Để có thể chiêm ngưỡng cây cầu dệt từ cỏ, bạn có thể tới Peru bởi tại đây tồn tại một cây cầu tết bằng tay, còn sót lại trên thế giới.
Cầu dệt từ cỏ tại Peru
Trên thế giới, cầu không chỉ được xây dựng bằng xi măng, sắt thép mà còn được bện chỉ bằng những sợi cỏ mong manh. Để có thể chiêm ngưỡng cây cầu này, bạn có thể tới Peru bởi tại đây tồn tại một cây cầu tết bằng tay, còn sót lại trên thế giới. Cây cầu mang tên Q’eswachaka, luôn được tết lại vào tháng 6 hàng năm.
Cầu được xây dựng bằng kỹ thuật truyền thống đặc biệt do cộng đồng người Quechua ở Peru thực hiện từ thời Inca với niên đại gần 600 tuổi.
Cầu nối giữa hẻm đá được dệt từ cỏ, làm hoàn toàn thủ công. Từ thời Inca, cây cầu này nằm trong mạng lưới quan trọng liên kết các thành phố và thị trấn của đế chế. Cầu cao 67m, dài 36,6m và chỉ rộng đủ một người đi.
Truyền thống dệt cầu của người Peru đó là phụ nữ dệt sợi dây nhỏ để bện cầu ở bên trên của hẻm núi và chỉ có đàn ông mới được làm việc trên cầu. Những người thợ làm cầu dùng khoảng 120 sợi dây để tết thành sợi dây thừng lớn dày 31 cm. Toàn bộ cầu cần 6 sợi dây thừng lớn, trong đó 4 sợi làm thành sàn cầu và 2 sợi làm tay vịn.
Loại cỏ được dùng để xây cầu là cỏ cứng Ichu, được xử lý bằng cách dùng đá to đập dập và ngâm trong nước. Mỗi dịp làm cầu, người dân sẽ tổ chức một buổi lễ liên hoan ăn uống và âm nhạc.
Năm 2013, cây cầu này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.