Cuốn sách "Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng" của Monique Brinson Demery đang là tiêu điểm săn lùng của độc giả Việt Nam.
Những ngày đầu năm 2016, cuốn sách mang tên Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng được Công ty Sách Phương Nam liên kết với Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn ấn hành. Vừa ra mắt, tác phẩm ngay lập tức trở thành tâm điểm săn lùng của độc giả, chủ yếu vì sự tò mò về cuộc đời bà Trần Lệ Xuân (1924-2011) - vợ ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính quyền ở miền Nam Việt Nam trước đây.
Cơn sốt ngày càng lan tỏa khi sách “cháy hàng” chỉ sau 2 tuần lên kệ, buộc đơn vị phát hành phải cấp tốc in bổ sung. Vậy cuốn sách này sở hữu những yếu tố gì để khiến “người người nhà nhà” tranh nhau tìm đọc?
Đời tư lẫn công đặc biệt gây nhiều tranh cãi
Trần Lệ Xuân - vợ cố vấn Ngô Đình Nhu - là một phụ nữ đã làm tốn hao rất nhiều giấy mực của giới báo chí trong lẫn ngoài nước.
Từng có không ít lời thêu dệt quanh người đàn bà nhiều tham vọng này, rằng bà sở hữu “mười bảy tỷ Mỹ kim, hai cái thương xá ở Paris và một đồn điền ở Ba Tây”. Năm 1963 - khi đang ở đỉnh cao của vũ đài chính trị, báo New York Times thậm chí còn gọi bà là người đàn bà quyền lực nhất châu Á.
Trong thời gian từ năm 1955 đến 1963, bà Trần Lệ Xuân có nhiều hoạt động trên chính trường như làm Chủ tịch một tổ chức phụ nữ; khởi xướng kiểu áo dài cách tân cổ thuyền, khoét sâu; thúc đẩy việc thông qua các luật liên quan đến những vấn đề như nạo thai, ngoại tình, thi hoa hậu, đấm bốc... Song bà cũng bị lên án vì đã thâu tóm quyền lực và của cải, sự lộng quyền.
Peter Brush - một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ từng đóng quân ở Quảng Trị trong 2 năm 1967 và 1968 - đã có bài báo gây xôn xao về Trần Lệ Xuân với tựa đề Thăng trầm của “Rồng phu nhân” Trần Lệ Xuân. Trong bài có trích đoạn như sau:
“Người thiếu phụ Trần Lệ Xuân đã châm ngòi thù hận tôn giáo, ban hành những luật lệ đạo đức khắt khe, âm thầm nuôi dưỡng tham nhũng và làm cho người Việt lẫn các nước bạn đồng minh công phẫn đến mức suốt đời bà bị gán hỗn danh là “Rồng Phu Nhân”. Đây là tên của một nhân vật nữ quỷ quái do họa sĩ Milt Caniff tạo ra năm 1934 trong loạt truyện tranh "Terry and the Pirates" nổi tiếng của Mỹ. Không có người đàn bà Việt Nam nào nhiều uy quyền hơn, tạo nhiều tranh cãi hơn và cũng bị khinh miệt nhiều hơn bà Ngô Đình Nhu.”
Nói nhiều như vậy là để thấy, chân dung Trần Lệ Xuân trong lịch sử đặc biệt tới cỡ nào. Bên cạnh đó, ai cũng muốn biết đời tư của bà Nhu như thế nào, bà làm gì và sống ra sao từ khi sang Mỹ năm 1963 cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay tại Ý năm 2011?
Năm 1963, thế giới có hai góa phụ trẻ quyến rũ là bà Jacqueline Kennedy - Cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ và bà Nhu. Hai nhân vật này luôn luôn là tâm điểm của báo giới quốc tế. Một tiếng nói, một bước đi của bà Kennedy hay của bà Nhu cũng là đề tài bàn tán sôi nổi. Cuộc sống tình cảm của một góa phụ nổi tiếng và xinh đẹp có gì vui buồn đặc sắc không? Đó là câu hỏi mà hẳn các độc giả chờ đợi Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng có thể giải đáp.
Nhu cầu tìm hiểu lịch sử
Những ai muốn tìm hiểu quan điểm của các nhân vật chính trong lịch sử miền Nam Việt Nam khoảng năm 1955 tới 1963 đều gặp một trở ngại khá lớn là không có hồi ký của các nhân vật chính trong cuộc: anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu - Ngô Đình Cẩn bị sát hại, Trần Lệ Xuân sống lưu vong ẩn dật. Nếu có cái gọi là “hồi ký của bà Nhu” thì đó sẽ là tài liệu rất đáng quý, nói lên quan điểm của một nhân vật có không ít sức ảnh hưởng trong giai đoạn lịch sử biến động.
