm mới.
Khon Kaen
Khon Kaen là thành phố nằm trên đường từ Bangkok đi Udon Thani. Là thủ phủ của lúa nếp, Khon Kaen hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những hoạt động đặc trưng rất thú vị và cũng vô cùng sôi động như diễu hành bằng xe bò trang trí rực rỡ, hội chợ ẩm thực hay thi ném bi sắt.
Lễ hội Songkran ở Khon Kaen được tổ chức rầm rộ với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Hua Hin
Nếu chuyến du lịch Thái Lan của du khách là miền nam Thái Lan thì chắc chắn bạn không nên bỏ qua ngày lễ Songkran tại Hua Hin. Lễ hội té nước Songkran ở đây diễn ra vào đúng một ngày duy nhất 13/4 và với nghi thức đám rước mừng hội Songkran trên trục đường Naresdamri.
Những hoạt động trong lễ hội Songkran được tổ chức 1 ngày duy nhất ở Hua Hin nhưng hoành tráng không kém bất kỳ nơi nào.
Du khách được cùng hòa mình với người dân địa phương tham gia lễ rước này, một nghi thức lễ truyền thống độc đáo, được tổ chức hoành tráng. Đây sẽ một trải nghiệm mà không du khách nào muốn bỏ lỡ khi tới Hua Hin vào mùa lễ.
Các nghi thức và lễ rước truyền thống được tổ chức vô cùng long trọng tại Hua Hin.
Khi đám rước kết thúc cũng là lúc những trò chơi dân gian như: mon son pha, tee chab… và những màn té nước vui nhộn diễn ra khắp thành phố. Do chỉ diễn ra một ngày nên khá nhiều du khách chọn đến Hua Hin trước để có thể tham gia lễ hội té nước độc đáo và thú vị này, sau đó mới đến các thành phố khác có hội té nước diễn ra vào ngày 15/4.
Hòa mình vào không khí lễ hội Songkran ở Hua Hin hay bất cứ nơi nào trên đất nước Thái Lan, du khách đều được tận hưởng từng giây phút vui vẻ trọn vẹn.
Mùa lễ hội Songkran đang đến rất gần và rộn ràng trên từng con đường, góc phố Bangkok, Chiang Mai, Phuket và mọi nơi trên xứ sở Chùa Vàng. Hãy nhanh chân đến Thái Lan để được quẩy tưng bừng, vui hết nấc trong dịp lễ hội có 1-0-2 này.