Bộ phim “White God” lấy loài chó làm trung tâm được đánh giá là một tác phẩm đầy táo bạo đến từ đạo diễn Kornél Mundruczó người Hungary.
White God là câu chuyện về cuộc nổi dậy mất kiểm soát của một bầy chó, khởi nguồn từ sự chia lìa giữa một cô bé và chú chó của cô. Tác phẩm đã giành giải Góc nhìn độc đáo (Un Certain Regard) tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 67 vào đêm 23/5 theo giờ địa phương.
Chú chó của Kornél Mundruczó cũng tham gia diễn xuất trong bộ phim White God và xuất hiện tại Cannes năm nay.
White God là sự hợp tác sản xuất giữa Hungary, Đức và Thụy Điển. Tác phẩm đánh dấu chiến thắng lần đầu tiên của Mundruczó tại Cannes, mặc dù trước đây đạo diễn 39 tuổi này từng có hai lần được đề cử với các phim Delta (2008) và Tender Son: The Frankenstein Project (2010).
Cùng lúc đó, giải thưởng lớn của Ban giám khảo thuộc về Force Majeure, tác phẩm hài hước sắc sảo của đạo diễn người Thụy Điển Ruben Ostlund, kể về một gia đình cùng nhau vượt qua những biến cố trong kỳ nghỉ tại một khu trượt tuyết. Force Majeure là một trong những phim được đánh giá cao nhất ở hạng mục Góc nhìn độc đáo, cũng như tại Cannes năm nay nói chung. Tương tự như Mundruczó, đây là lần thứ ba Ostlund tham dự Cannes, sau hai bộ phim trước đây là Involuntary(2008) và Play (2011).
Bộ phim hài hước Force Majeure của điện ảnh Thụy Điển đã giành giải thưởng lớn của ban giám khảo tại Un Certain Regard của Cannes 2014.
Ban giám khảo cũng trao một giải thưởng đặc biệt cho The Salt of the Earth, phim tài liệu được thực hiện bởi Wim Wenders và Ribeiro Salgado. Giải đồng diễn xuất đã được trao cho dàn diễn viên của Party Girl, phim đầu tay của ba đạo diễn người Pháp Marie Amachoukeli, Claire Burger và Samuel Theis, được trình chiếu mở màn cho hạng mụcGóc nhìn độc đáo.
Danh hiệu Nam diễn viên xuất sắc thuộc về diễn viên người bản xứ David Gulpilil, với vai diễn của ông trong bộ phim Charlie’s Countrycủa đạo diễn Rolf de Heer, lấy bối cảnh là một hạt ở miền Bắc nước Úc.
Là hạng mục quan trọng thứ hai tại Liên hoan phim Cannes, giải thưởngGóc nhìn độc đáo thường tập trung vào những nhà làm phim trẻ và khuyến khích tính sáng tạo cũng như thử thách trong các bộ phim. Trong số những đại diện của châu Á từng giành giải thưởng này phải kể đến Blissfully Yours (2002), tác phẩm của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul người Thái Lan, Arirang (2011) của đạo diễn Kim Ki Duk người Hàn Quốc, và phim tài liệu The Missing Picture (2013) của đạo diễn Rithy Panh người Campuchia.