Một du khách vui vẻ nói: Bán hàng không cần tiền bạc gì hết, chỉ cần đưa 1 chiếc lá là mua được món hàng mình cần. Tôi thấy phiên chợ này thật vui, lần đầu tiên trong đời mới thấy.
Tham gia phiên chợ, người bán lẫn người mua cảm thấy vui và háo hức.
Có thể mua bất cứ thứ gì có tại chợ, không dùng tiền mà chỉ là một ... chiếc lá! Người mua lấy lá cây để mua lộc, còn người bán nhận lá là may mắn.
Đây là phiên chợ “có một không hai” ở Tây Ninh, được tổ chức vào dịp Nguyên tiêu 14, 15 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Địa điểm tổ chức phiên chợ “lá” (còn gọi là chợ tiên) không cố định, thường là ở trong khu dân cư, gần các khu chợ truyền thống... Bất kể ai cũng có thể tham gia phiên chợ. Chợ lá được tổ chức để cho người tới mua cầu chúc cho người bán ăn nên làm ra, để có tiền đi phụng sự nhân sinh.
Người bán đếm lại "tiền", là những chiếc lá may mắn mà mình nhận được
Khi phiên chợ diễn ra, người ta dùng một chiếc xe tải chở nhiều quang gánh, thức ăn đến, một số người chạy xe máy theo thoăn thoắt dọn đồ xuống, họ bày hàng như kiểu “buffet gánh”, thành hai hàng dài. Thường có đến trên 20 món ăn, từ dân dã đến cầu kỳ. Sau đó một bà cụ xách rổ lá mai tới chia cho mỗi người vài lá, nói đây là “tiền” để dùng “mua” thức ăn.
Chỉ với một chiếc lá nhỏ, người mua đã có thể mua một món ăn ngon cho mình. Những người có hoàn cảnh khó khăn còn gọi đây là "chợ Tiên".
Muốn mua thứ nào chỉ việc đưa một chiếc lá cho người bán là xong. Khách sẽ được nhận một phần thức ăn nho nhỏ: xôi, bắp, khoai luộc, cơm, nước, sữa đậu… và chỉ được mua mỗi món một ít như vậy “để người sau còn có mà mua”. Không cần biết mệnh giá là bao nhiêu, khách mua cứ mua, người bán cứ bán, và cùng cảm ơn nhau, chúc nhau những lời tốt lành đầu năm mới.
Có người mang sẵn rất nhiều lá để mua đồ ăn tại chợ.
Phiên chợ kết thúc sau một tiếng đồng hồ. Những bạn trẻ tham gia phiên chợ lặng lẽ gom hết rác vương vãi bên ngoài, dọn về luôn, trả lại mặt bằng sạch sẽ và bình an như chưa từng xảy ra phiên chợ.
Không nhiều người biết tới phiên chợ này, dù nó đã được tổ chức liên tục mười năm. Người tổ chức là bác sĩ Bùi Quốc Thái, một thầy thuốc nam, làm từ thiện. Ban đầu ông chỉ nghĩ ra cách tổ chức một phiên “chợ” thức ăn vào dịp Nguyên tiêu (14, 15 tháng giêng) để đãi đằng những anh em bè bạn đã vất vả cùng ông trong suốt năm qua. Sau đó lại tính chuyện phục dựng những gì đã sắp trở thành… cổ tích: áo dài, áo bà ba, gióng mây thúng tre… trong phiên chợ quê thời xưa, nhắc nhớ vậy cho vui.
Người mua bán tại chợ quan niệm tiền cũng chỉ là vật phù du như chiếc lá, điều quan trọng con người phải sống chan hoà, lương thiện, biết quan tâm và yêu thương nhau.
Ngoài khoản chi phí tự thân có được, bạn bè ông góp sức thêm, ai có gì góp nấy để buổi “chợ” phong phú thêm về thức ăn thức uống. Vì làm có tính chất nội bộ nên ít ai biết đến. Tuy nhiên dần dà những người tham gia đã biến nó thành một buổi chợ mua lộc bán may, lấy lá làm tiền để trao đổi hàng hoá “cho vui”. Chợ sau này được mở rộng ra các điểm bên ngoài vườn thuốc, đến các nhà dưỡng lão.