Dù mới phát sóng nhưng phim Thái sư Trần Thủ Độ đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và giới chuyên môn
Dù mới phát sóng nhưng phim Thái sư Trần Thủ Độ đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và giới chuyên môn
Cuốn hút ngay từ những cảnh sông nước đầu tiên trên đường về kinh thành Thăng Long của gia đình Trần Lý, phim Thái sư Trần Thủ Độ (đang phát trên sóng giờ vàng VTV1 và đã phát sóng 1/3 bộ phim trên Đài PT-TH Hà Nội) nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và người trong nghề.
NSND Lan Hương vai Đàm hoàng hậu trong phim Thái sư Trần Thủ Độ.
Hấp dẫn ngay từ tập đầu
Dưới con mắt của một biên kịch khắt khe, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhận xét: “Đây là một phim lịch sử chỉn chu. Đạo diễn chắc tay, có nghề và trong hoàn cảnh khó khăn của điện ảnh Việt Nam hiện nay, đó rõ ràng là nỗ lực của những người làm phim”. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng đánh giá cao Thái sư Trần Thủ Độ ở mặt nghề nghiệp: “Phim được làm kỹ lưỡng, câu chuyện rất chặt chẽ. Một bộ phim khá ổn”.
Quả thực, trong bối cảnh phim truyền hình được sản xuất với tốc độ vài ngày/tập, những gì Thái sư Trần Thủ Độ mang đến dễ gây thiện cảm cho khán giả. Từ những pha hành động đẹp mắt chống trả bọn cướp sông trên con thuyền của gia đình Trần Lý trên đường tới thành Thăng Long, cảnh nhà ngục tăm tối với những trận đòn roi của cai ngục đến cả những chi tiết nhỏ như chiếc chuông gió bằng tre được treo trong quán ăn đều tạo cảm xúc rất thật.
Một cảnh trong phim Thái sư Trần Thủ Độ.
Xúc động khi nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả, đạo diễn phim, NSƯT Tất Bình nói ông rất mừng vì mọi thứ đã diễn ra như kỳ vọng. “Bốn năm đắp kho, nhiều người không biết tưởng phim của chúng tôi tồi quá nên không được chiếu. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy chúng tôi không “đốt” tiền của nhà nước một cách vô ích” - đạo diễn phim Thái sư Trần Thủ Độ nói.
Đạo diễn Tất Bình cũng cho biết những người làm phim đã phải vượt qua nhiều khó khăn về kinh nghiệm làm phim đề tài lịch sử cổ trang, về cơ sở vật chất, áp lực của những người nghiên cứu lịch sử và ngay cả những cứ liệu lịch sử tin cậy cũng rất hiếm. “Chỉ riêng việc thảo luận xem ngày xưa các cụ mặc gì cũng đã khiến chúng tôi nhiều phen cãi nhau. Chúng tôi phải căn cứ vào những những hoa văn còn lại của thời Lý - Trần nhưng cập nhật hóa, sáng tạo rất nhiều để phù hợp với một tác phẩm nghệ thuật. Khi chúng tôi xin ý kiến của bên sử học về trang phục, bên ấy rất ngại ngần, chúng tôi lại phải giải thích trao qua, đổi lại. Cũng may, cố vấn lịch sử cho phim là GS Lê Văn Lan đứng ra bảo vệ quan điểm “lịch sử tùy thuộc vào góc nhìn”. Chúng tôi làm phim nghệ thuật chứ không phải làm phim tư liệu lịch sử” - đạo diễn Tất Bình nói.
“Dưới góc độ giải trí, mang đến cho khán giả kiến thức lịch sử, Thái sư Trần Thủ Độ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình” - biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá. “Tuy nhiên, để đánh giá đúng Trần Thủ Độ, để tên tuổi của ông định vị được trong lòng dân tộc đúng với tên phim Thái sư Trần Thủ Độ, cần phải nhắc đến ông với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Chỉ dừng lại ở giai đoạn chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần thì phim chưa đầy đủ và trọn vẹn, tôi hơi tiếc điều này” - bà Nhã nói.
Chỉ là “ánh sao đêm”?
Với những phản hồi tích cực từ Thái sư Trần Thủ Độ, không ít người kỳ vọng nếu được quan tâm và đầu tư, các đạo diễn sẽ cho ra mắt những bộ phim lịch sử cuốn hút chứ không phải màn ảnh nhỏ tràn ngập phim lịch sử Hàn Quốc, Trung Quốc như hiện nay. Dù vậy, bà Trịnh Thanh Nhã cho rằng trông chờ những tác động sau bộ phim này là không tưởng. Lý do, theo bà Nhã: “Vì bộ phim này được làm bằng khoản tiền khổng lồ mà không có nhà đầu tư nào chịu nổi ngoài nhà nước”.
Hứa Vĩ Văn và Lã Thanh Huyền tham gia diễn xuất trong phim.
Nhà biên kịch có tiếng này phân tích thêm rằng khó khăn nhất trong làm phim lịch sử hiện nay không phải là kịch bản, diễn viên mà chính là vì quy trình làm phim sai và quá cồng kềnh. “Khi định làm một phim lịch sử thì phải vẽ ra bối cảnh cho khoảng 1.000 tập phim, các nước đều thế cả, chỉ Việt Nam là chơi sang, chỉ dùng một lần. Những gì nhà đầu tư bỏ ra không được bảo tồn; bối cảnh, phục trang của phim sau đó đều bỏ đi vì hư hỏng. Nếu cứ làm một phim lại phải xây dựng một bối cảnh thì không ai dám bỏ tiền ra làm” - bà Nhã nói.
Chung tâm trạng này, đạo diễn Tất Bình tâm sự ông rất tiếc vì tất cả bối cảnh của phim Thái sư Trần Thủ Độ tại trường quay Cổ Loa hồi năm 2008 đã bị phá hủy hoàn toàn. “Cả đoạn tường thành dài 180 m, cao 6 m mà chúng tôi dày công hoàn thiện đã hư hỏng toàn bộ sau mấy năm trời. Giá như có tiền mà làm bằng gạch, đổ bê-tông kiên cố thì sau này còn có cái để quay. Bây giờ nghĩ đến cứ tiếc mãi” - ông Bình nói.