Giữa vùng đất Quảng Nam đầy nắng gió, chợ Nồi Rang hiện lên như một nét chấm phá độc đáo, mang đậm hơi thở của cuộc sống thôn quê. Nằm nép mình bên những con đường quê yên bình, chợ không chỉ là nơi giao thương nhộn nhịp mà còn là không gian lưu giữ những giá trị văn hóa, tập quán đặc trưng của người dân xứ Quảng.
Hình thành cách đây 300 năm trên mảnh đất tiếp giáp với cả ba điểm tham quan chính trên sông Duy Xuyên, Thăng Bình và Hội An, chợ Nồi Rang (thôn 3 xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã trở thành một điểm thu hút khá đông du khách trong nước và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu nét văn hóa của vùng quê in đậm dấu ấn của văn hóa đất Quảng với những hình ảnh của các bà, các mẹ hồn hậu, chất phác.
Theo lời kể của những nguyên lão sinh sống nơi đây, tên gọi "Nồi Rang" gắn liền với một câu chuyện thú vị. Trong hành trình mở rộng lãnh thổ về phương nam, người Việt đã chọn mảnh đất này làm nơi an cư, lập nghiệp. Làng quyết định lập chợ, và đặt ra điều lệ, nếu ai là người đến buôn bán đầu tiên ở chợ này, thì làng sẽ lấy đó mà đặt tên. Tương truyền, chợ vừa mới được mở sát mép bờ sông thì gặp phải một vụ mùa thất bát, chợ đìu hiu vì không ai có sản vật gì để bán. Năm đó, có một lão nông vì túng thiếu, ông đã tự nhào đất rồi nặn ra nhiều nồi rang rồi nung kỹ để đem bán. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, lão đã neo chiếc ghe nhỏ nơi bến nước rồi bước lên bờ để “khai trương” ngôi chợ mới này. Và chính ông cũng như những cái nồi đất rang của mình đã “khai sinh” nên tên chợ cho đến tận bây giờ.
Khi nghe cái tên Nồi Rang, cảm giác đầu tiên khiến nhiều người nghĩ đến, đó là sự nóng bức, khô khan như cái thời tiết nắng nóng trên mảnh đất Quảng Nam. Trước kia, chợ Nồi Rang chỉ là hai dãy lều lợp bằng dừa nước, là nơi trao đổi buôn bán chính của người Tàu bán mặt hàng chủ yếu là thuốc bắc; người Pháp bán mặt hàng chủ yếu là rượu trắng. Và các cửa hàng tạp hóa, rau quả của các vùng sông nước khác như Hội An, Điện Bàn, Thăng bình... cũng tập họp về đây.
Giống như nhiều chợ khác ở Quảng Nam, chợ Nồi Rang cũng có nhiều bước thăng trầm lịch sử. Điển hình trong kháng chiến chống Pháp, chợ không thể hoạt động vì máy bay Pháp thấy chợ họp, người đông, chúng sẽ thả bom nhưng không vì thế chợ dẹp hẳn. Đến khuya, người ta vẫn gánh củi lên bến sông chợ Nồi Rang. Từ đó, có người mua chở bằng ghe đi. Sau Hiệp định Giơ ne vơ 1954, chợ Nồi Rang được mở lại. Đến 1964, chiến tranh ác liệt nên chợ không tồn tại. Từ ngày giải phóng đến nay, chợ Nồi Rang ngày càng thu hút bà con đến kinh doanh và buôn bán trên chợ. Các mặt hàng, sản phẩm cũng trở nên phong phú, đa dạng từ mỹ phẩm đến quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm… để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân quanh vùng. Trước tình hình ấy, năm 1992, một ngôi chợ mới khang trang và bề thế được chính quyền quy hoạch, đầu tư, xây dựng. Địa điểm xây dựng chợ mới cũng nằm gần ở khu chợ cũ. Đặc biệt, danh xưng chợ Nồi Rang vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay như một lời minh chứng cho sự tiếp nối bề dày truyền thống văn hoá của một ngôi chợ đã đi vào huyền thoại. Ngôi chợ đã tồn tại trong tâm trí, ký ức của biết bao thế hệ người dân tại vùng đất này.
Ngày nay, các tiểu thương trong chợ, hầu hết là những người phụ nữ quê nghèo trong vùng như Duy Phước, Duy An, Duy thành... Họ tập hợp về đây buôn bán với đủ các mặt hàng như gà con, tàn tro, vải vóc, hoa quả. Chợ thường bắt đầu lúc 5h, và tan sớm lúc 9h sáng. Khi gà bắt đầu gáy, những người đàn bà quê, chèo thuyền bơi ghe chở các mặt hàng sang chợ Nồi Rang để bán. Chợ Nồi Rang là ngã ba của các đường sông như Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, nên buôn bán khá sầm uất, nhộn nhịp.
Mặc dầu tồn tại giữa nhịp sống hiện đại, nhưng Chợ Nồi Rang mang đậm nét đặc trưng của một chợ quê truyền thống với những dãy hàng quán san sát nhau. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những quầy hàng bán rau củ quả tươi ngon, hải sản tươi sống, các loại gia vị, đồ khô và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đến với chợ Nồi Rang, bạn không chỉ được trải nghiệm không khí mua bán nhộn nhịp mà còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất Quảng Nam như: mì Quảng, cao lầu, bánh tráng cuốn thịt heo, các loại bánh dân gian…
Chợ Nồi Rang cách bến sông không xa. Đây là khu chợ đã được di dời từ chợ cũ sát bến sông Thu Bồn. Những chiếc thuyền chở ăm ắp hàng hóa tới tấp cập bến. Tiếng người gọi nhau rộn rã nơi bến sông tới những người bán hàng ở chợ Nồi Rang là các bà, các mẹ hồn hậu, chất phác. Họ không chèo kéo hay vồn vã mời chào khách, bởi, họ có cách tiếp thị của riêng mình. Mộc mạc, chân chất nhưng cũng rất ý nhị và sâu sắc.
Chợ Nồi Rang là một minh chứng sinh động cho sự phát triển của thương mại và văn hóa của người dân Quảng Nam. Nếu có dịp đến Quảng Nam, bạn đừng quên ghé thăm chợ Nồi Rang để khám phá và trải nghiệm những điều thú vị tại nơi đây bạn nhé!