Trước tình trạng trên, cộng đồng mạng nói chung và giới trẻ nói riêng đã bày tỏ tình yêu, sự hoài niệm và trân trọng đối với những điểm du lịch xuống cấp trên.
Dải đất hình chữ S vốn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp hùng vĩ và đa dạng: từ núi non, hang động cho đến biển cả... không thua kém bất kỳ quốc gia du lịch nổi tiếng nào trên thế giới. Nhưng gần đây, phần lớn các điểm đến sau thời gian dài khai thác du lịch đã ô nhiễm, trở nên xuống cấp nghiêm trọng khiến du khách trong và ngoài nước "chán nản".
Điển hình như tình trạng xả rác bừa bãi tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); môi trường đảo Bình Ba (Khánh Hòa) ô nhiễm nghiêm trọng do lượng rác thải lớn từ sinh hoạt và các hoạt động du lịch; Sa Pa (Lào Cai) liên tục tái diễn vấn nạn ăn xin, "chặt chém"...; nhiều thạch nhũ tại Phong Nga - Kẻ Bàng (Quảng Bình) bị du khách sờ tới đen bóng, nhét tiền lẻ vào các khe để cầu may;...
Trước tình trạng trên, cộng đồng mạng nói chung và giới trẻ nói riêng đã bày tỏ tình yêu, sự hoài niệm và trân trọng đối với những điểm du lịch xuống cấp trên.
Đà Lạt (Lâm Đồng) là thành phố của tình yêu và nỗi nhớ. Nó có những điểm ấn tượng không thể phai mờ: nơi có 4 mùa xuân hạ thu đông trong ngày, thành phố ngàn hoa, không đèn đỏ, không điều hòa... tạo ra một khung cảnh nên thơ và lãng mạn. Bởi vậy nơi đây chính là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Và chính sự phát triển về du lịch đã kéo theo nhiều bất cập xảy ra.
Đà Lạt thơ mộng với những đồi thông.
Đà Lạt đã mất đi vẻ mộng mơ xưa cũ: kiến trúc đặc trưng chỉ nơi này có dần bị thay thể bởi tòa cao ốc, rừng thông xơ xác do khai thác nhiều, các hồ - thác nước ô nhiễm vì tệ nạn xả rác vô tội vạ. Đặc biệt, vào ngày lễ tết, khách sạn - nhà nghỉ tại đây đều quá tải, tăng giá khiến du khách ngao ngán.
Chị Minh Châu (29 tuổi, Hà Nội) - từng là tín đồ chủ nghĩa xê dịch chia sẻ: "Chục năm trước, tôi yêu Đà Lạt lắm. Năm nào tôi cũng gắng thu xếp công việc để có thể cùng bạn bè đến thành phố tình yêu này nghỉ ngơi, tận hưởng sự lãng mạn. Nhưng giờ nó đã thay đổi theo hướng khiến tôi và nhiều người không còn "mặn mà" với nó nữa.
Và giờ đây những đồi thông xơ xác vì bị khai thác quá nhiều.
Đôi lúc tôi thấy nhớ một Đà Lạt mộng mơ với khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu. Tôi cho rằng muốn thành phố ấy trở lại vẻ đẹp như xưa cần có hướng phát triển đúng, cùng ý thức tự giác bảo vệ môi trường, cảnh quan của người dân cũng như du khách".
Lý Sơn (Quảng Ngãi) là hòn đảo xinh đẹp có biển xanh, hoang sơ, vách đá hùng vĩ cùng các món hải sản thơm ngon... hấp dẫn rất đông khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm. Vài năm trở lại đây, nơi này đã dần mất đi vẻ đẹp vốn có bởi tình trạng xả rác bừa bãi của người dân địa phương lẫn du khách.
Lý Sơn là hòn đảo xinh đẹp với biển xanh trong veo...
Một số đảo tại Lý Sơn như đảo Bé, đảo Lớn có rác xuất hiện khắp nơi: dọc bờ kè quanh đảo, trong các con mương... kể cả những điểm tham quan chính. Ngoài ra trong dịp lễ tết, đảo luôn xảy ra tình trạng quá tải, không đáp ứng đủ cho du khách về nơi ăn chốn ở.
Anh Quốc Dân (32 tuổi, Đà Nẵng) - hướng dẫn viên du lịch cho rằng Lý Sơn và một số điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam đang dần xuống cấp nghiêm trọng. Anh vô cùng tiếc nuối và đau đáu với sự "thay đổi" ấy.
