Thời gian thấm thoắt thoi đưa, trông vậy mà đã 20 năm kể từ khi phần đầu tiên của loạt truyện về cậu bé phù thủy Harry Potter được xuất bản.
Bạn có tin được rằng, đã 20 năm kể từ ngày tập truyện đầu tiên về cậu bé phù thủy Harry Potter ra mắt rồi không? J.K.Rowling - tên đầy đủ là Joanne Rowling - từng tưởng tượng ra câu chuyện về một phù thủy nhỏ đeo kính khi bà đang ngồi trên chuyến tàu chặng London - Manchester. Vào năm 1995, bà đã hoàn thiện bản thảo đầu tiên tại một quán cà phê ở Edinburgh. Bên cạnh bà là đứa con đang ngủ say trong xe đẩy.
Bìa sách "Harry Potter và hòn đá phù thủy" xuất bản ở Việt Nam thời kỳ đầu
Sau khi bị từ chối rất nhiều lần, cuối cùng, bản thảo đã được nhà xuất bản Bloomsbury lựa chọn. Bản bìa cứng đầu tiên lên kệ vào ngày 26/6/1997 chỉ với 500 bản. Và rồi, điều kỳ diệu đã thực sự xảy ra. Phần đầu tiên và 6 phần truyện tiếp theo đó đã bán được hơn 450 triệu bản trên khắp thế giới.
Dưới đây là hiệu ứng mà cơn sốt Harry Potter mang lại sau khi “phù phép” hàng trăm triệu độc giả suốt 2 thập kỷ qua:
Vai diễn Harry Potter trong sê-ri phim lừng danh cùng tên đã mang tới sự nổi tiếng cho nam diễn viên Daniel Radcliffe
1. Tạo thói quen đọc sách cho trẻ em (và cả người lớn nữa!)
Sách truyện đã được sáng tạo ra trước khi Harry Potter ra đời một khoảng thời gian rất dài. Nhưng J.K.Rowling đã biến những cuốn sách được bán cho trẻ em ấy thành một thứ tương tự như chất gây nghiện.
Bạn muốn bằng chứng sao? Năm 1999, nhà xuất bản đã phải công bố thời gian ra mắt Harry Potter và Tù nhân ngục Azkaban vào lúc 3h45 phút chiều, để trẻ em tại Anh và xứ Wales không “bùng” học đi mua truyện.
Các tập truyện tiếp theo của Harry Potter ngày càng dày. Thế nhưng, nó không khiến độc giả nhí ngừng ủng hộ Harry Potter. Ngay đến người lớn cũng mê mẩn thế giới phù thủy. Thế là, một phiên bản thân thiện với độc giả lớn tuổi lại ra đời.
Mỗi khi Harry Potter chuẩn bị phát hành tập truyện mới, nó ngay lập tức trở thành tâm điểm tin tức. Lúc tập truyện thứ 4 – Harry Potter và chiếc cốc lửa – ra đời, các cửa hàng sách trên toàn thế giới cùng hợp tác để tạo nên buổi bán sách lúc nửa đêm đầu tiên.
Cùng năm, khi Rowling nhận bằng danh dự tại trường đại học St. Andrews, Học viện Scotland đã nói rằng, bà đã chứng minh được việc sách dành cho trẻ em "vẫn có khả năng mê hoặc độc giả trên diện rộng mà chẳng cần phải phụ thuộc vào cạnh tranh hình ảnh như Nintendo, Gameboy và Pokémon”.
2. Harry Potter khiến người ta viết nhiều hơn
Series truyện Harry Potter đã mở ra cánh cửa đến với trí tưởng tượng của rất nhiều độc giả ở độ tuổi vị thành niên. Nhiều sản phẩm văn học giải trí ra đời với hy vọng được trở thành “truyền nhân của Harry Potter” hay “Harry Potter tiếp theo” như Cậu bé Artemis Fowl, The Spiderwick Chronicles and A Series of Unfortunate Events.
Nếu không có sự xuất hiện của cậu bé phù thủy Harry, liệu những series “bom tấn” như Twilight và The Hunger Games có ra đời? Chưa kể biết bao phiên bản fan-fiction nữa. Hiện tại, mạng internet là “ổ chứa” hơn 10.000 phiên bản hậu truyện, tiền truyện không chính thức về cuộc sống tại Hogwarts, về gia đình Dursley, về cặp song sinh nhà Weasley cùng nhiều đề tài khác.
3. Harry Potter khơi dậy niềm hứng thú của độc giả với những chuyến tàu hỏa
Đối với thế hệ từng mê mẩn Thomas the Tank Engine và The Polar Express, họ còn có niềm hứng thú với một đoàn tàu ống khói bóng bẩy, mạnh mẽ khác. Phải, đó chính là tàu tốc hành Hogwarts. Đã đến nhà ga King’s Cross ở London mà không chụp một tấm hình tại Sân ga Chín Ba Phần Tư thì đúng là điều đáng tiếc.
4. Harry Potter bổ sung vào từ điển những từ mới dành cho giới trẻ
Mỗi một từ mới cần tồn tại ít nhất 10 năm trước khi chúng được cân nhắc đưa vào từ điển Oxford English. Nhưng từ “muggle” mà J.K.Rowling tạo ra – ra mắt lần đầu trong Harry Potter và Hòn đá Phù thủy - lại là một ngoại lệ. Nó được đưa vào từ điển Oxford English khi mới chỉ tồn tại chưa đến 5 năm.
