Người dân ở đây tin rằng một khi phần xác thịt chưa phân hủy hoàn toàn, người chết vẫn có thể giao tiếp với những người đang sống.
Famadihana, hay còn được gọi là lễ "thay xương", là tập tục phổ biến trong các gia đình tại Madagascar. Tại đây, nghi lễ này được tổ chức 7 năm (hoặc hơn) sau ngày qua đời, vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Nghi lễ này không phải tập tục cổ xưa mà mới chỉ được phổ biến từ thế kỷ 17 tại đảo quốc phía đông châu Phi.
Những phần còn lại của các bộ hài cốt được bốc lên từ hầm mộ và được bọc trong miếng vải mới.
Sau đó, người Madagascar sẽ cùng nhau nhảy múa với các bộ hài cốt.
Các ban nhạc chơi ngay phía trên hầm mộ, gia súc cũng được giết mổ trong nghi lễ và chia thành từng phần cho mỗi thành viên trong gia đình. Trong dịp này, những người lớn tuổi sẽ giảng giải cho thế hệ sau về công lao và ân đức của cha ông đã nằm xuống. Famadihana cũng được xem như dịp để các thành viên gia đình có thể ngồi xuống ăn uống, chuyện trò và gắn kết với nhau hơn.
Người dân đảo quốc này cho rằng, cuộc gặp với tổ tiên phải là khoảnh khắc hạnh phúc, hân hoan và không có chỗ cho nỗi buồn.
Cư dân Madagascar không tin vào thiên đường và địa ngục, nhưng họ tin rằng một khi phần xác thịt chưa phân hủy hoàn toàn, người chết vẫn chưa biến mất vĩnh viễn mà vẫn còn hiện diện đâu đó và có thể giao tiếp với những người đang còn sống.
Vì vậy, cho đến khi xương thịt trở thành cát bụi mãi mãi, họ vẫn được các thành viên gia đình viếng thăm qua các lễ hội Famadihana. Du khách và người thân đi hàng km để tham dự lễ hội, mang theo tiền hoặc rượu để chôn chúng cùng hài cốt tổ tiên.
Lễ hội kết thúc trước khi màn đêm buông xuống. Hài cốt được bọc lại và đặt xuống mộ một cách cẩn thận, bắt đầu giấc ngủ thêm ít nhất 7 năm. Ảnh: Alamy Stock Photo