Ra rạp cuối tuần này, bộ phim Mẹ chồng với dàn sao đình đám Thanh Hằng, Lan Khuê, Midu... trở thành cái tên gây tò mò nhất cho khán giả.
Kể từ sau Mỹ nhân kế (2013), đã lâu rồi công chúng mới gặp lại Thanh Hằng trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, cứ mỗi một lần xuất hiện là một lần giám khảo của Vietnam's Next Top Model khiến khán giả phải ngạc nhiên. Và vai diễn “ác phụ” Ba Trân trong Mẹ chồng cũng không nằm ngoài nhận định này.
Phim "Mẹ chồng" được ra mắt từ ngày 01/12.
Ba Trân là cô gái xinh đẹp và học thức được gả vào nhà họ Huỳnh - một gia tộc quyền uy nhất Đại Điền. Theo lời mẹ chồng cô (Diễm My), tức bà Hội đồng Lịnh, thì “cô không phải chạm tay bất cứ việc gì, chỉ cần lo đẻ cháu đích tôn cho dòng họ Huỳnh". Thế nhưng, trong một lần bất cẩn, Ba Trân đã bị sảy thai và từ đó, cô trở thành cái gai trong mắt mẹ chồng.
Trailer chính thức của phim "Mẹ Chồng"
Bi kịch cũng từ đó nảy mầm. Chẳng mấy chốc, nhà Hội đồng Lịnh lại rước thêm bà hai cho cậu chủ họ Huỳnh. Trái tim tan nát, lại thêm chuyện mẹ chồng tàn nhẫn kết tội nàng bất hiếu, không có con nối dõi nên đẩy nàng đến khu nhà phạt tội, Ba Trân ngày một thấm thía sự ấm lạnh của lòng người. Và cô cũng dần thay đổi...
Bi kịch nối tiếp, cậu cả nhà họ Huỳnh bị tai nạn bất ngờ, bà hội đồng Lịnh đau đớn đến đột quỵ, đáng lẽ Ba Trân hoàn toàn có thể cứu được bà trong phút hiểm nguy. Chỉ là đến tích tắc cuối cùng, cô đã dừng lại.
Cô đã định cứu mẹ chồng của mình nhưng những lời lẽ cay độc của bà đã vang lên như một nỗi ám ảnh. Nếu cô cứu bà rồi ngày mai, bà sẽ lại dùng cách gì để hành hạ cô nữa?
Cuối cùng, Ba Trân đã lựa chọn quay lưng lại với lương tâm của mình… Để rồi từ đó, một Ba Trân tươi tắn trong chiếc áo dài màu hồng hiền dịu đã lùi xa.
16 năm sau, nàng dâu Ba Trân cũng trở thành mẹ chồng và là người nắm mọi quyền hành trong gia tộc họ Huỳnh. Nàng có cậu con trai không bình thường về tâm trí, được gọi là Hai Phước (Lâm Vinh Hải). Cậu hai đã có vợ cả là Tư Thì (Lan Khuê) nhưng cưới đã lâu mà chưa có con.
Rơi vào thảm cảnh hệt như Ba Trân năm đó, nhưng nàng Tư Thì lại khôn khéo hơn, cô luôn đeo mặt nạ hiền thục vâng lời để ngụy trang cho bản thân. Chỉ là, vỏ bọc này ngày một mờ đi khi nhà họ Huỳnh cưới nàng dâu thứ hai cho cậu Hai Phước - cô gái đến từ thành phố - Tuyết Mai (Midu).
Sự xuất hiện của Tuyết Mai báo hiệu cho những sóng gió chờ trực ập đến. Bi kịch “phải sinh con trai” lại tái hiện như một lời nguyền trong gia tộc này, liệu rằng mẹ chồng Ba Trân có tự mình tạo ra một Ba Trân thứ hai?
Mẹ chồng khá thành công trong việc tái hiện phần nào những nổi khổ sở của người phụ nữ trong xã hội phong kiến địa chủ của những năm 50. Thế nhưng nội dung phim lại ôm đồm quá nhiều vấn đề, không chỉ là những hủ tục đầy đọa phụ nữ như tội bất hiếu vì không sinh được con trai nối dõi; mà đó còn là phận nữ nhi bèo dạt mây trôi như cô tiểu thư sa cơ Tuyết Mai; ái tình chia nửa, phận gái chung chồng như Tư Thì, Ba Trân phải chịu...
