Hiện tại, bộ phim truyền hình Người phiên dịch do Dương Mịch đóng vai nữ chính đang nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả.
Trong mùa hè năm nay, Dương Mịch đã chính thức trở lại màn ảnh nhỏ qua bộ phim truyền hình ngôn tình Người phiên dịch. Với tác phẩm này, sự nỗ lực của nàng "tiểu hoa đán" dường như đã được đền đáp. Diễn xuất của Dương Mịch nhận được lời khen ngợi từ khán giả, tạm thời xoá nhoà danh hiệu “bình bông” của cô. Không chỉ có vậy, hiện tại, phim còn được người xem đánh giá cao về nội dung.
Dương Mịch và Hoàng Hiên trong “Người phiên dịch”
Trailer Người phiên dịch (Vietsub by YangMi FanClub VN)
Phim Người phiên dịch tuy được cải biên từ tiểu thuyết ngôn tình cùng tên của nhà văn Mậu Quyên nhưng kịch bản gần như không đi theo cốt truyện của nguyên tác. Nội dung xoay quanh Kiều Phi (Dương Mịch) – cô sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Pháp, nuôi mộng trở thành một phiên dịch viên chuyên nghiệp.
Trong quá khứ, khi đi du học tại Thụy Sĩ, cô đã gặp Trình Gia Dương – phiên dịch viên tiếng Pháp chuyên nghiệp – và định luôn mối quan hệ “oan gia” với anh. 6 năm sau, họ gặp lại nhau tại viện phiên dịch. Trình Gia Dương là chủ nhiệm, phụ trách hướng dẫn những phiên dịch viên tương lai, trong đó có Kiều Phi.
Dưới sự dẫn dắt của anh, Kiều Phi tiến bộ lên từng ngày. Tình cảm giữa họ dần dần nảy sinh. Tuy nhiên lúc này, Trình Gia Dương vẫn còn đắn đo bởi sự xuất hiện của Văn Hiểu Hoa – người đàn chị mà anh từng thích thầm. Văn Hiểu Hoa lại bị động trước sự quan tâm của Trình Gia Dương và tình yêu đơn phương dành cho Cao Gia Minh – anh trai nuôi của Gia Dương, người yêu cũ của Kiều Phi.
Với thời lượng 42 tập, bộ phim từng bước dẫn dắt khán giả tìm hiểu nghề phiên dịch. Trong 8 tập đầu tiên, nhà sản xuất đã khéo léo lồng ghép cảnh nghiệp vụ khá tốt như: dịch cabin, phiên dịch cho lãnh đạo, quy tắc khi làm phiên dịch viên tại các buổi tọa đàm, họp mặt quan trọng, khả năng ghi nhớ cần có của một phiên dịch viên. Điểm trừ nho nhỏ là các diễn viên, do không biết tiếng Pháp, nên phần khẩu hình hoàn toàn không khớp với những câu thoại tiếng Pháp được lồng vào. Điều này rất thường thấy ở các tác phẩm truyền hình Trung Quốc.
Cảnh dịch cabin của Hoàng Hiên gây ấn tượng tốt với người xem
Đan xen với nghề phiên dịch là tình tiết đậm chất phim giải trí, có hơi hướng Hàn Quốc. Biên kịch phim xây dựng một chuyện tình tay tư, nam nữ chính là “oan gia”, thường xuyên đấu khẩu với nhau. Tình yêu của họ phải vượt qua thử thách bởi sự xuất hiện của nam phụ, nữ phụ.
Công bằng mà nói, nếu loại bỏ yếu tố nghề nghiệp đặc thù, Người phiên dịch gần như không có điểm đột phá nào trong cách xây dựng nội dung. Tuy vậy sự kết hợp với những cao trào thường có của phim truyền hình như hiểu lầm, tranh cãi, tình tiết lãng mạn vẫn khiến bộ phim đủ thu hút để khiến khán giả chịu khó ngồi theo dõi từng tập.
