Từng có nhiều vụ sống sót kỳ diệu sau khi rơi xuống vực sâu nguy hiểm ở núi Yên Tử

H.G - Ngày 05/05/2022 09:40 AM (GMT+7)

Yên Tử từ lâu đã nổi tiếng là địa điểm du lịch tâm linh được đông đảo du khách gần xa lựa chọn du xuân, vãn cảnh đầu năm. Tuy đã được gia cố và nâng cấp để phục vụ cho người hành hương leo bộ nhưng đôi khi tại đây vẫn xảy ra các vụ sẩy chân rơi xuống vực

Nhiều vụ thoát chết kỳ diệu tại khu vực Yên Tử 

Chùa Yên Tử Quảng Ninh là điểm đến tâm linh nổi tiếng bậc nhất tại Việt Nam, toạ lạc tại thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, Quảng Ninh. Nơi đây được Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành sau khi truyền ngôi và thành lập ra phái Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (một dòng Phật giáo ở Việt Nam).

Chùa Yên Tử gây ấn tượng bởi độ cao 1068m so với mực nước biển, kiến trúc vô cùng độc đáo mang đậm nét Phật giáo thời Trần với  cổng tam quan hai tầng tám mái đứng uy nghi, mái chùa được lợp ngói vảy uốn cong hình đầu đao hướng thẳng lên trời. Tất cả các cột ở chùa đều được làm bằng gỗ lim chắc chắn, dưới chân có phiến đá lớn bao quanh. 

Suối Giải Oan thường được nhiều du khách cho là linh thiêng. Ảnh: Vietnammoi

Suối Giải Oan thường được nhiều du khách cho là linh thiêng. Ảnh: Vietnammoi

Đường lên chùa Yên Tử ngày càng phát triển hơn nên việc di chuyển cũng vô cùng dễ dàng. Tùy vào sở thích mà du khách có thể lựa chọn đi bộ hoặc đi cáp treo. Đa số những người rơi xuống vực khi du xuân tại Yên Tử đều leo bộ dọc theo rừng thông. Tuy đã được gia cố bởi các bậc thang nhưng đôi khi vì lý do thời tiết hoặc bất cẩn mà một số người đã rơi xuống vực. Từng có nhiều vụ được cứu sống sau khi không may bị té ngã xuống vách núi Yên Tử trong hơn 10 năm trở lại đây, điển hình nhất là 3 vụ dưới đây.

Tháng 12 năm 2011, một nam du khách Hà Nội do mải chụp ảnh đã trượt chân rơi xuống vực sâu khoảng 70m thuộc khu vực phía Tây Nam Chùa Đồng – Yên Tử. Cú rơi cao khiến người này bị sưng nề nhiều bên trái, giập nát sương đòn, suy thận và gãy cột sống N2. Nam thanh niên này mắc kẹt dưới vách đá hiểm suốt 24h trong điều kiện thời tiết lạnh giá của miền bắc.

Năm 2011, cơ quan chức năng từng giải cứu một nạn nhân rơi xuống vách núi Yên Tử do mải chụp ảnh.

Năm 2011, cơ quan chức năng từng giải cứu một nạn nhân rơi xuống vách núi Yên Tử do mải chụp ảnh. 

Theo lời kể của nạn nhân, do sơ ý nên dây máy ảnh mắc vào chân và trượt ngã xuống vực, người va chạm mạnh vào các thân cây, lăn đập vào đá và ngất đi. Khi anh tỉnh dậy thì trời tối om, điện thoại bị hỏng không còn sử dụng được. Sau đó, anh được lực lượng chức năng cứu sống. 

Vụ gần đây hơn xảy ra vào năm 2016, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử khi đi phóng sinh một con rắn hổ mang chúa thì nghe tiếng kêu cứu dưới vực sâu. Sau hơn 1 tiếng tìm kiếm đã tìm thấy nạn nhân đang vắt vẻo trên chạc 1 cây cổ thụ cao 30m. Rất may nạn nhân chỉ bị xây xước và chấn thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó, nạn nhân đã được đưa xuống chân núi Yên Tử và chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện.

Người đàn ông thoát chết kể trên từ Bắc Ninh đến Yên Tử để lễ chùa. Sau khi thăm thú và vãn cảnh tại chùa Đồng xong, anh đi bộ xuống núi, khi xuống dưới núi hơn 100m anh trèo ra ngoài rào chắn đi vệ sinh. Do bị trượt chân nên anh rơi từ trên núi xuống dưới khu vực có độ sâu khoảng 200m. 

