Những dữ liệu đầu tiên mà đoàn thám hiểm Trung Quốc cung cấp từ hố sụt khổng lồ vừa phát hiện ở Quảng Tây cho thấy bên trong đó là một khu rừng nguyên sinh với những động thực vật lạ lùng mà khoa học chưa từng biết đến.
Hố sụt khổng lồ được tìm thấy ở gần làng Ping'e, quận Leye, Quảng Tây - Trung Quốc. Đó là cả một thế giới ngầm mênh mông, ước tính sâu 192 m, dài 306 mét, rộng 150 mét.
Theo Ancient Origins, kiểu địa hình này được tạo ra do hiện nước ngầm lưu thông qua các lớp muốn hòa tan và đá carbonat như thạch cao và đá vôi. Ở Trung Quốc, các cấu trúc này còn được gọi là "hố thiên đường". Hố sụt mới tìm thấy là một trong những cái lớn nhất trên thế giới.
Đường vào "thế giới bị mất tích" mới ở Trung Quốc - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Trong khi hầu hết các hố sụt khác trên thế giới, đặc biệt là "thiên đường của hố sụt" - Mexico - thường chứa đầy nước, hố sụt khổng lồ của Trung Quốc là một ốc đảo xanh tươi gây ấn tượng mạnh ngay lập tức bởi những cây cổ thụ vĩ đại, vươn cao tới 40 m.
Sự vĩ đại của cấu trúc chưa dừng lại ở đó. Nhà nghiên cứu Chen Lixin, trưởng đoàn thám hiểm, vừa chia sẻ với Tân Hoa Xã rằng "có những loài trong hang động này chưa từng được báo cáo hay mô tả với khoa học".
Một thành viên khác của đoàn, ông Zhang Yuanhai, kỹ sư cao cấp từ Viện Địa chất Karst, nói thêm rằng đáy của hố sụt "giống như một thế giới khác".
Theo Ancient Oringins, rất nhiều nhà khoa học trên thế giới nóng lòng đợi chờ những dữ liệu tiếp theo về các loài mới, đặc biệt là các nhà thực vật Trung Quốc, trong bối cảnh đất nước này đang nỗ lực trồng cây xanh để chống lại sa mạc hóa, nhưng gặp rắc rối vì những loài cây được chọn ngốn quá nhiều nước. Những thực vật mới sinh trưởng ở nơi không thể tin nổi có thể giúp tạo nên đột phá.