“Muggle” xuất hiện và năm 2002 với ý nghĩa “chỉ người không có kỹ năng gì đặc biệt và đôi khi ám chỉ những người được coi là thấp kém”. Trong thế giới của Harry Potter, “muggle” ám chỉ người không có phép thuật. Tuy nhiên, một số từ khác như Crumple-Horned Snorkack – chỉ một sinh vật huyền bí đến từ Thụy Điển – chắc phải còn lâu lắm mới được kết nạp vào đội từ vựng của “muggle”.
5. Harry Potter mở ra một môn thể thao mới
Trong truyện, Quidditch là môn thể thao của thế giới pháp thuật, “quy tụ” chổi bay, bóng bludger, bóng Quaffles và quả bóng vàng snitch với đôi cánh cùng vận tốc “kinh hoàng”.
Ở thế giới thực, Quidditch đã được biến tấu. Nó giữ nguyên các đặc điểm trên trừ việc, quả bóng vàng Snitch được thay thế thành người thật, mặc áo phông màu vàng và gắn thêm 1 cái đuôi Velcro ở quần.
Môn thể thao này ra đời tại Mỹ vào khoảng năm 2005 và nhanh chóng mang tính chất toàn cầu. Thậm chí, giải World Cup Quidditch còn được tổ chức hằng năm. Đội giành cúp gần nhất là đội Quidditch đến từ Úc.
6. Harry Potter mang đến cho thế giới một series phim chuyển thể đồ sộ
Đến thời điểm hiện tại, 8 phần phim Harry Potter được coi là series phim chuyển thể “khủng” nhất trong lịch sự, thu về hơn 7,7 tỷ đô-la trên toàn cầu. Phần phim đầu tiên – Harry Potter và Hòn đá Phù thủy ra mắt vào tháng 11/2001. Không chỉ phá kỷ lục bảng xếp hạng doanh thu nhanh hơn cả tốc độ của chiếc xe buýt Kỵ sĩ, tác phẩm này còn là bàn đạp cho ba diễn viên trẻ là Daniel Radcliffe, Emma Watson và Rupert Grint.
Phần phim cuối cùng, Harry Potter và Bảo bối tử thần Phần 2 (2011) là tác phẩm mang về doanh thu cap nhất với 1,34 tỷ đô-la. Đây cũng là phần phim thứ 8 có doanh thu “khủng” nhất mọi thời đại.
Cuối năm ngoái, thế giới của Harry Potter vừa trở lại với một phần tiền truyện có tên Fantastic Beasts and Where to Find Them (Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng). Rowling cho biết, bà đã lên ý tưởng cho nội dung của 5 phần phim về sinh vật huyền bí này.
7. Harry Potter “phù phép” cả nhà hát kịch
Vở kịch Harry Potter và đứa trẻ bị nguyền rủa bắt đầu công diễn tại London vào năm 2016 và nhận được sự quan tâm từ các fan “cuồng” Harry Potter. Ở buổi biểu diễn đầu tiên, có khoảng 1.500 khán giả mặc trang phục phù thủy đã có mặt. Vở kịch này bắt đầu với sự xuất hiện của Harry, Ron và Hermione khi đã ở độ tuổi U40 và con họ đã nhập học tại trường Hogwarts.
Harry Potter và đứa trẻ bị nguyền rủa được nhiều nhà phê bình tung hê: “Nhiều thập kỷ qua, các nhà hát kịch của Anh chưa từng có thêm một tác phẩm nổi bật nào như vậy. Tôi cũng chưa thấy có vở kịch nào có thể so sánh với nó kể từ khi bắt đầu công việc bình luận”.
Harry Potter và đứa trẻ bị nguyền rủa đã phá kỷ lục khi nhận đến 9 giải tại Olivier Awards năm nay. Năm 2018, vở kịch sẽ tiếp tục tổng tiến công sân khấu Broadway và J.K.Rowling cho biết, bà hy vọng có thể thấy nó được công diễn trên khắp thế giới.
8. Harry Potter ảnh hưởng đến sự liên tưởng, so sánh của “thế hệ Y*”
Có ai tệ hơn Voldemort nữa hay không? Hàng triệu người đã trải qua tuổi thanh xuân của mình bên Harry Potter. Những người lớn lên cùng bộ truyện này giờ đã có thể đến gần với tác giả J.K.Rowling hơn thông qua phương tiện truyền thông. Hiện tại, tác giả sở hữu cả một “đội quân” với 11 triệu người theo dõi qua tài khoản Twitter.
Khi Donald Trump được so sánh với Chúa tể Voldemort vào năm ngoái, bà Rowling đã đăng một đoạn tweet: “Thật tồi tệ. Voldemort thậm chí còn không xấu xa đến như vậy”. Sau đó, tác giả lại liên tục mỉa mai những người dùng Twitter dọa đốt sách của bà.
20 năm trôi qua kể từ khi tập truyện đầu tiên phát hành, có lẽ chưa ai muốn ếm câu thần chú hủy diệt “Avada Kedavra” lên Harry Potter bây giờ đâu!
Chú thích: Thế hệ Y chỉ những người sinh trong khoảng năm 1980 đến 2000 – là thế hệ đầu tiên phát triển và lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội.