Những chiếc đĩa hài Tết từng là món ăn tinh thần cho bao người dịp đầu năm mới, giờ dần vắng bóng...
Một buổi chiều xuân, trên chiếc chiếu cói bày biện nào là khay mứt quả, nào là những đĩa hạt bí hạt dưa, nào là những gói bánh kẹo xanh đỏ phải đợi tới Tết mới được bóc ra ăn. Mấy đứa trẻ con vừa chơi cá ngựa, vừa đếm phong bao lì xì, vừa ngẩng đầu xem đĩa phim hài về anh chồng cả ngố lấy được cô vợ khôn. Đến đoạn anh chồng bị cô vợ nhiếc, mấy đứa ôm bụng cười khành khạch.
Nhắc đến hài Tết, phải kể ngay đến cặp bài trùng Xuân Hinh - Thanh Thanh Hiền nức tiếng một thời.
Một trích đoạn trong tiểu phẩm kinh điển Đi khám bệnh những năm 2000, do Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền hợp diễn
Đời mỗi người có mấy chục mùa xuân, nhưng lòng mỗi người thường chỉ có một mùa xuân duy nhất. Cứ như Đoàn Chuẩn thì có đêm tân xuân “hoa chen người đi, liễu rủ mà chi”, nhớ người em gái, buồn đến nao lòng. Hay cứ như Lưu Quang Vũ có mùa xuân Matxcơva “tiếng băng vỡ trên sông, những công viên tuyết cuối mùa chưa tan hết”.
Nhưng lũ chúng tôi vốn người phàm, chẳng phải thi nhân, mùa xuân trong lòng bởi vậy cũng không được nên thơ cho lắm, có khi chỉ đơn giản như mùa xuân ôm bụng cười khành khạch của lũ trẻ kia.
Được mệnh danh là "Vua hài đất Bắc", nghệ sĩ Xuân Hinh là gương mặt thương hiệu của hài Tết bao năm qua.
Nhưng chớ vội cho cái cười hơ hớ của bọn trẻ con ấy là tầm thường! Ngẫm kỹ ra, mới thấy cái cười ấy chính là “tiếng cười dân gian” chứ còn gì nữa.
Dẫu vật đổi sao dời, người thôn đã thành người tỉnh từ lâu, hương đồng gió nội đã ít nhiều bay tứ tán, nhưng sau bốn ngàn năm dựng cơ đồ, người ta vẫn cứ bất giác cười như ông bà tổ tông đã từng cười, cái cười sâu cay mà nhẹ bẫng.
Tôi thì chỉ muốn mọi người gọi mình là "kẻ chọc cười dân dã" thôi.
- Xuân Hinh -
”Cười ai?
Cười hết thảy xóm làng, cười kẻ gian, cười cả người ngay.
Cười từ bậc phú gia cười đến cái sen, cái nụ.
Cười người chán ta lại cười mình.
Cười những ông thầy bói “chập chập thôi lại cheng cheng, con gà trống thiến để riêng cho thầy” như trong tiểu phẩm Thầy dởm của Xuân Hinh ngày trước.
Cười những gã mày râu vô tích sự, đã chẳng có danh gì với núi sông, chỉ “ngồi xó bếp rang ngô cháy quần” như trong Râu Quặp.
Rồi lại cười cả những gã “hay tửu hay tăm”, kiếm đủ mọi cớ la đà chén chú chén anh như trong Người lịch sự.
Cảm hứng dân gian luôn được ưu tiên ở hài Tết
Mà thật ra, nhìn lại, lũ chúng tôi có thể cười cả chính những đĩa tiểu phẩm Tết xưa nữa kìa. Ngày xưa họ làm phim hài kịch buồn cười lắm, có khi tiếng không khớp miệng, miệng khua khoắng một hồi rồi tiếng mới phát ra. Cảnh phim cắt ghép cũng chẳng mượt mà, xem Xuân Hinh đi hỏi vợ mà cảnh cứ nhảy cà giật cà giật, tưởng không phải đang xem phim Việt mà đang xem những pha jump cut trong các bộ phim Pháp thời Làn Sóng Mới!
Đấy là chưa kể, ngày ấy, người ta còn chuộng tấu hài bằng mồm vẩu, nói ngọng líu lô, tạo hình thì làm quá, Xuân Hinh diễn ông Tây trong Lên voi mà cứ như người rừng.
Tạo hình của Xuân Hinh trong hài Tết Lên voi
Công chúng thời nay lắm kẻ học Đông học Tây, phàn nàn những tiểu phẩm truyền thống sao mà... vô duyên, tục tĩu. Thôi thì xã hội thay da, người ta muốn xóa vết tích cái làng, đành chấp nhận lối cười tiểu nông giờ biến thành trò cười theo nghĩa đen dưới con mắt những người Âu hóa.
Những kẻ “sinh viên trường thuốc”, “đốc tờ Xuân”, “ông bà Văn Minh” thế kỷ 21, họ có hiểu chăng rằng, dân gian cười tục, cười sâu cay nhưng không thâm hiểm. Người Việt mình duy tình, trăm cái lý không bằng một tí cái tình, giễu là giễu vậy, nhưng cười đã đời xong lại động lòng thương.