Đó còn chưa kể đến những mối quan hệ địa chủ - tôi tớ và tình cảm vô điều kiện mà người tá điền trung thành đã dành cho bà chủ xinh đẹp của mình. Nội dung có quá nhiều điều muốn nói nhưng giới hạn thời gian của phim lại hạn chế.
Thêm nữa, diễn biến khá chậm và nặng nề, nên người xem cảm thấy 90 phút của phim mà dài như 3 tiếng. Mặc dù ngắm Thanh Hằng sắc sảo ma mị cũng rất đã mắt nhưng, một mình sự xuất sắc của cô không kéo lại được cả bộ phim.
Đôi mắt sắc sảo, ánh mắt quyền uy và lạnh lùng, mợ cả Ba Trân của Thanh Hằng khiến người ta giật mình vì kinh ngạc. Đã không còn bóng dáng của cô gái An tinh nghịch trong Nụ hôn thần chết, cũng không phải là tiểu thư đỏng đảnh của Những nụ hôn rực rỡ, lại càng không thấy một Kiều Thị chính trực của Mỹ nhân kế, Thanh Hằng của Mẹ chồng cay nghiệt và đen tối. Quả không sai nếu dùng hai từ “ác phụ” cho nhân vật mà cô đã thể hiện.
Ba Trân ra tay tàn độc với mẹ chồng mình.
Thanh Hằng là điểm sáng bật hẳn lên trong toàn bộ phim này. Tuy nhiên, sự toả sáng của một mình cô lại khiến khán giả cảm thấy có độ chênh không nhẹ. Dường như đứng trước một Ba Trân xinh đẹp nhưng tàn độc lại không có một đối thủ xứng tầm để cuộc chiến quyền lực ở nhà Hội đồng Lịnh thêm thuyết phục. Dù Thanh Hắng diễn khá hay, nhưng nếu cô “solo” hết 90 phút của phim cũng dễ khiến người xem bị chán.
Đối thủ có thể coi là “tâm kế” đầy mình, có khả năng đối đầu với mẹ chồng là nàng dâu Tư Thì. Tiếc là cô không có nhiều đất diễn để thể hiện diễn biến tâm trạng nhân vật này. Chưa kể đến khả năng biểu cảm thiếu linh hoạt của cô khiến người xem khó hiểu. Ví như đoạn đang nói chuyện với mợ hai Tuyết Mai tại khóm sen, cô bỗng đơ ra, căm tức bứt nhuỵ vò hoa mà chả ai hiểu gì.
Dàn nam phụ "bánh bèo" cũng khiến người xem ngao ngán. Không nói đến cậu Hai Phước của Lâm Vinh Hải thần trí không minh mẫn, chỉ biết đúng một biểu hiện là mê chơi Cào Cào, thì người anh trai cùng cha khác mẹ của cậu (Song Luân) cũng chẳng có nhiều ấn tượng.
Tình yêu của anh với em dâu Tuyết Mai chỉ thể hiện bằng những lời nói luỵ tình. Còn khi biến cố xảy ra, anh chẳng khác nào một tên Chí Phèo "không não", gào thét, đập phá, dễ dàng bị người ta kích động.
Điều đặc biệt khó hiểu nằm ở hình ảnh của các nhân vật. Phải công nhận Mẹ chồng quy tụ toàn những gương mặt đẹp, tạo hình nhân vật cũng đẹp ở mọi góc độ. Nhưng dù một người đẹp đến mấy thì cũng đâu thể tránh được sức mạnh của thời gian.
Ấy vậy mà nhân vật trong bộ phim lại như được trường sinh bất lão, Thanh Hằng của gần 20 năm qua cũng không có thêm một nếp nhăn nào. Đó thật là một sự phi logic ngớ ngẩn.
Tóm lại, Mẹ chồng là một phim đẹp theo nghĩa đen, nhưng nội dung thì dễ đoán và nặng nề. Nếu để xem giải trí thì thật hơi “mệt” cho đầu óc. Tuy nhiên, nếu để ngắm một Thanh Hằng hoàn toàn khác thì khán giả cũng có thể thử xem sao.