"The Poltergeist" chính là một “món khai vị” nhẹ nhàng cho một mùa phim kinh dị hè mà mọi người đều mong đợi.
Mùa hè nóng nực, mùa hè của những bộ phim bom tấn, mùa hè cũng là mùa của những bộ phim kinh dị, khi khán giả rủ nhau đến rạp để tận hưởng nỗi kinh hoàng đủ khiến họ “mát lạnh” từ đầu đến chân giữa cái nóng oi ả.
Là bộ phim làm lại của phim kinh dị cùng tên được sản xuất năm 1982 của đạo diễn Tobe Hooper dựa trên kịch bản được chắp bút bởi Steven Spielberg lừng danh và các đồng sự của mình, The Poltergeist (tên tiếng Việt: Yêu tinh) tiếp tục kể lại câu chuyện về một gia đình trước sứ mệnh chống lại sự trỗi dậy của các thế lực quỷ dữ.
Poster phim
Gia đình nhà Bowen chuyển đến căn nhà mới ở một vùng ngoại ô hẻo lánh, xa khỏi quá khứ huy hoàng và đầm ấm khi người chồng Eric chưa bị sa thải. Một khởi đầu không mới lạ, một cách chính xác, đây là cách mở đầu mà có lẽ phân nửa những nhà sản xuất phim kinh dị lựa chọn để dẫn dắt người xem vào câu chuyện của mình: không gian mới, hiểm hoạ mới.
The Poltergeist là phim kinh dị, tất nhiên, nhưng không giống như phần lớn thể loại kinh dị thường thấy – vứt người ta vào giữa những tai ương và bất hạnh, bắt họ phải vật lộn trong cô độc, bộ phim này (và có lẽ nhiều bộ phim kinh dị khác nữa cũng khai thác yếu tố ràng buộc gia đình) sẽ khiến người xem cảm thấy bản thân các nhân vật (và có lẽ là chính bản thân họ) không hề đơn độc trong cuộc chiến của riêng mình.
“Biệt đội giải cứu Madison”
Trong bộ phim năm 1982, cô con gái út trong gia đình thực sự sở hữu siêu năng lực được di truyền lại từ bà ngoại. Nhân vật bà ngoại (người “vô tình một cách hữu ý” bị lãng quên khỏi phiên bản 2015) là thiên thần bảo vệ cho cả gia đình con gái bà. Những người từng xem phiên bản trước đây của bộ phim hẳn sẽ thấy mất đi cảm giác được che chở về mặt tâm linh, nhất là khi nhân vật chính trong phim là những đứa trẻ. Nhưng thiếu hụt ấy đã phần nào được bù đắp bằng câu chuyện ngọt ngào về tình anh em, về chuyện chàng hoàng tử bé nhỏ dấn thân vào rừng sâu để bảo vệ em gái mình.
Hai nhân vật chính trong hai phiên bản 1982 và 2015
Nếu đem đặt The Poltergeist lên bàn cân mà so sánh độ “kinh dị” với các phim cùng thể loại, thì có lẽ nó sẽ đứng ở những thứ hạng vô cùng thấp. Tất cả những tình huống kinh dị, ma quỷ trong phim đều chỉ dừng lại ở mức độ giật gân, đe doạ bên ngoài mà không làm hại trực tiếp tới sinh mệnh của nhân vật. Nhưng mặc kệ đi, nhân vật chính của bộ phim là trẻ em cơ mà, và hơn thế nữa, chúng quá sức đáng yêu, quá sức dễ thương – như những đốm sáng lấp lánh xua đi màn đêm u ám đang bủa vây căn nhà.
Không tính đến bố mẹ và cô chị cả Kendra, thì Griffin và Madison là những thành viên duy nhất trong gia đình còn sống trong thế giới của ngựa một sừng, các bà tiên, yêu tinh và thậm chí cả ma quỷ. Cậu bé Griffin luôn bồn chồn lo lắng, còn cô bé Madison ngây thơ và ngọt ngào. Ngay từ những phút đầu tiên của bộ phim, khán giả đã không dưới đôi lần bị “đốn tim” bởi câu chuyện của hai đứa trẻ, những bí mật “kiểu trẻ con” mà chúng chia sẻ với nhau trong căn nhà chúng vừa đặt chân tới.
Một cảnh phim tươi sáng đúng kiểu “trẻ con”
Thế giới ma quỷ trong bộ phim cũng là một yếu tố khá thú vị. Chúng trêu chọc con người, bắt đầu bằng lũ trẻ. Chúng ẩn mình trong những nỗi sợ hãi phổ biến nhất: ông kẹ trong tủ áo, búp bê tự di chuyển, bóng cây in lên cửa sổ… Từng chút, từng chút một cho tới khi mọi sự đi quá giới hạn của một trò chọc phá. Lũ yêu tinh, tuy không có một thù hình cụ thể nhưng chúng và những trò chọc phá dư sức làm người xem giật mình, đôi lúc là cả những hơi thở gấp vỡ oà thành tiếng hét khe khẽ của sợ hãi và nhẹ nhõm diễn ra trong cùng một khoảnh khắc.
Vì thông điệp của The Poltergeist khá rõ ràng, tất cả các tuyến truyện, tuyến nhân vật trong hay ngoài gia đình Bowen đều được tập trung xây dựng dựa trên mối liên kết tình thân trong gia đình – khi một người gặp nạn thì những người khác sẽ hết lòng ứng cứu, cùng với đó là cốt truyện nhiều phần tươi sáng, nên có thể nói, nhà làm phim đã rất khéo léo sử dụng đúng và đủ chất liệu kinh dị cho câu chuyện của mình.
Trong phiên bản làm lại này, đội ngũ sản xuất đã bám khá sát nguyên bản 1982, đặc biệt là việc sử dụng lại một hình ảnh có thể cho là đặc điểm nhận dạng của cả series phim. Cô con út đứng trước màn hình tivi nhiễu sóng với những dấu tay mờ ảo hiện lên từ phía sau màn hình, giắc cắm đã bị rút ra khỏi ổ từ lúc nào. Hơn cả những trường đoạn giật gân, âm nhạc và một hình ảnh “thế giới bên kia” được xây dựng đẹp mắt (giá trị gần như duy nhất của việc bộ phim được chiếu ở định dạng 3D), thứ làm người xem bị ám ảnh nhiều nhất có lẽ chính là chi tiết cổ điển này. Chút hương vị từ quá khứ càng khiến bộ phim trở nên duyên dáng nhiều phần.
Hình ảnh đã thành “thương hiệu” của cả loạt phim
The Poltergeist là một bộ phim mà trong đó sự kinh dị được hoà trộn với thể loại tâm lý gia đình, những cơn ác mộng song hành cùng thực tại đẹp đẽ. Điểm độc đáo có thể khiến nhiều khán giả thấy hài hước, hoặc bực mình – thực sự nó rất hài hước, chính là cái kết của phim. Một sự phá cách về cả âm nhạc lẫn hình ảnh so với những cái kết “mẫu mực” thường thấy, nhưng có thể coi là “xứng đáng”.