Xét về mặt giải trí, “Kong: Đảo đầu lâu” (Kong: Skull island) là một tác phẩm điện ảnh vô cùng đáng xem trong tháng 3 này.
Trong tháng 3, ngoài Người đẹp và quái vật cùng Logan thì Kong: Đảo đầu lâu chính là bộ phim điện ảnh cộp mác Hollywood thứ ba rất được khán giả Việt Nam mong đợi. Không chỉ thu hút bởi dàn diễn viên trẻ đẹp cùng biểu tượng King Kong, tác phẩm này còn gây tò mò do phim được quay đến 80% tại Việt Nam. Vào ngày chính thức công chiếu, Kong: Đảo đầu lâu đã không khiến người xem thất vọng. Bởi lẽ, nó là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh đẹp Việt Nam và quái thú Hollywood.
Năm 1973, cựu đại uý James Conrad (Tom Hiddleston) được đặc vụ chính phủ Bill Randa (John Goodman) thuê về để dẫn họ đến một hòn đảo kỳ bí mang tên – Đảo đầu lâu. Đồng hành cùng nhóm của Conrad và Randa còn có Preston Packard cùng đội trực thăng Sky Devils của ông ta.
Vào ngày chuẩn bị lên đường, nhóm thám hiểm còn đón chào một thành viên khác – nữ nhiếp ảnh gia phản chiến Mason Weaver (Brie Larson). Vượt qua bao khó khăn trắc trở, cuối cùng họ đã đặt chân được đến hòn đảo bí ẩn kia.
Tom Hiddleston trong "Kong: Đảo đầu lâu"
Trong lúc đang thăm dò địa chất tại đảo đầu lâu, đội thám hiểm bất ngờ bị tấn công bởi Kong – ông vua hòn đảo này. Vì máy bay đều bị Kong hạ bệ, đội thám hiểm chia ra làm hai. Những người đi theo Conrad tìm đến được ngôi làng bí ẩn nằm trong đất liền tại đây. Còn đội của Packard lại liên tục đối đầu với những quái vật đáng sợ trên hòn đảo cũng như ôm trong lòng mối thù sâu sắc với Kong sau khi mất đi một vài đồng đội.
Đội của Packard nhất mực lên kế hoạch giết vị vua của đảo đầu lâu mà không hay biết rằng, kẻ thù đáng sợ nhất cho đến giờ vẫn chưa xuất hiện. Nếu Kong là người duy trì sự bình yên cho hòn đảo thì con quái vật đáng sợ dưới lòng đất kia là kẻ sẽ khiến tất cả phải đổ máu.
Xét về tổng thể, Kong: Đảo đầu lâu là một bộ phim giải trí mãn nhãn. Cảnh non xanh nước biếc của Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình qua ống kính máy quay của ê-kip làm phim thật sự rất bắt mắt và lung linh. Khi theo dõi những phân đoạn này, không ai có thể rời mắt khỏi màn hình.
Thậm chí, những cảnh quay chân thực ấy còn trở thành đề tài bàn luận hay những câu đố giữa khán giả, xem đây là cảnh của tỉnh nào. Ngay đến chính khán giả Việt Nam cũng bị choáng ngợp trước thiên nhiên nước nhà chứ không riêng gì khán giả nước ngoài.
Ngoài ra, hiệu ứng kỹ xảo của phim cũng được xử lý rất tốt. Nó khiến người xem bị cuốn theo câu chuyện của Kong: Đảo đầu lâu và che khuất những điểm yếu trong nội dung. Hình ảnh King Kong khổng lồ hiện lên rất sống động còn những con quái vật thì rất đỗi đáng sợ. Nếu bạn là người yếu tim, hẳn sẽ bị ám ảnh bởi chúng dù biết rằng, chúng chỉ là tác phẩm của đội ngũ kỹ xảo chuyên nghiệp.
Về mặt diễn xuất, Tom Hiddleston, Brie Larson và Samuel. L. Jackson đều hoàn thành tốt vai trò của mình. Tom Hiddleston đã thể hiện một “đội trưởng” James Conrad đầy dũng cảm cũng như có trách nhiệm với mạng sống của những người đi theo nhóm của anh. Samuel L. Jackson lại hoá thân thành một người quân nhân quá ám ảnh với chiến tranh mà quên mất sự tha thứ, độ lượng.
Samuel L. Jackson
Brie Larson
Trong khi đó, cô phóng viên phản chiến Mason của Brie Larson lại là người đầu tiên nhận ra Kong không phải là con quái vật man rợ. Kong chỉ đang bảo vệ hòn đảo và hành động đầy bạo lực trước đó của Kong đối với họ chỉ như một hành động tự vệ.
Tất nhiên, khác với nàng Ann Darrow, Mason chỉ đồng cảm và thấu hiểu tâm tư thực sự của Kong. Kong đối với Mason chỉ đặc biệt hơn những người còn lại vì nó nhận ra rằng, cô ấy là người vô tội và có ý tốt với mình. Giữa Kong và Mason không có thứ gọi là tình yêu. Vậy nên trong bộ phim này, nó đã toàn mạng mà không phải chết tức tưởi vì “người đẹp”!
Ngoài những gương mặt chính, người xem còn nhận ra Cảnh Điềm – nữ diễn viên nổi tiếng “vì mãi là bom xịt” của Trung Quốc. Xét trên tổng thể dàn diễn viên phụ, vai diễn của Cảnh Điềm là thừa thãi nhất, thuộc dạng có cũng được mà không có cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Với diễn xuất nhạt nhoà, nữ diễn viên sinh năm 1988 đã chứng minh mình đúng là một bình hoa di động không hơn không kém. Điều duy nhất khiến người xem nhớ đến Cảnh Điềm trong Kong: Đảo đầu lâu, đó là một cô gái nói toàn những câu tiếng Anh đơn giản và lăn lộn thế nào thì mặt vẫn trắng không tì vết!
Vì cảnh bạo lực máu me, nhà sản xuất cùng cục điện ảnh khuyến cáo không nên để trẻ em dưới 13 tuổi xem Kong: Đảo đầu lâu. Tuy nhiên về mặt nội dung, tác phẩm này khá dễ xem và không có những tình huống lắt léo. Điểm trừ lớn nhất đó là đôi lúc, bộ phim xuất hiện những cảnh vô lý đùng đùng. Điển hình như phân đoạn cả đội của Packard đột ngột đổi ý không muốn giết Kong chỉ vì... một câu hét của Mason!
Bên cạnh đó, Kong: Đảo đầu lâu còn mở ra một bí mật ở đoạn cuối credit. Nó là bộ phim đầu tiên nằm trong series về quái vật của Warner Bros. và Legendary Pictures. Trong tương lai, khán giả sẽ còn gặp gỡ các “đồng nghiệp” khác của Kong trên màn ảnh rộng.
Nhìn chung, Kong: Đảo đầu lâu là một bộ phim giải trí tốt. Đừng đánh giá nó quá hàn lâm, đừng quá nhìn vào tiểu tiết để nhận xét, đừng soi mói và đòi hỏi quá nhiều rằng tất cả các cảnh phim đều phải thật lô-gic, vậy thì chắc chắn, bạn sẽ chìm đắm trong câu chuyện về quái thú khổng lồ này mà không cảm thấy thất vọng chút nào.