Rumani là quốc gia nổi tiếng với những tòa lâu đài cổ kính và những vùng đất thú vị đầy bí ẩn. Một trong những bí ẩn ấy chính là những hòn đá có khả năng tự lớn, mọc thêm và có thể di chuyển... ở ngôi làng Costesti. Chúng được người dân địa phương gọi là Trovants, đá xi măng.
Nếu nhìn bề ngoài, những hòn đá Trovants không có gì đặc biệt. Nhưng điều kỳ lạ sẽ xảy ra sau mỗi trận mưa lớn, khi những hạt mưa cuối cùng rơi, các phiến đá Trovant trở nên khác hẳn. Nhờ được uống nước mưa, chúng lớn lên trông thấy, nhiều tảng còn mọc thêm những hình khối nhỏ khác nhau trên mình nhiều như... nấm.
Người dân địa phương cho rằng những tảng đá sống Trovants có liên quan đến loài ma cà rồng khát máu trong truyền thuyết. Thế nhưng, theo các nhà nghiên cứu thì có thể các hòn đá này được hình thành do những trận động đất và hoạt động địa chất từ khoảng 6 triệu năm trước, khi nơi đây còn là vùng đất nhiều cát, xi măng, sa thạch, trầm tích.
Đá Trovants ở ngôi làng Costesti đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Trải qua hàng triệu năm, các phiến đá đã hấp thu lượng cacbon đáng kể. Tuy bên trong cứng, nhưng với vỏ ngoài chủ yếu là cát nên sau mỗi trận mưa, các phiến đá thấm nước và trở nên lớn hơn với hình thù khác nhau do sự “tiết xi măng” không đồng đều.
Với kích thước chu vi ban đầu khoảng 6-8cm, sau một thời gian, nếu “dậy thì thành công” chúng có thể lớn gấp 10 lần, đạt kích thước 6-10m. Một khối đá Trovants có thể được cấu thành từ 2-3 tảng đá khác nhau, thậm chí là nhiều hơn. Không có sự khác biệt trong thành phần khoáng chất giữa những khối giả xi măng này và lớp cát xung quanh.
Mặc dù khác nhau về kích cỡ, nhưng cấu tạo của các hòn đá từ vài milimét đến 10m lại rất giống nhau về cấu tạo, đều cùng là lớp vỏ cứng bên trong và một lớp cát bên ngoài. Khi cắt ngang, mặt cắt của chúng có hình cầu hay hình trái xoan với nhiều vân đá. Thoạt nhìn, chúng trông như mặt cắt của cây gỗ, trong đó, mỗi vòng tròn đại diện cho tuổi tác của tảng đá đó. Điều này cũng khiến nhiều học giả cho rằng, đá Trovants có thể là một “hình thức sự sống vô cơ” chưa được biết tới.
Khi trưởng thành, lớp khoáng chất bên ngoài của Trovants sẽ theo mưa “lây” sang các tảng đá khác và chúng sẽ lớn dần theo thời gian. Chính vì vậy, trải qua năm tháng, ngày càng nhiều Trovants lớn nhỏ lan rộng trên vùng đất rộng lớn của ngôi làng Costesti, tạo thành một “đặc sản” riêng của vùng đất này. Ngoài ra, một đặc điểm nữa của Trovants là chúng có thể “di chuyển”. Tuy nhiên khả năng kỳ lạ của loại đá này hiện vẫn là điều bí ẩn với các nhà nghiên cứu.
Đá Trovants ở ngôi làng Costesti đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, do đó một khu bảo tồn thiên nhiên thuộc Bảo tàng Trovant nằm ở hạt Valcea đã được xây dựng để bảo tồn những “hòn đá sống” này. Nơi đây sớm trở thành nơi thu hút khách du lịch bậc nhất ở Romania.