Đến như cái anh thiếu gia phá gia chi tử mà Quang Thắng diễn trong Lên voi, đáng ghét không để đâu cho hết, vừa ngu si, vừa khoác lác, vừa hèn hạ. Nhưng tới khúc cuối khi anh ta cờ bạc tới mức bại sản, từ ông chủ thành thằng cù bất cù bơ, xấu hổ lén lút bỏ đi giữa lúc vợ chồng thằng hầu cũ, nay đã thành đạt, đoàn viên đêm xuân; dân gian cũng lại rưng rưng thương cảm, thương thay cho cái sự đời, phồn hoa rồi cũng là đời bỏ đi, tiền nhiều như núi bao nhiêu cho đủ? Con vua cũng không mãi làm vua, đến lúc số phận chuyển di, con vua thất thế lại đi quét chùa.
Và cứ nhớ mãi đêm giao thừa mươi năm trước, xem Người ngựa ngựa người (lại của Xuân Hinh) dựa trên truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, có anh chàng kéo xe đêm 30 tháng Chạp, cố nai lưng, kéo nốt chuyến này, kiếm thêm chút đỉnh ăn cái Tết cho tươm, vừa hay gặp một bà khách son phấn điểm trang xinh đẹp, trông có vẻ phu nhân nhà giàu. Bà bảo kéo về Đông rồi lại bảo kéo về Tây, anh phu xe trong bụng mừng thầm, chắc mẩm lần này kiếm được món hời đây.
Rồi anh hí hứng kéo, kéo mãi, kéo đến lúc sức cùng lực kiệt, mới tá hỏa bà khách giàu sang đó chỉ là một cô gái ăn sương, so về độ khố rách áo ôm, giữa hai người cũng một mười một chín. Ôi cái cảnh áo rách gặp chiếu manh, ai xem mà không ngậm ngậm ngùi ngùi, thương cho phận đời cứ mãi nổi chìm lênh đênh giữa nhân gian vội vã.
Nhân văn như thế, nên nhiều khi chúng tôi cũng chẳng rõ cái gốc lúa nước có tội tình gì mà người ta cứ bĩu môi dè bỉu, ai cũng gắng thoát cái lối cục mịch nhà quê. Nay Tết đến, rạp chiếu bóng vẫn lấp lánh đèn, người ta ra rạp xem phim đầu tư tiền tỉ, các cô diễn viên ai nấy đẹp như hoa, tội chi mà phải mua ba cái đĩa tiểu phẩm hài về xem giết thì giờ?
Nhưng nói thì nói thế, nhiều khi từ rạp chiếu trở về nhà, áo xống vẫn vương mùi nước hoa của những vị khách tài tử giai nhân, mười đầu ngón tay vẫn thơm phưng phức mùi bỏng ngô béo ngậy, tâm trí vẫn còn lâng lâng những thước phim đẹp như tranh vẽ, vậy mà bỗng cứ thấy thiêu thiếu cái gì, trông trống cái gì.
Cứ thấy thèm thèm một tiếng cười không cần giữ ý, thèm thèm những nhân vật ăn mặc xuềnh xoàng như đoàn văn công hợp tác xã, thèm thèm mấy câu vần tấu hài vần vè kiểu: “Nước Lào cũng giống nước ta. Cái cửa là để đi ra đi vào”, thèm thèm cái âm thanh rè rè khi bỏ một chiếc đĩa vào trong đầu đĩa, nhấn nút play.
Các sản phẩm hài Tết từng được bày bán tràn lan tại các sạp băng đĩa nay đã dần vắng bóng. (Ảnh: Thùy Liên, báo Lao Động)
Độ mười lăm năm trước, cái thời đi cả thành phố chỉ có vài chiếc điện thoại di động cục gạch, tivi màn hình cong, xoay đi xoay lại có vài ba kênh VTV, thêm hai kênh Hà Tây, Hà Nội, còn internet ư? – chưa từng nghe qua. Cái dạo ấy, nếu không đánh cá ngựa hay chơi cờ tỷ phú, lũ chúng tôi cũng chẳng có niềm vui nào khác ngoài mua hay thuê đĩa về xem.
Thế nhưng vạn vật cũng chỉ như giọt mưa rơi, sau rốt vẫn lần lượt bốc hơi, hoàn tất vòng đời. Những tiệm đĩa xưa đột nhiên biến mất, êm ru như dọn một bộ xếp hình, chỉ là bỗng một ngày đi qua không còn thấy nữa vậy thôi. Tiệm nào vẫn gắng tồn tại thì cũng vắng hoe, còn đâu cái cảnh khách nườm nượp, kê ghế chẳng đủ ngồi?
Ngày đi học, đến bài Ông đồ của Vũ Đình Liên, tôi thấy giáo viên dường như giảng có gì đó sai sai. Cô giáo dạy văn bình rằng hình ảnh ông đồ là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”, nhưng nào có tàn đâu? Cứ mỗi độ đương xuân, các ông đồ già có, trẻ có, lại ngồi la liệt trước cổng Quốc Tử Giám, “thảo những nét như phượng múa rồng bay”.
Liệu có ngày nào văn hóa hài Tết cũng "hồi sinh" như thú xin chữ các ông đồ ngày Tết?
Hỏi ra mới hay, quả đã có thời “chữ nghĩa Tây Tàu trót dở dang”, các ông đồ tưởng đã buông tay gác kiếm cả. Ấy mà mấy mươi năm sau, khi đã có của ăn của để, thú chơi ưu nhã kia được phục hưng, người người lại xếp hàng đi xin chữ.
Thế là lũ chúng tôi cũng thấp thỏm hy vọng đợi đến khi văn hóa hài Tết đến ngày… phục hưng. Nhưng cứ đợi hoài, đợi mãi, chẳng biết đợi tới bao giờ, mà cũng chẳng biết có ngày đó không hay sẽ một đi không trở lại?