Mùa thu là thời điểm thu hoạch hạt dẻ ở Lạng Sơn, thu hút du khách tìm đến để trải nghiệm hoạt động thu hoạch hạt dẻ vô cùng thú vị.
Cứ giữa tháng 8 đến hết tháng 10 hàng năm, xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn lại trở nên tấp nập, thu hút du khách nhờ mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm hái hạt dẻ. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, nơi đây thu hút cả nghìn du khách tới trải nghiệm.
Những quả dẻ chín thường nứt phần đầu, lộ ra những hạt nâu sẫm, vỏ cứng bên trong.
Trên địa bàn xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn hiện có 50 ha trồng cây dẻ với hơn 100 hộ tham gia, tập trung chủ yếu tại thôn Quảng Trung, Quảng Hồng. Cây hạt dẻ là cây dễ trồng, sinh trưởng và phát triển tốt trên các đồi cao và ở vùng có khí hậu lạnh.
Để thu hoạch dạt dẻ chín, người hái phải trèo lên cây dẻ để rung lắc mạnh. Những quả chín sẽ rụng xuống trước, người thu hái chỉ cần tách vỏ lấy hạt. Quả hạt dẻ non bên ngoài có nhiều lông, gai mềm chi chít như quả chôm chôm và có màu xanh. Quả hạt dẻ già sẽ có vỏ màu nâu, bên trong có hạt dẻ màu nâu bóng, nhẵn và có vỏ cứng. Mỗi quả sẽ có từ 1 đến 3 hạt. Cây dẻ trồng được 3 năm đã bói quả, nhưng đến năm thứ 5, thứ 6 năng suất bắt đầu tăng lên từ 12–15 kg hạt/cây/năm, có những cây cho đến 20 kg hạt/năm.
Hoạt động nhặt hạt dẻ khiến trẻ rất thích thú vì được chơi đùa, hòa mình vào thiên nhiên.
Hạt dẻ có đặc điểm là chúng không chín cùng một lúc nên hầu như ngày nào người thu hái cũng phải lên đồi để xem hạt dẻ đã chín chưa. Nếu cây nào có nhiều quả chín mà chưa rụng xuống thì phải trèo lên rung. Những quả chín sẽ rụng xuống, quả nào đã tách hạt ra thì chỉ cần nhặt hạt, những quả chưa tách thì mình phải dùng kéo để tách vỏ, vì vỏ hạt dẻ nếu đâm vào tay sẽ gây đau buốt.
Vài năm gần đây, rất đông gia đình từ Hà Nội tới đây tham gia mô hình trồng hạt dẻ du lịch, tham quan trải nghiệm công việc hái dẻ và thưởng thức hạt dẻ nóng hổi ngay tại nhà vườn. Thu hoạch hạt dẻ cần có găng tay bảo hộ và kéo tách vì vỏ hạt dẻ rất nhọn và cứng, dễ dàng gây thương tích nếu không cẩn thận.
Chị Yến Lê (Giám đốc một công ty du lịch) chia sẻ: “Tour nhặt hạt dẻ tại Lạng Sơn của bên mình có 2 lựa chọn, 1 là đi trong ngày với giá 750.000 đồng. Giá bao gồm tiền xe 2 chiều Hà Nội - Lạng Sơn, 1 bữa trưa, 1 bữa xế, vé vào vườn nhặt hạt dẻ, hướng dẫn viên. Xe sẽ đón khách từ 4h45 ở Hà Nội và trở về vào khoảng 19h. Các gia đình có con nhỏ nhưng không có nhiều thời gian vẫn có thể cùng nhau có trải nghiệm thú vị trong 1 ngày.
Lựa chọn thứ là tour 2 ngày 1 đêm đối với những gia đình có nhiều thời gian hơn. Vì đi trong thời gian dài hơn nên du khách sẽ được đến thăm nhiều địa điểm, danh thắng bên cạnh hoạt động nhặt hạt dẻ.
Cả năm chỉ có 1 mùa, tour lại có chi phí hợp lý nên người đặt rất đông. Hiện tại bên mình đã full lịch đặt trước cho tour nhặt hạt dẻ từ nay đến hết tháng 8”.
Tour nhặt hạt dẻ được nhiều phụ huynh lựa chọn vì trẻ nhỏ vừa được hoạt động thể chất, lại có thêm ý thức về giá trị của lao động.
Từng được một người bạn rủ tham gia tour nhặt hạt dẻ vào năm ngoái, năm nay chị Phạm Thanh Ngân (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã mạnh tay chi một chuyến đi Lạng Sơn thay phần thưởng cho các cháu đạt học sinh giỏi 2 bên nội ngoại.
"Năm ngoái qua một người bạn giới thiệu mà mình biết đến tour này. Bọn trẻ nhà mình đi thích lắm, lần đầu tiên được nhìn thấy cây dẻ rồi còn đeo găng tay đi tìm hạt, nhặt về tách. Bữa trưa ăn theo tour các đặc sản của Lạng Sơn cũng rất đầy đặn và ngon, con mình đặc biệt thích món vịt quay.
Năm nay, mình quyết định thay quà tặng các cháu trong nhà bằng tour nhặt hạt dẻ này, cuối tháng lên đường. Nhìn lũ trẻ háo hức mà người lớn mình cũng vui lấy", chị chia sẻ.
Mô hình vườn dẻ không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho một số lao động ở địa phương. Cứ đến khoảng tháng 9 đến tháng 10 hàng năm người dân ở đây lại có thêm công việc để kiếm thêm thu nhập, đó chính là nhặt hạt dẻ thuê.