Cuốn sách Sài Gòn - phong vị báo Xuân không chỉ giúp độc giả hiểu hơn về những thể loại báo chí mà còn mang đến phong vị Tết riêng của ngày xưa.
Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa do nhà báo Phạm Công Luận biên soạn được xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ra đời báo Nam Phong Tết Mậu Ngọ (được xem là báo xuân đầu tiên của Việt Nam) 1918 – 2018. Cuốn sách không chỉ giúp người đọc hiểu được các thể loại báo chí mà còn đưa phong vị Tết riêng một thời.
Sách được thực hiện khá công phu với các bài viết, bài trích và rất nhiều hình ảnh tư liệu khai thác chủ đề Giai phẩm Xuân Sài Gòn từ 1930 đến 1975.
Sách Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa gồm hai phần, phần đầu đưa ra cái nhìn khái quát giúp độc giả hiểu sâu hơn về thể loại báo chí đặc biệt này (nhiều người cho là chỉ có báo chí Việt Nam mới làm riêng số báo Xuân). Với cách thể hiện đa dạng, phong phú và có những đặc trưng riêng về hình thức, nội dung mà giới báo chí Việt tự tìm kiếm và hình thành, khác biệt với báo ra hằng ngày hay báo chí định kỳ.
Các phần trong bài viết đặt ra những câu chuyện lý thú như: thời điểm độc giả Nam kỳ bắt đầu thích đọc báo xuân đưa vào từ miền Bắc, những mảng nội dung đặc biệt được ưa thích trên báo xuân, những gương mặt nhà văn nhà báo một thời lừng lẫy trên đất Sài Gòn những năm 1920 đến 1940 trong đó có những tên tuổi nay đã chìm vào quên lãng.
Phần “một số bài báo đặc sắc trên các giai phẩm Xuân xưa” thực sự thú vị, là những bài trích được tuyển chọn, đa phần viết về các văn thi sĩ làm báo trên đất Sài Gòn như Tản Đà, Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ, Tùng Lâm, Hồng Tiêu... với những giai thoại độc đáo.
Sách cũng giới thiệu một số họa sĩ vẽ bìa báo, biếm họa, minh họa, làm nên hình thức đẹp đẽ của báo xuân từng làm nên sự náo nức cho độc giả trên dưới nửa thế kỷ trước như Lê Trung, Lê Minh, Hưng Hội...
Phần sau bài báo giới thiệu rất nhiều tranh, ảnh phong phú với hàng trăm bộ tranh và tranh biếm họa, tranh minh họa cho từng bài báo và những bìa báo đẹp được chọn trong 45 năm báo Xuân Sài Gòn.
Cuốn Sài Gòn – phong vị báo Xuân xưa cung cấp cho độc giả không chỉ tư liệu về một thể loại báo chí riêng biệt, trong đó có sự phát triển ở từng thể loại tranh biếm họa, minh họa... mà qua đó còn là trích lọc và khơi gợi được những cảm xúc ngày xuân sâu đậm, tâm thế thưởng thức cái Tết dân tộc của người Sài Gòn – Gia Định và ở các tỉnh phía Nam trong suốt một trăm năm qua, phản ánh qua từng bài viết, bức tranh.
Bên cạnh Sài Gòn – phong vị báo Xuân xưa, nhà báo Phạm Công Luận cũng ra mắt tập cuối Sài Gòn - Chuyện đời của phố. Cuốn sách này vẫn tiếp nối những điều tạo nên giá trị bộ sách lâu nay.
Kể chuyện về đời sống Sài Gòn xưa, tác giả lùi khá sâu về quá khứ, kể về những câu chuyện của thập niên 1930 khi chế độ thuộc địa đang ổn định nhưng cuộc sống đang chịu những khó khăn từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế. Trong hoàn cảnh đầy thử thách đó, người Sài Gòn – Gia Định vẫn kiên tâm làm ăn buôn bán, vượt qua thử thách và có được những điểm sáng.
Tập 5 bộ sách Sài Gòn chuyện đời của phố, chốt lại chặng đường 5 năm từ 2014 thực hiện một bộ sách về Sài Gòn xưa đẹp về hình thức, hấp dẫn về nội dung với nhiều tư liệu mới mẻ, phỏng vấn trực tiếp người trong cuộc và sưu tầm công phu từ các tài liệu xưa. Hai cuốn sách về Sài Gòn của tác giả Phạm Công Luận không chỉ dành cho những người yêu Sài Gòn mà cả những người yêu thích văn hoá, lịch sử Việt Nam.