Bà Liên thoát chết kỳ diệu sau 7 ngày 7 đêm rơi xuống vách núi. Ảnh: Báo Người Lao Động

Bà Liên thoát chết kỳ diệu sau 7 ngày 7 đêm rơi xuống vách núi. Ảnh: Báo Người Lao Động

Những ngày qua, MXH đang hướng sự quan tâm, theo dõi vụ bà Bích Liên rơi xuống vực sâu và sau 7 ngày 7 đêm vẫn sống sót. Bà Liên đi lễ Phật tại chùa Đồng, Yên Tử một mình. Khi đi xuống một đoạn thì bất ngờ thấy người hơi mệt nên ngồi nghỉ gần lan can chùa Đồng. Do bị tụt huyết nên đã dựa vào lan can và khi đứng lên đi tiếp thì bị choáng ngã xuống khu vực phía dưới khoảng 30m. Nạn nhân rơi vào nơi có nhiều cây nên bị chấn thương, May mắn khi ngã, chiếc túi bà Liên cầm theo còn vài chiếc bánh gạo và chai nước, và bà ăn thêm lá cây dương xỉ cầm cự để duy trì sự sống trước khi được cơ quan chức năng tìm thấy. 

Du khách cần chú ý những gì khi vãn cảnh, du xuân Yên Tử

Vì là điểm đến tâm linh nên khách du lịch ghé thăm thường xuyên và tấp nập quanh năm, đông đúc nhất phải kể đến dịp đầu năm, ra Giêng đến tháng 3 âm lịch, thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, hoạt động hướng về cội nguồn có ý nghĩa. Tuy nhiên, đi vãn cảnh Yên Tử dịp đầu năm chắc chắn sẽ chịu cảnh chen chúc, chen lấn rất khó chịu. 

Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: lễ bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, văn nghệ diễn xướng tái hiện lịch sử dân tộc cùng những hoạt động văn hóa dân gian khác như múa lân, trình diễn võ thuật cổ truyền, các trò chơi dân gian… 

Cảnh chen chúc tại chùa Đồng, Yên Tử diễn ra nhiều năm nay vào mỗi dịp tết đến xuân về.

Cảnh chen chúc tại chùa Đồng, Yên Tử diễn ra nhiều năm nay vào mỗi dịp tết đến xuân về.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử có nhiều điểm tham quan như Chùa Trình - ngôi chùa cổ 400 năm xây dựng từ thời Hậu Lê, Suối Giải Oan, Chùa Hoa Yên, Chùa Một Mái, Chùa Vân Tiêu, Cổng Trời - Bia Phật, Chùa Đồng Yên Tử....

Du khách gần xa, khách du lịch nước ngoài đến Yên Tử không chỉ để cầu khấn xin bình an, may mắn theo phong tục địa phương mà còn tham quan, ngắm cảnh, tìm hiểu về lịch sử - văn hoá Phật giáo Việt Nam. Nơi đây được ví như điểm giao thoa giữa đất trời, vậy nên không ít người không tiếc bỏ công sức, tiền bạc để một lần đến với vùng đất linh thiêng này.

Từng có nhiều vụ sống sót kỳ diệu sau khi rơi xuống vực sâu nguy hiểm ở núi Yên Tử - 5

Đoạn đường núi dài tầm 6km với thời gian di chuyển khoảng tầm 6-8 tiếng vào thời điểm thưa người. Đi bộ là hình thức rèn luyện sức khỏe và cũng là thử thách chinh phục Yên Tử mà nhiều người đặt ra cho mình. Đoạn đường đi khá vất vả nhưng bạn sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hoang sơ của cảnh vật núi rừng. 

Khi đã quyết định chinh phục đường núi, du khách cần chuẩn bị đầy đủ hành trang cho chuyến đi để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ. Theo kinh nghiệm của những người có kinh nghiệm leo núi Yên Tử nhiều năm, nên mang theo 1-2 bộ quần áo dự phòng để thay, thuốc chống côn trùng, chống muỗi. 

Đường núi leo Yên Tử đã được gia cố nên dễ di chuyển hơn trước. Ảnh: Vietnammoi

Đường núi leo Yên Tử đã được gia cố nên dễ di chuyển hơn trước. Ảnh: Vietnammoi

Chọn giày mềm, có độ bám tốt để dễ dàng di chuyển. Đường leo núi khá dài nên sắp xếp thời gian để nghỉ giữa các đoạn để lấy sức. Không nên cố leo một mạch sẽ gây mệt, mất sức không thể leo các đoạn sau. Khi leo đến rừng tùng, cố gắng đừng dẫm lên gốc, rễ cây. Đoạn lên Chùa Đồng khá dốc, không có bậc thang, cần cẩn thận nhất là vào những ngày trời mưa, đường dễ trơn trượt.

Nếu đi vào dịp lễ hội đông người, cần cẩn thận tiền bạc, vật dụng có giá trị đề phòng việc chen lấn, móc túi. Có thể cân nhắc việc sử dụng cáp treo cho chiều đi về để tiết kiệm thời gian hoặc đảm bảo sức khoẻ của bản thân và những người đi cùng. 

Làm rõ thông tin gây tranh cãi vụ việc người phụ nữ U60 sống sót hi hữu sau 7 ngày rơi xuống vực ở Yên Tử
Đi du lịch một mình, không mang theo điện thoại, không được tìm kiếm... là những thông tin mà dư luận đặt dấu hỏi trong vụ việc người phụ nữ gần 60 tuổi sống sót sau 7 ngày rơi xuống vực sâu 30 m ở chùa Đồng, Yên Tử (Quảng Ninh).

Tin tức 24h

H.G
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Du lịch Quảng Ninh