Tiếc thay, dù bị đồn đại rất nhiều song trên thực tế, cuốn hồi ký của bà Nhu không hề tồn tại. Thứ duy nhất được xuất bản sau khi bà mất là cuốn La République du Việt-Nam et les Ngô-Ðình suivi des mémoires posthumes de Madame Ngô-Ðình Nhu. Cuốn sách này viết bằng tiếng Pháp bởi hai con của bà Nhu (ông Ngô Đình Quỳnh và bà Ngô Đình Lệ Quyên), cùng Jacqueline Willemetz hiệu đính.
Mặc dù được miêu tả là tác phẩm viết theo hồi ký di cảo của bà Ngô Đình Nhu, “chứa đựng hồi ức của bà ghi chép từ năm 1963”, tuy nhiên ông Ngô Đình Quỳnh cũng thừa nhận rằng phần hồi ức này “có phần huyền bí”. Vậy nên sách chủ yếu vẫn là quan điểm của hậu duệ dòng họ Ngô Đình về cha và bác của họ mà thôi.
Tại Việt Nam, sách về Trần Lệ Xuân chủ yếu là tiểu thuyết, được thu góp từ những tài liệu trên báo chí và cô đọng lại để thành một ấn phẩm. Ví dụ như: Đệ nhất phu nhân - Trần Lệ Xuân của Hoàng Trọng Miên hay Lý Nhân có Trần Lệ Xuân - Thăng trầm quyền - tình. Bởi vậy, cuốn sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng với nhiều hình ảnh tư liệu quý, được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn thông tin chính thống giúp độc giả hiểu đầy đủ về cuộc đời một con người sau quá nhiều thêu dệt, tranh cãi từ nhiều phía với đủ mọi dụng ý khác nhau.
Nội dung khai thác góc nhìn về bà Nhu khác so với những sách, tài liệu đã công bố trước
Trong phần lớn tài liệu từng công bố trước kia, diện mạo của Madam Nhu hiện lên chủ yếu là một phụ nữ ghê gớm, lộng quyền với vô số bê bối tình ái. Song ký giả, nhà nghiên cứu Monique Brinson Demery có điều kiện tiếp xúc với bà Nhu, đặt mối quan hệ khá thân thiết để khai thác thông tin nên cách nhìn sẽ khác biệt so với những quan điểm lâu nay mọi người vẫn nghĩ.
Tác giả Monique Brinson Demery từng tốt nghiệp Đại học Hobart và William Smith, sau đó giành học vị Thạc sĩ về Đông Á học tại Harvard năm 2003. Cô đã tiến hành những cuộc tiếp xúc với bà Trần Lệ Xuân vào năm 2005. Và đó cũng là lần đầu tiên bà Nhu tiếp xúc lại với báo chí Phương Tây sau gần 20 năm im lặng lùi vào bóng tối.
Từ các cuộc tiếp xúc, Monique Brinson Demery đã dựng lên những trang viết tự nhiên, sâu sắc, hấp dẫn dưới phong cách hồi ký. Bản gốc cuốn sách có tựa Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu được nhà xuất bản PublicAffairs phát hành vào tháng 5/2013.
Tác phẩm được dịch giả Mai Sơn chuyển ngữ sang tiếng Việt với tên gọi Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng. Sách chia làm 16 chương, đi từ xuất thân tới giai đoạn trưởng thành đặc biệt của bà Trần Lệ Xuân và những bước đi vào thế giới quyền lực, trở thành sự hiện diện đặc biệt trên chính trường miền Nam Việt Nam từ năm 1955 đến 1963.
“Đây là câu chuyện mới nhất chưa được kể về chiến tranh Việt Nam - cuốn tiểu sử đầy cuốn hút, riêng tư với kết cục bi thảm của bà Ngô Đình Nhu, người mà quyền lực chính trị và bản tính sắt đá đã mang lại cho mình danh hiệu Bà Rồng. Monique Demery đã dành mười năm tìm hiểu về nhân vật khó lường này. Kết quả của sự cần mẫn đó là một quyển sách hay, vừa đậm chất học thuật vừa có thể đọc say mê như một câu chuyện bí ẩn thú vị.” David Lam - tác giả cuốn sách Vietnam Now: A Reporter Returns - viết.
Dĩ nhiên do tác giả nhìn vấn đề theo góc độ chủ quan nên xuất hiện không ít chi tiết chưa thực sự thuyết phục người đọc. Việc tham khảo nhiều nguồn tư liệu có cái nhìn theo quan điểm cá nhân cũng là một nhược điểm của sách. Dẫu vậy, Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng vẫn là một cuốn sách hấp dẫn, đầy ắp thông tin và đáng đọc dành cho những độc giả yêu lịch sử nước nhà.