... giờ ngập rác do tình trạng xả rác bừa bãi của những cá nhân thiếu ý thức.
"Mình làm việc trong ngành du lịch, được đi và tận hưởng rất nhiều địa điểm đẹp ở Việt Nam lẫn thế giới. Mình công nhận rằng, đất nước mình có vô vàn khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời, không thua bất cứ một quốc gia nào cả. Tuy nhiên ý thức của dân Việt càng ngày càng tồi tệ", anh Dân nói.
"Nếu yêu thiên nhiên Việt Nam, bạn cần trân trọng nó giống như gia đình của mình vậy. Bạn hãy nghĩ đến tương lai các con các cháu có thể cảm nhận - ngắm nhìn cảnh sắc Việt Nam mà bảo vệ và giữ gìn nó. Bạn đừng vì lợi ích của bạn thân, lợi ích trước mắt mà tàn phá những gì mẹ thiên nhiên ban tặng", nam hướng dẫn viên du lịch chia sẻ.
Cũng giống như Lý Sơn, đảo Bình Ba (Khánh Hòa) được rất nhiều du khách tìm đến bởi vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ. Nó xanh trong với những rạn san hô tuyệt đẹp, nhiều hải sản thơm ngon mà chỉ nơi dây mới có. Bởi vậy, du khách từng nhận xét Bình Ba xinh đẹp hơn cả Phuket của Thái Lan.
Bình Ba xanh trong với những rạn san hô tuyệt đẹp.
Hàng năm, Bình Ba thu hút lượng lớn khách du lịch đến khám phá, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Vì thế, môi trường đã trở nên ô nhiễm do lượng rác thải lớn từ các hoạt động du lịch cũng như sinh hoạt của người dân. Theo ghi nhận, rác trên đảo dồn thành từng mảng, nước thải từ các bè nuôi thủy hải sản xả thẳng xuống biển.
Theo năm tháng, cảnh quan môi trường đã bị ô nhiễm do rác thải.
"Cá nhân tôi cảm nhận Bình Ba đang dân mất đi vẻ hoang sơ và tự nhiên. Nó ngày càng xô bồ và nhộn nhịp, không còn vẻ tĩnh lặng như trước", chị Lâm Dung (28 tuổi, Bình Định) bày tỏ.
Phong Nha - Kẻ Bàng là một vườn quốc gia của Việt Nam, nằm ở huyện Bố Trạch và Minh Hóa (Quảng Bình). Nơi đây là khu vực núi đá vôi rộng khoảng 201.000ha, được thiết lập để bảo vệ một trong hai vùng các-xtơ lớn nhất thế giới với khoảng 300 hang động và bảo tồn hệ sinh thái bắc Trường Sơn ở khu vực Bắc Trung bộ.
Với hệ thống hang động trên đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó. Nhưng do sự vô ý thức của du khách mà các hang động được phép khai thác du lịch đang ngày càng xuống cấp. Cụ thể: nhiều du khách thản nhiên nhét tiền lẻ vào các khe của hàng để cầu mai, cố tình ngồi lên các mỏm đá để tạo dáng chụp ảnh dù có rào chắn, thạch nhũ bị sờ tới đen bóng... Ngoài ra, lượng rác thải bừa bãi ở cửa khu lịch ngày càng nhiều khiến môi trường nơi đây ô nghiễm nghiêm trọng.
Không chỉ những cá nhân đam mê xê dịch trăn trở những địa điểm du lịch xuống cấp nghiêm trọng, trên các diễn đàn du lịch đã xuất hiện nhiều "lời kêu gọi" chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi vì một Việt Nam tươi đẹp.
Nickname Phú Bình bày tỏ quan điểm: "Mỗi lần lên kế hoạch đi chơi cùng nhóm bạn, mình lại ngẩn người một lúc khi nghĩ về những chuyến đi ngày xưa. Nó vui và cảm giác được tận hưởng trọn vẹn mọi thứ, từ ngắm cảnh - khám phá thiên nhiên cho đến ăn uống, nghỉ ngơi... Hiện có một số điểm mình không quay trở lại nữa vì cảnh quan xấu đi rất nhiều, dịch vụ bị chèn ép giá vô cùng. Mình rất mong cơ quan có thẩm quyền vào cuộc giải quyết, người dân cũng như du khách có ý thức hơn. Từ đó, ngành du lịch của chúng ta mới phát triển".
