54 dân tộc anh em ở các vùng miền khác nhau trên dải đất hình chữ S với nền văn hóa ngàn đời đã tạo những phong tục văn hóa truyền thống độc đáo riêng. Tập tục cưới hỏi cũng như thế, mỗi dân tộc, mỗi vùng đất lại có những nét đặc sắc, không thể lẫn với dân tộc khác, vùng đất khác.
“Ngủ mèo” trước hôn nhân.
Người Chơ ro có tục nam nữ ngủ chung trước khi cưới, thường gọi là tục “ngủ mèo”.
Khi tình cảm trai gái đã đến độ say đắm thì chàng trai chủ động hẹn cô gái cùng “ngủ mèo” để tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về nhau. Khi đến nhà người yêu, chàng trai sẽ đứng ở dưới sàn, dùng cây đòn mang theo gõ nhẹ lên vị trí buồng cô gái nằm, đồng thời, đưa roi mây qua khe để báo hiệu cho cô gái. Nếu đồng ý, cô gái sẽ nắm roi mây để cho người yêu trèo lên. Chàng trai không được phép ngủ đến sáng hôm sau mà phải ra về trước khi mọi người thức giấc.
Người Chơ ro kết hôn dựa trên sự tự do yêu đương giữa những người ngoài dòng họ.
Theo tập tục, chàng trai chỉ được “ngủ mèo” nhiều nhất là 3 lần. Sau đêm thứ ba, anh ta phải chủ động đến trình diện bố mẹ cô gái và xin phép được cưới.
"Ngủ mèo" là một phong tục lạ thể hiện sự phóng khoáng trong tình yêu nhưng vẫn mang đầy tính nhân văn của người Chơ ro.
Nếu chưa thấy chàng trai đả động đến chuyện cưới hỏi thì nhà cô gái có quyền giữ chàng trai lại rồi cử người đến nhà anh ta đánh tiếng. Lúc đó, nhà chàng trai phải hiểu vấn đề, rồi nhanh chóng cử người đại diện mang rượu và lễ qua nhà cô gái làm thủ tục cưới hỏi cho đôi trai gái.
“Ngủ thăm” để cưới được vợ
Đây là một tục lệ từ hàng trăm năm nay của đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, Mông, Dao, Mường . . . ở nhiều vùng trên đất nước ta. Theo đó, những chàng trai đến tuổi trưởng thành được phép tới “ngủ thăm” nhà một cô gái mà họ ưng.
Các cô gái tối đến thường đốt một ngọn đèn, coi như “tín hiệu” để các chàng trai tìm đến “ngủ thăm”. Nếu đèn trong buồng cô gái còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến “ngủ thăm”, chàng trai sẽ tự cạy cửa để vào nhà.
“Ngủ thăm” trước hôn nhân là tục lệ của nhiều dân tộc nước ta.
Tới phòng cô gái, chàng trai sẽ nằm xuống bên cạnh cô gái và phải để tự bàn tay cô gái ấy tắt hay vặn nhỏ ngọn đèn. Hai người được phép chung chăn, chung gối trò chuyện, tâm sự nhưng không được chạm vào người nhau.
Nam nữ không được phép “đụng chạm” nhau khi “ngủ thăm”.
Sau khoảng 5-6 đêm tìm hiểu như thế, cô gái sẽ quyết định cho chàng trai “ngủ thật” hay không. Để được “ngủ thật”, hai người phải thưa chuyện với bố mẹ cả 2 bên gia đình. Khi thời gian “ngủ thật” bắt đầu cũng là lúc chàng trai phải đến ở rể làm công cho gia đình cô gái. Trong thời gian này, chàng trai không được về nhà mình.
Bắt chồng ở Tây Nguyên
Bắt chồng không còn là một tục lạ quá xa lạ với nhiều người, bởi phong tục này khá phổ biến với các đồng bào Chu ru, Cil, Cơ ho, J’Rai và nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên. Mỗi năm, bắt đầu từ mùng một Tết âm lịch cho đến hết tháng ba, lễ hội bắt chồng lại được tổ chức ở các vùng dân tộc này.
Tục bắt chồng phổ biến ở nhiều dân tộc vùng Tây Nguyên.
Theo quy định, lễ hội bắt chồng được diễn ra vào ban đêm và các cô gái sẽ là người chủ động trong việc tìm chồng. Khi tìm được một chàng trai ưng ý, các cô gái này sẽ thông báo với gia đình. Nếu nhận được sự đồng ý của 2 họ, cô gái sẽ mang tín vật tới trao cho chàng trai theo 1 ngày đã định. Nếu không đồng ý, người con trai này có thể trả lại .
Cô gái là người chủ động trao tín vật cầu hôn cho chàng trai trước.
Sau 7 ngày tiếp theo, cô gái này lại tiếp tục đến và trao vật hẹn ước cho chàng trai cho đến tận khi nào chàng trai đồng ý.
Trước ngày cưới của đôi trẻ, buôn làng tổ chức đêm hội bắt chồng rất tưng bừng.
Sau khi người con trai đồng ý thì đám cưới sẽ được tổ chức. Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức một đêm hội gọi là "Đêm hội bắt chồng". Trong đêm hội này, chàng trai và cô gái phải đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình. Đến ngày cưới cả 2 đều đeo nhẫn và sau 7 ngày cô gái tháo nhẫn để gửi mẹ chồng còn chàng trai tháo nhẫn gửi lại mẹ vợ.
Tục cưới 2 lần của người Hà Nhì, người Thái
Thường sống ở vùng giáp ranh giữa Lai Châu và Lào Cai, người dân tộc Hà Nhì có phong tục cưới hỏi kì lạ ở chỗ họ phải cưới nhau hai lần. Trong những đêm hát giao duyên, trai gái có quyền tự do tìm hiểu nhau.
Chàng trai nào phải lòng cô gái mà được đáp lại sẽ dẫn người yêu về nhà, thưa chuyện với cha mẹ để xin cưới hỏi. Sau đó, hai gia đình làm cỗ mời cả họ hàng và dân bản tới chung vui. Đây là lần cưới thứ nhất của chàng trai, cô dâu từ đó mang họ nhà chồng.
Họ hàng và dân bản Hà Nhì tập trung chúc mừng cho đôi trai gái nên duyên.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đó vẫn chưa được gọi là hoàn thành. Khi hai người có con hoặc kinh tế khá giả, họ sẽ phải tổ chức cưới hỏi lần thứ hai.
Cưới hai lần cũng là tục lệ truyền đời không biết tự bao giờ của người Thái. Dù khó khăn đến mấy thì việc cưới hai lần vẫn phải được thực hiện.
Theo quan niệm của người Thái cưới lần hai chính là lễ cưới khẳng định vai trò trụ cột của người chồng.
Tục lệ này nó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đó là khi lễ cưới lần thứ hai diễn ra là khi người đàn ông chứng tỏ được vai trò, khả năng lao động của mình có thể nuôi được vợ con.
Lần cưới đầu, người Thái chỉ là làm cho có lệ rồi hai người đưa nhau về ở tại nhà gái, cho đến khi nào chú rể kiếm được nhiều tiền có thể mua kỷ vật cho cô dâu và những sính lễ mà nhà gái thách cưới thì mới được đón cô dâu về.
Sau lễ cưới lần đầu, các chàng rể người Thái phải ở rể cho đến tận khi nào đủ điều kiện sắm sính lễ và tổ chức cưới lần 2.
Lễ cưới lần thứ hai có thể cách vài tháng, một năm hay có những trường hợp cả chục năm, khi họ có con cái khôn lớn mới có thể cưới lần thứ hai, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.