Về nhân vật Kiều Phi, Dương Mịch gần như đã thể hiện thành công một cô nàng lắm lời, cao ngạo nhưng có một tình yêu cháy bỏng với nghề phiên dịch. Trong những phân đoạn cần thể hiện cảm xúc rõ rệt, khuôn mặt Dương Mịch không còn “đơ” như tượng sáp mà cơ mặt cũng thay đổi theo yêu cầu từ nhân vật: lúc khẳng khái, lúc dễ thương, lúc tủi thân, lúc băn khoăn…
Dương Mịch “phá bình” – trở thành diễn viên đa biểu cảm
Có thể nói, Kiều Phi năng động qua lối diễn xuất của Dương Mịch đã được miêu tả rất sinh động. Tuy vậy, với những ai đã từng phải lòng một Kiều Phi trầm tĩnh, trưởng thành trước tuổi, ngọt ngào và nhẹ nhàng của nguyên tác tiểu thuyết, có lẽ sẽ rất khó lòng chấp nhận phiên bản này.
Do mô-típ phim đã bị thay đổi khá nhiều, vậy nên nhân vật Trình Gia Dương do Hoàng Hiên thủ vai cũng phải biến tấu sao cho phù hợp với nội dung tác phẩm. Trình Gia Dương trong phim vẫn là “con ông cháu cha”, phiên dịch viên chuyên nghiệp nhưng ở anh lại có sự đanh thép, cứng rắn và vô cùng khó tính trong công việc.
Anh sẵn sàng loại bỏ những người không tuân thủ nguyên tắc, đưa ra những bài tập luyện kỹ năng khó nhằn nhưng lại rất để tâm đến những thực tập sinh của mình. Phải nói rằng, Trình Gia Dương của Hoàng Hiên là nam chính điển hình trong phim truyền hình, dễ gây được thiện cảm từ khán giả.
Hoàng Hiên – bạch mã hoàng tử Trình Gia Dương
Xét về dàn diễn viên phụ, Trương Vân Long (vai Vương Húc Đông) – Lý Khê Nhuế (vai Ngô Giai Di) là cặp đôi thứ hai gây được thiện cảm trong phim Người phiên dịch. Họ luôn mang đến sự hài hước, thoải mái cho người xem. Trong khi đó, Cao Vỹ Quang (vai Cao Gia Minh) cùng Chu Kỳ Kỳ (vai Văn Hiểu Hoa) lại khiến khán giả có cảm giác ức chế.
Cặp đôi Trương Vân Long – Lý Khê Nhuế
Về diễn xuất, Cao Vỹ Quang gần như đã được “truyền thụ” tuyệt chiêu bình hoa từ “sư phụ” Dương Mịch hồi xưa. Mỗi khi nhân vật Cao Gia Minh xuất hiện, đa phần anh ta sẽ cau mày nhăn nhó, quát tháo, còn lời thoại thì đọc như trả bài. Ngoài đẹp trai, Cao Vỹ Quang gần như không gây được ấn tượng gì qua bộ phim này. Về phần Chu Kỳ Kỳ, cô thể hiện một Văn Hiểu Hoa quá mờ nhạt. Khuôn mặt dường như không có biểu cảm nào khác ngoài đau khổ, đắn đo vì tình yêu hoặc lo lắng…vì tình.
“Trăm cảnh như một” của Cao Vỹ Quang khiến người xem khó chịu,
Chu Kỳ Kỳ đa sầu đa cảm suốt cả phim
Nhìn chung, Người phiên dịch vẫn là bộ phim truyền hình đáng xem trong mùa hè năm nay. Với những ai yêu mến Dương Mịch và mong chờ được thấy sự tiến bộ ở cô, nhất định không thể bỏ qua tác phẩm này. Với những ai mong chờ một bộ phim khác nguyên tác nhưng có nam chính tuyệt vời, đậm chất ngôn tình, đây cũng là tác phẩm dành cho bạn.