Quảng Ninh - Thảm thực vật xanh tốt trên các đảo ở vịnh Hạ Long bị vò nát, chuyển sang màu nâu úa sau ba tuần bão Yagi quét qua.
Cảnh sắc xanh tươi trên các núi đá vôi ở vịnh Hạ Long là một phần di sản, tô điểm cho cảnh quan thiên nhiên giữa vịnh Hạ Long (ảnh sau). Ba tuần sau bão Yagi, nhiều thảm thực vật trên các núi đá đã biến thành một màu nâu úa (ảnh trước).
Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, các nhà khoa học đã thống kê có khoảng 3.000 loài động, thực vật sống trên các hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi nơi đây. Tuy nhiên, sức gió cấp 13 quét qua Quảng Ninh nhiều giờ hôm 7/9 và mưa sau bão kéo dài đã tàn phá một phần không nhỏ hệ thực vật này.
Khu vực trước cửa động Thiên Cung hôm 30/9, nhiều thảm cây héo úa, xơ xác, đối lập với cảnh cây lá xanh tốt trước bão. 100% cây thân gỗ trên núi đá khu vực động Thiên Cung - Đầu Gỗ hay Hang Sò - Ba Hang bị ảnh hưởng, trong đó 70% có khả năng phục hồi, 30% không thể, do bật gốc, gãy đổ.
Tại điểm Vung Viêng, cây bị rụng lá, gãy đổ chiếm khoảng 70-80%. Các khu vực như hang Sửng Sốt, Ti Tốp, Hang Cỏ, Mê Cung, Soi Sim nhiều cây bị gãy ngọn, gãy cành, một số bị bật gốc, nhưng có khả năng phục hồi cao. Khu vực Tiên Ông - Cửa Vạn cây hầu như không bị tác động.
Một vạt rừng trên núi đá vôi, gần khu vực động Thiên Cung, héo khô do bị bật gốc, rễ sau khi hứng chịu sức mạnh cấp cuồng phong của bão Yagi.
Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật cho rằng việc suy giảm độ che phủ của thảm thực vật trên núi đá vôi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một số loài thực vật đặc hữu và có giá trị trong quần thể thiên nhiên của vịnh Hạ Long, tác động tiêu cực đến môi trường sống của các loài động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, thảm thực vật trên các đảo với nhiều lá, thân cây khô hiện tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, khi mùa hanh khô đang tới.
Hiện tượng cây chết, đổ, gãy cành và rụng lá có mức độ khác nhau, tùy theo nơi chịu tác động của luồng gió.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã mời chuyên gia của Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) về khảo sát, đánh giá hiện trạng sau bão và tư vấn giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của vịnh.
Ba tuần sau bão, nhiều cây đã mọc mầm xanh, ra lá non nhưng sẽ mất từ 4-6 tháng mới thấy rõ sự phục hồi.
Ngoài thảm thực vật bị phá hủy, hoàn lưu sau mưa bão đã làm phát sinh lượng rác thải khổng lồ trên vịnh Hạ Long.
Rác chủ yếu là lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ, phao xốp, mảng bè, tre nứa, thiết bị của nhiều công trình ven bờ bị bão phá huỷ trôi dạt về, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.
TP Hạ Long đã huy động khoảng 150 người cùng 50 phương tiện đường thủy mỗi ngày để thu gom, vận chuyển rác, làm sạch vịnh sau bão. Các đơn vị sẽ thu gom rác tại khu vực vùng lõi di sản vịnh Hạ Long, tập trung tại tuyến điểm tham quan du lịch trên vịnh, sau đó là toàn bộ rác trên mặt biển, tại các chân đảo, bãi tắm.
Lồng bè bị bão Yagi phá hủy còn trôi nổi sát đảo Tuần Châu chưa được thu gom.
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết chiến dịch dọn rác sẽ tiếp tục trong tháng 10, "đến khi nào sạch vịnh thì thôi". Hiện, các lực lượng tập trung thu gom tại chân đảo, bãi cát và ven bờ đảo Tuần Châu.
Dù chưa hoàn toàn hồi phục, vịnh Hạ Long đã mở cửa đón khách trở lại từ 13/9. 10 ngày sau bão, vịnh đón khoảng 30.000 lượt khách, trong đó gần 90% là khách nước ngoài.
Trong ảnh là đoàn khách Tây Ban Nha lên tàu thăm vịnh sáng 30/9.
Du thuyền đến từ Hong Kong cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, hôm 30/9, trở thành chuyến tàu biển đầu tiên đến vịnh sau bão Yagi, khởi động mùa du lịch tàu biển 2024 - 2025. Khách được chia thành nhiều nhóm đi tham quan vịnh và các điểm du lịch khác.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, vịnh Hạ Long đón 16 chuyến tàu biển lớn đến từ các tập đoàn, thương hiệu nổi tiếng thế giới, đưa hàng nghìn khách du lịch châu Âu, châu Mỹ và Trung Quốc đến Hạ Long.