Bạn Thùy Ninh lại cho rằng, mọi người đừng vì điểm du lịch xuống cấp mà "quay lưng", thay vào đó hãy yêu thương nhiều hơn: "Tôi có quan điểm khác bạn Phú Bình. Điểm du lịch nào đã và đang xuống cấp thì mình cần phải quan tâm, đến với nó nhiều hơn. Tại sao các bạn không nghĩ rằng: Nó xuống cấp một phần do chính các bạn? Các bạn đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường khi đặt chân đến nơi đó hay chưa? Xin đừng vì một vài điểm xấu mà bỏ mặc, quay lưng với nó".
Ngoài ra, chính quyền địa phương đã lên tiếng, có những hành động nhằm bảo vệ khu dịch lịch nổi tiếng:
- Năm 2018, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Để xây dựng đảo Lý Sơn "sạch- đẹp" trong mắt du khách, chính quyền huyện Lý Sơn đã triển khai hàng loạt các biện pháp như vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định, tập trung xử lý môi trường tại các điểm di tích, thắng cảnh. Đồng thời, mở rộng và tăng công suất thu gom xử lý rác thải, đặc biệt là thu gom rác thải tại đảo Bé. Với quyết tâm vì một Lý Sơn không rác, ngoài việc bố trí thùng đựng rác tại các điểm du lịch, điểm tập kết rác chính quyền Lý Sơn còn đưa ra thông điệp nhắc nhở, kêu gọi mọi người gìn giữ môi trường như bỏ rác đúng nơi qui định hay việc làm nhỏ lợi ích lớn những khẩu hiệu này có mặt ở dọc bãi biển Lý Sơn.
Sau đó huyện đã ra Chỉ thị về việc giảm thiểu, tiến đến không sử dụng túi ni lông, góp phần cải thiện môi trường trên đảo. Kế hoạch được thực hiện thí điểm tại đảo Bé. Lãnh đạo còn trực tiếp làm việc với công ty thu gom rác thải đảm bảo mọi nơi trên đảo phải được thu gom rác hằng ngày; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thu gom rác thải ở các điểm du lịch có đông du khách đến tham quan.
- Theo Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VHTT DL Lâm Đồng, áp lực về khai thác và sử dụng tài nguyên không hợp lý, ô nhiễm và suy thoái môi trường trong lĩnh vực VH TT DL đã đặt công tác quản lý, bảo vệ môi trường trước nhiều khó khăn và thách thức. Yêu cầu đặt ra với ngành là phải bảo vệ gìn giữ môi trường đi đôi với phát triển bền vững.
Chính vì vậy, công tác bảo vệ môi trường cảnh quan lâu nay đã được ngành triển khai rộng rãi đến các đơn vị hoạt động du lịch – thể thao trên địa bàn. Ngành vận động các đơn vị kinh doanh du lịch – dịch vụ, nhất là tại Đà Lạt tham gia Chương trình “Nhãn hiệu Xanh” do UBND thành phố Đà Lạt chủ trì.
Ngành hàng năm cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch – thể thao như ra quân bảo vệ môi trường; tổ chức các tour du lịch trồng cây lưu dấu; vận động các khu, điểm du lịch trồng rừng, trồng thêm cây và hoa dọc theo các tuyến đường, sườn đồi để tạo cảnh quan; vận động các doanh nghiệp sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, sử dụng bình nước nóng dùng năng lượng mặt trời… Đặc biệt, ngành yêu cầu các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Năm 2018, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, để ngăn chặn tình trạng rác thải ở đảo Bình Ba, UBND xã đã thành lập Tổ thu gom rác, đặt hai bè trên biển để người dân tập kết rác thải và thức ăn nuôi trồng thủy sản dư thừa. Địa phương còn vận động người dân sử dụng túi lưới, tái sử dụng nhiều lần, để đựng thức ăn tôm, trực tiếp hỗ trợ 50% giá trị túi. Việc tuyên truyền gom rác thải đúng quy định, giữ vệ sinh môi trường cũng được tuyên truyền thường xuyên trên loa truyền thanh. Chính quyền còn mời các chủ bè nuôi trồng thuy sản họp, phổ biến, vận động...
Hơn nữa, tại đảo Bình Ba đã hoàn thành thi công công trình lò đốt rác thải rắn, trị giá hàng tỷ đồng. Công trình giúp xử lý rác kịp thời, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trên đảo. Tuy vậy, vấn đề rác thải trên đảo sẽ còn là vấn đề lớn và nan giải, bởi ý thức người dân tại chỗ vẫn là yếu tố có tính quyết định.